HĐND TP HCM vừa ban hành Kế hoạch giám sát việc triển khai các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn giai đoạn 2016- 2025, bao gồm dự án nhà ở xã hội độc lập, nhà lưu trú công nhân và nhà ở xã hội được điều tiết trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị.
Đối tượng giám sát trực tiếp là 13 sở, ban, ngành (Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Khu vực phát triển đô thị Thủ Thiêm…); 3 quận, huyện (7, Nhà Bè, Bình Chánh), TP Thủ Đức và UBND thành phố.
Dự án nhà ở xã hội tại phường Long Trường, TP Thủ Đức dự kiến khi hoàn thành sẽ cung cấp gần 600 căn hộ. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chỉ là khu đất trống với bốn bề được quây tôn; Ảnh: Quốc Anh
HĐND thành phố sẽ giám sát công tác chỉ đạo, điều hành của UBND thành phố; các sở, ban, ngành; UBND quận, huyện, TP Thủ Đức trong việc ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách, tổ chức triển khai, thực hiện các dự án nhà ở xã hội sau khi có Nghị quyết 10/2018 và Nghị quyết 30/2022 của HĐND thành phố.
Đồng thời, giám sát kết quả tổ chức thực hiện đối với các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn giai đoạn trên; đề xuất, kiến nghị giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Đoàn giám sát gồm 22 thành viên do Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ làm Trưởng đoàn; Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Dũng làm Phó trưởng đoàn.
Từ nay đến ngày 8-9, các đơn vị được chọn giám sát sẽ gửi báo cáo chính thức bằng văn bản về HĐND thành phố.
Từ ngày 11-9 đến 15-9 sẽ tổ chức khảo sát đối với một số dự án được chọn; tổ chức giám sát qua báo cáo đối với các đơn vị.
Từ ngày 18-9 đến 29-9 tổ chức đoàn giám sát, khảo sát trực tiếp đối với các đối tượng giám sát. Kết quả giám sát sẽ được báo cáo tại kỳ họp HĐND thành phố thường lệ cuối năm 2023.
Cũng như nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, TP HCM là địa phương "khát" nhà ở xã hội, bởi cầu lớn hơn cung.
Qua chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2016- 2020, nhà ở thương mại tại TP HCM vượt 112,9% chỉ tiêu, nhà ở riêng lẻ do người dân tự xây vượt 23,3% chỉ tiêu. Riêng nhà ở xã hội chỉ đạt 69,2% chỉ tiêu. Như vậy, so với các loại hình nhà ở khác, nhà ở xã hội chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Nhà ở xã hội hiện nay gặp nhiều vướng mắc về thủ tục đầu tư xây dựng, việc thẩm định giá bán, thuê mua và xác định đối tượng. Một dự án thương mại bình thường đã kéo dài, nhà ở xã hội còn có nhiều thủ tục hơn và khó hơn khiến tiến độ kéo dài thêm.
Theo báo cáo giữa nhiệm kỳ chương trình phát triển nhà ở TP HCM giai đoạn 2021-2030, từ năm 2021 đến tháng 6-2023, nhà ở xã hội phát triển 32.668 m2 sàn, chiếm 1,31% so với chỉ tiêu đề ra trong giai đoạn 2021-2025.