Theo đó, giai đoạn 2021 - 2030, Bộ GTVT kiến nghị ưu tiên đầu tư các dự án trong vùng đồng bằng sông Cửu Long để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và nâng tỷ trọng vốn đầu tư theo dân số từ 71,55% lên 129,21% so với bình quân chung cả nước.
Hiện nay, Bộ GTVT đã xây dựng 5 quy hoạch chuyên ngành quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa và hàng không) và đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Cụ thể, các dự án được kiến nghị ưu tiên bao gồm: đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc như Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (Trần Đề), Cần Thơ - Cà Mau, Mỹ An - Cao Lãnh, Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, Hà Tiên - Rạch Giá, Hồng Ngự - Trà Vinh; chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt TP. HCM - Cần Thơ; đầu tư khu bến cảng Trần Đề - Sóc Trăng.
Ngoài ra còn có các dự án khác như nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo (giai đoạn 2); phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam; nâng cao tĩnh không các tuyến đường thủy nội địa quốc gia; nâng cấp 3 tuyến đường thủy nội địa (kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền, sông Hàm Luông, Hà Tiên - Rạch Giá - Cà Mau).
Theo Bộ GTVT, trong giai đoạn 2021 - 2025, với dự kiến tổng vốn đầu tư được Thủ tướng Chính phủ giao là 252.694 tỷ đồng (221.428 tỷ đồng vốn trong nước và 31.267 tỷ đồng vốn nước ngoài), Bộ đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về dự kiến phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Bộ GTVT cũng cho biết vùng đồng bằng sông Cửu Long dự kiến được bố trí khoảng 50.690 tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng vốn đầu tư cả ngành GTVT để hỗ trợ đầu tư một số dự án đường bộ cao tốc trọng điểm theo hình thức đối tác công - tư (PPP) và đầu tư các dự án trọng điểm thuộc các chuyên ngành khác.