Sở Xây dựng TPHCM vừa có báo cáo về tiến độ giải quyết những vướng mắc pháp lý của 116 dự án bất động sản, nhà ở thương mại trên địa bàn.
Các dự án bất động sản đang vướng mắc liên quan đến đất công xen kẹt sẽ tiếp tục phải chờ "quy trình"
"Giậm chân tại chỗ"
Theo ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, thời gian qua, Sở Xây dựng được UBND Thành phố giao chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan như Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Cục thuế TPHCM, Thanh tra TPHCM… tổng hợp ý kiến và báo cáo tiến độ kết quả giải quyết của các dự án nhà ở trên địa bàn. Tuy nhiên, chỉ có Cục thuế TPHCM báo cáo tiến độ giải quyết. Một số đơn vị có số lượng hồ sơ tồn đọng lớn vẫn chưa có báo cáo.
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng, thực tế các vướng mắc đều phát sinh ở tất cả các sở, ngành và quận, huyện. Phổ biến là những vướng mắc về đất đai, tình hình sử dụng đất, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất và hầu hết thuộc thẩm quyền tham mưu, giải quyết của Sở Tài nguyên Môi trường. Quá trình tổng hợp, Sở Xây dựng không kịp thời nhận được thông tin giải quyết của các đơn vị về tiến độ thực hiện.
Với những nội dung cần tổng hợp ý kiến thì các sở, ngành đều gửi ý kiến chậm hơn thời gian yêu cầu của UBND TPHCM. Điều này dẫn đến việc Sở Xây dựng hoặc Sở Tư pháp khi rà soát để báo cáo thì không có ý kiến của các đơn vị chuyên ngành liên quan, đặc biệt là ý kiến của Sở Tài nguyên Môi trường và Ban Chỉ đạo 167 (Ban chỉ đạo sắp xếp, xử lý nhà, đất công).
Để tăng cường trách nhiệm của các sở, ngành trong việc phối hợp thực hiện, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TPHCM có văn bản giao trách nhiệm cụ thể cho từng thủ trưởng các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ. Trường hợp các đơn vị chậm báo cáo hoặc chậm có ý kiến sẽ chịu trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND TPHCM.
116 dự án vẫn "trùm mền"
Theo HoREA, hầu hết vướng mắc liên quan đến vấn đề pháp lý hoặc thủ tục đầu tư xây dựng, đã tồn tại nhiều năm nhưng chưa được TPHCM gỡ vướng.
Chủ đầu tư các dự án này kiến nghị Sở Tài nguyên Môi trường đẩy nhanh công tác tính tiền sử dụng đất bổ sung (nếu có) để doanh nghiệp hoàn thành thủ tục pháp lý. Nên ưu tiên cấp trước sổ đỏ cho người dân, còn đối với các phần diện tích thuộc sở hữu riêng của chủ đầu tư có thể cấp sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính bổ sung (nếu có).
Một số chủ đầu tư các dự án khác kiến nghị TP sớm hoàn thành thủ tục tính tiền sử dụng đất, cập nhật các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, cập nhật chỉ tiêu quy hoạch 1/2000...
Theo tìm hiểu của PV, dự án chung cư Phú Mỹ 2 (quận 7) của Công ty CP Khải Huy Quân, đã hoàn tất xây dựng vào tháng 05/2021. Theo phê duyệt phương thức đầu tư thì chủ đầu tư được kinh doanh thương mại và phải bàn giao lại cho TP quỹ nhà tái định cư tương ứng 252 căn hộ để hoán đổi tiền sử dụng đất cho dự án này và dự án Florita (quận 7).
Hiện công ty đang thực hiện thủ tục bàn giao cho 252 căn hộ tái định cư để hoàn tất thanh quyết toán, tuy nhiên do vướng cơ chế "hoán đổi", pháp luật hiện hành không còn phương thức này nên thủ tục pháp lý vướng mắc.
Những khó khăn, vướng mắc lớn nhất mà các doanh nghiệp gặp phải hiện nay xuất phát từ các thủ tục hành chính, những bất cập về chính sách
Cũng liên quan đến cơ chế hoán đổi, dự án Khu nhà ở chung cư cao tầng (4 lô) tại khu đô thị mới Đông Tăng Long (phường Trường Thạnh, TP Thủ Đức) của Tổng Công ty CP Đền bù giải tỏa đã được chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2009.
Trong đó, phương thức được doanh nghiệp đưa ra là chủ đầu tư xây dựng 1 lô nhà tái định cư bàn giao cho TP theo phương thức hoán đổi tiền sử dụng đất và được kinh doanh thương mại 3 lô còn lại.
Đến nay, dự án đã hoàn thành nhiều thủ tục như thỏa thuận tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500, đánh giá tác động môi trường… Hiện công ty thực hiện thủ tục giao đất để kiện toàn thủ tục tiếp theo nhưng do vướng cơ chế "hoán đổi" nên vẫn chưa được giải quyết.
Trong khi đó, có dự án xây dựng không được, bán cũng không xong như dự án Sao Mai (quận 7) của Công ty CP Hưng Thịnh Incons. Cụ thể, dự án này được UBND quận 7 chấp thuận đầu tư với công năng là nhà chung cư cao 17 tầng, đã xây dựng xong móng và hầm. Đến năm 2017, dự án này được chuyển nhượng sang cho Hưng Thịnh Incons và đã được TP chấp thuận cho nhận chuyển nhượng toàn bộ dự án và "sổ đỏ" đất ở sang cho Hưng Thịnh Incons.
Nhưng sau đó không thể triển khai được là do vướng mắc quy hoạch phân khu 1/2.000 đang là thấp tầng, xây dựng móng hầm khi chưa có giấy phép xây dựng và không phù hợp quy hoạch. Do đó, Công ty Hưng Thịnh Incons đã tự tháo dỡ phần móng hầm, đã nhiều lần kiến nghị cho chấm dứt dự án để chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở nhằm thu hồi vốn nhưng chưa có cơ chế giải quyết.
Ngoài ra, còn một loạt các dự án "nằm chờ" thực hiện nghĩa vụ tài chính để bàn giao sổ hồng cho người dân như: Moonlight Residences, Lavita Charm, Citizen.TS, Sài Gòn Mia, Richmond City, Lavita Garden, Melody Residences, Sky Center…