Theo một số chuyên gia, dịch bệnh Covid-19 đang tác động mạnh mẽ đến xu hướng đầu tư BĐS. Rõ ràng, hiện tại, thị trường hết thời lướt sóng, sau dịch sẽ là đường đua của những NĐT dài hạn. Nghĩa là, những NĐT xác định đầu tư trung – dài hạn thì BĐS vẫn là kênh "hái ra tiền" trong danh mục đầu tư.
Chia sẻ trên báo chí mới đây, chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang cho rằng, thời điểm này là lúc các NĐT dài hạn gom những sản phẩm thực. Những dự án chạy theo trào lưu, nhu cầu ngắn hạn đang dần bị thế chỗ bởi các dự án đầu tư lâu dài về cả quy mô lẫn chất lượng cũng như đáp ứng đúng nhu cầu thực tế. Đây là cơ hội cho những nhà đầu tư dài hạn bởi họ luôn hướng đến khoản lợi nhuận từ 3 - 5 năm chứ không kỳ vọng vào lướt sóng tức thì.
"Sau dịch, chắc chắn thị trường vẫn đối diện với những khó khăn nhất định. Điều này một lần nữa giúp các NĐT dài hạn lựa chọn được sản phẩm "sạch", uy tín mà không phải cạnh tranh quá nhiều. Lãi suất vay mua nhà giảm, trong khi đó các chủ đầu tư lại đưa ra các chính sách, gói ưu đãi sản phẩm hợp lý cũng mang lại nhiều cơ hội thuận lợi cho NĐT lẫn khách hàng có nhu cầu ở thực", ông Quang nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ông Mai Đức Toàn, Giám Đốc Khối Kinh Doanh và Tiếp Thị Tập đoàn CNT Group cho rằng, nhiều NĐT không ngần ngại "găm tiền" vào BĐS. Tuy vậy, giữa lúc thị trường đang gặp thách thức và khó khăn, kết hợp với những cơn sốt đất hạ nhiệt, nhà đầu tư nên chuẩn bị nguồn dòng vốn hướng tới đầu tư trung – dài hạn.
"Chúng ta không nên kỳ vọng nhiều vào việc đầu tư lướt sóng không chỉ ở thời điểm này mà cả trong vài năm tới. Do thị trường BĐS Việt Nam trong 5 năm trở lại đây đã thiết lập nên mặt bằng giá mới trên diện rộng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là triệt tiêu hình thức đầu tư lướt sóng. Nếu tính toán đúng, nhà đầu tư vẫn có thể "đánh nhanh, thắng nhanh" song tôi cho rằng tỷ lệ lướt sóng thành công sẽ thấp hơn những năm trước", ông Toàn nhấn mạnh.
Vị này cho rằng, hậu sốt đất và Covid -19 là thời điểm để nhà đầu tư đánh giá lại toàn diện thị trường và sắp xếp các danh mục đầu tư phù hợp. Bên cạnh đó, đa phần các nhà đầu tư sẽ thêm một lần thận trọng và "bĩnh tĩnh" hơn trước những thông tin quy hoạch, là bài học cần thiết để thị trường BĐS phát triển theo hướng minh bạch, bền vững hơn. Theo đó, đầu tư trung – dài hạn mang lại nhiều cơ hội đầu tư cho các NĐT.
Chia sẻ trên báo chí trước đó, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn Chi nhánh Tp.HCM và Bình Dương nhận định, dòng vốn trong năm 2021 sẽ vẫn tập trung vào các kênh đầu tư chính là chứng khoán và BĐS. Giữa việc chọn gửi ngân hàng với mức lãi suất rất thấp, vàng đã qua giai đoạn cao điểm, trái phiếu doanh nghiệp không còn màu mỡ thì chứng khoán vẫn tiếp tục là kênh trú ẩn tạm thời có tính thanh khoản cao. Tuy vậy, với giới đầu tư trung và dài hạn, BĐS mới là sân chơi được ưu ái nhiều nhất. Tâm lý đầu tư của người Việt dù giai đoạn nào cũng luôn có niềm tin vào việc tăng giá của BĐS, đặc biệt, khi dân số ngày càng gia tăng, đất đai không thể mở rộng.
Ở bối cảnh này, nhiều chuyên gia cũng đưa lời khuyên với các NĐT khi vào thị trường. Trong lúc này, NĐT cần tỉnh táo trên thị trường. Nếu mua BĐS vì nguồn thu vào nhiều hơn chi phí bỏ ra, thì cách này được đảm bảo hơn và có thể mở rộng bằng cách dùng lợi nhuận mua thêm nhiều BĐS hơn nữa. Còn nếu mua vì đánh giá cao thì chẳng khác gì là một canh bạc. Bởi nhà đầu tư đánh giá cao loại tài sản đó nhưng không chắc người khác có cùng suy nghĩ như vậy. Và nếu như việc đánh giá BĐS đó cao hơn giá trị thực, là một rủi ro rất lớn.
Nhà đầu tư cũng nên lưu ý một số yếu tố cần tránh trong và sau thời điểm nhạy cảm này như việc dốc tiền mua BĐS theo phong trào, mua nhà đất có giá trị quá lớn so với tiềm lực tài chính, dồn trứng vào một rổ,… Đặc biệt, hạn chế sử dụng quá nhiều đòn bẩy tài chính, tỷ lệ vay vốn khi đầu tư vào BĐS cao (từ khoảng 50 – 80%) nhà đầu tư sẽ bị áp lực trả lãi và vốn gốc. Nếu như thanh khoản kém nhà đầu tư sẽ mất dần lợi nhuận theo thời gian khi bị thâm hụt dòng tiền vì phải trả lãi ngân hàng, thậm chí phải bán tháo BĐS với giá thấp.
Bên cạnh đó, để đảm bảo dòng vốn an toàn với tỷ lệ tăng giá ổn định trong giai đoạn này, nhà đầu tư nên tìm đến các chủ đầu tư uy tín và dự án, sản phẩm có pháp lý minh bạch.
"Tại thời điểm dịch bệnh đang diễn ra, nhà đầu tư nên cẩn trọng trước mỗi quyết định giao dịch. Vì hiện tại những dòng tiền chảy vào BĐS như kiều hối, tiết kiệm, sản xuất kinh doanh…, đều đang bị chậm hơn so với đầu năm. Chỉ khi nào dịch bệnh kết thúc, đồng thời các dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế rõ ràng hơn, lúc đó mới có thể lạc quan về sức khỏe của thị trường BĐS. Chính vì vậy, thời điểm phục hồi của thị trường BĐS vẫn phải chờ cột mốc dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn, khi đó thị trường BĐS mới có thể đoán định được", ông Mai Đức Toàn dành lời khuyên.