Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa ban hành kết luận thanh tra về công tác quản lý, sử dụng đất và triển khai dự án tại tỉnh Bình Dương, thời kỳ 2011-2019.
Cụ thể, TTCP cho biết, nhiều dự án ở Bình Dương đã có chủ trương đầu tư, đã giao đất nhưng không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm triển khai dự án trong thời gian dài so với chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc dự án đầu từ được duyệt.
Các dự án đã được gia hạn tiến độ nhiều lần nhưng UBND tỉnh và các cơ quan chức năng trực thuộc không xử lý để thu hồi theo các quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, không kiên quyết xử lý các trường hợp nhà đầu tư thứ cấp thuê lại đất trong khu, cụm công nghiệp không đưa đất vào sử dụng gây lãng phí nguồn tài nguyên đất.
Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương thu hồi trụ sở nhà, đất của Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Nhà khách Tỉnh ủy và Văn phòng Tỉnh ủy cho Công ty TNHH MTV Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương thuê để sử dụng vào mục đích đất thương mại, dịch vụ không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất là trái với quy định Luật Đất đai 2013; vi phạm quy định Luật Quản lý, sử dụng tài sản công… Mặc dù, tỉnh đã chủ động ban hành quyết định thu hồi.
Tương tự là quá trình tổ chức bán đấu giá 4 tài sản công (trụ sở cũ của Sở Công thương, GTVT, Hội Chữ thập đỏ và Hội Cựu chiến binh) vi phạm quy định tại Thông tư số 137/2010 của Bộ Tài chính, tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam kèm theo Thông tư 28/2015 của Bộ Tài chính. TTCP đánh giá, có khả năng tính toán giá khởi điểm của tài sản chưa chính xác nên đề nghị UBND tỉnh Bình Dương cần xem xét huy kết quả đấu giá nếu đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
Chưa hết, qua thanh tra 12 dự án theo kế hoạch tiến hành thanh tra, đoàn thanh tra của TTCP phát hiện phương án giá đất cụ thể của 5 dự án tính toán chưa chính xác. Bảng giá đất và hệ số điều chỉnh giá đất (giai đoạn 2015-2019) do UBND tỉnh ban hành có nhiều vị trí, khu vực chưa sát giá thị trường, chưa phù hợp với quy định của Luật Đất đai năm 2013. Công tác xác định giá đất cụ thể để làm căn cứ tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa đúng theo hướng dẫn của Bộ TNMT tại Thông tư 36/2014 dẫn đến giá đất cụ thể chưa sát giá thị trường…
Nhiều vi phạm về đầu tư công
Kết luận của TTCP cho thấy, từ năm 2016 - 2019, tiến độ giải ngân của Bình Dương đạt khá thấp (điển hình năm 2019 giải ngân chỉ đạt 66,9% kế hoạch). Giai đoạn này, địa phương để xảy ra giải ngân vốn đầu tư công chậm, thời gian thực hiện dự án kéo dài đồng thời, một số dự án được điều chỉnh không phù hợp hợp quy định, còn xảy ra tình trạng sử dụng vốn kết dư phân bổ trực tiếp cho dự án...
Đơn cử như dự án nâng cấp đường ĐH 516 và dự án nâng cấp đường ĐH 502, sử dụng vốn kết dư năm 2019, cầu qua sông Thị Tính sử dụng vốn kết dư năm 2018 và 2019.
Trong khi đó, đối với dự án Giao lộ Ngã tư Phú Thứ, TTCP cho rằng, dự án này khảo sát kém chất lượng nên phát sinh khối lượng làm tăng chi phí xây dựng sau thuế số tiền là 2,26 tỷ đồng. Chất lượng của công tác khảo sát chưa đảm bảo, dẫn đến quá trình thi công phải bổ sung thiết kế, làm phát sinh chi phí xây dựng, công tác thiết kế còn nhiều hạn chế, dẫn đến phải thay đổi, điều chỉnh thiết kế nhiều phần trong quá trình thi công.
Theo TTCP, công tác lập, thẩm định thiết kế bản vẽ - dự toán còn nhiều hạn chế dẫn đến làm tăng dự toán hơn 29,7 tỷ đồng. Việc phân chia gói thầu chưa hợp lý về quy mô, tính chất kỹ thuật, một số dự án phân chia gói thầu chưa đảm bảo nguyên tắc quy định. Nhiều gói thầu đã xác định được chính xác khối lượng nhưng lựa chọn hình thức hợp đồng theo đơn giá cố định là không phù hợp pháp luật.
Công tác lập và giao kế hoạch vốn đầu tư công không đảm bảo thời hạn theo quy định, thời gian bố trí vốn để hoàn thành dự án trong trong kế hoạch vốn trung hạn vượt quá thời gian bố trí vốn tối đa. Cá biệt, tỉnh chủ trương và thực hiện đầu tư Xây dựng dự án đường và cầu kết nối tỉnh Bình Dương và Tây Ninh khi dự án chưa có trong kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, chưa có kế hoạch vốn hằng năm và không có trong quy hoạch ngành giao thông.
Một số gói thầu xây lắp có giá gói thầy không bao gồm chi phí dự phòng, chỉ định thầu không đúng quy định của pháp luật. Một số hồ sơ mời thầu (HSMT) nên nhãn hiệu của vật liệu vật tư và một số dự thầu không kê khai rõ xuất xứ, nhãn hiệu của vật tư thiết bị là không đúng pháp luật. Đáng chú ý, nhiều công trình được khởi công khi chưa có mặt bằng thi công, một số dự án thực hiện không đảm bảo tiến độ, không có lý do khách quan nhưng đều được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận cho gia hạn hợp đồng nhiều lần, không thực hiện chế tài phạt vi phạm.
Công tác quản lý đất đai lỏng lẻo
Theo TTCP, công tác quản lý đất đai, quản lý xây dựng của UBND các huyện, thị, thành tại Bình Dương lỏng léo, để xảy ra tình trạng phân lô, tách thừa tự phát, xây dựng trái phép.
Do thời gian thanh tra ngắn, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Bình Dương khẩn trương có biện pháp chấm dứt ngay việc phân lô, tách thửa tự phát, xây dựng trái phép, sử dụng đất trái quy định. Thực hiện thanh tra toàn diện việc phân lô, bán nền trái phép trên địa bàn để xử lý các sai phạm theo quy định của pháp luật. Trường hợp sai phạm đến mức phải xử lý hình sự thì chuyển hồ sơ cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh xử lý theo quy định của pháp luật, báo cáo kết quả thực hiện cho Thanh tra Chính phủ.
Không những vậy, trên địa bàn tỉnh Bình Dương còn có tình trạng dự án phát triển nhà ở thương mại chưa hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, chưa đủ điều kiện chuyển nhượng hoặc huy động vốn nhưng chủ đầu tư đã ký hợp đồng chuyển nhượng hoặc huy động vốn bằng nhiều hình thức khác nhau.
Trong thời kỳ thanh tra, TTCP cũng chỉ ra, Sở TNMT tham mưu UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng từ đất rừng sang mục đích khác khi chủ đầu tư chưa lập phương án trồng rừng thay thế là chưa đủ điều kiện theo quy định của Luật Lâm nghiệp.
Công tác quản lý nhà nước đối với dự án "Trồng mới, khoanh nuôi, bảo vệ rừng kết hợp với phát triển tổ hợp du lịch, phát triển vườn thu bán hoang dã tại khu vực rừng phòng hộ Núi Cậu và bán đảo Tha La, xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng" xảy ra nhiều vi phạm trong quá trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, vi phạm trong thực hiện dự án là trách nhiệm của UBND tỉnh Bình Dương, Sở NNPTNT tỉnh Bình Dương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan…
TTCP kết luận, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương thời kỳ 2011-2019 chịu trách nhiệm chung trong chỉ đạo điều hành; Giám đốc Sở TNMT; Giám đốc Sở NNPTNT; Giám đốc Sở Tài chính; Giám đốc Sở Xây dựng; Giám đốc Sở KHĐT; Cục trưởng Cục thuế và Chủ tịch UBND các đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc tỉnh chịu trách nhiệm chính đối với các vi phạm, thiếu sót nêu trên.