Hàng chục vó bè không phép
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản giao UBND TP Đà Lạt phối hợp với Ban quản lý khu du lịch quốc gia (BQLKDLQG) hồ Tuyền Lâm khẩn trương kiểm tra xử lý tình trạng nhà nổi, lồng bè trên mặt hồ Tuyền Lâm.
Trước đó, ông Nguyễn Quốc Tuyến - Giám đốc BQLKDLQG hồ Tuyền Lâm đã có báo cáo gửi UBND tỉnh, trong đó nêu rõ: Khi Sở NNPTNT chuyển giao việc quản lý mặt nước hồ cho ban, có nhiều nhà nổi, vó bè phục vụ việc đánh bắt cá của 33 hộ.
Ban đã vận động, thông báo nhiều lần nhưng mới có 1 hộ tự tháo dỡ nhà nổi, 2 hộ tháo dỡ nhà nổi nhưng không tháo dỡ vó bè. Hàng chục hộ đã có nhà ở nơi khác, xây dựng nhà nổi chủ yếu để đánh bắt cá. Chỉ có 2 hộ sử dụng nhà nổi để sinh sống trên mặt hồ.
Còn theo UBND TP Đà Lạt, đa số các hộ nói trên đánh bắt cá từ năm 2001 đến nay, phần lớn là hoạt động tự phát, chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Việc các hộ dân đề nghị được ở lại để ổn định công việc làm ăn bằng nghề đánh bắt cá tại hồ Tuyền Lâm là không phù hợp với định hướng của địa phương trong việc hạn chế ô nhiễm, đảm bảo mỹ quan đô thị tại KDLQG hồ Tuyền Lâm nói riêng và TP Đà Lạt nói chung.
Hàng chục nhà đầu tư chậm tiến độ, loạt biệt thự bỏ hoang
Cũng theo Ban quản lý KDLQG hồ Tuyền Lâm, nơi đây đã thu hút 39 nhà đầu tư với tổng số vốn đăng ký 9.600 tỉ đồng. Tuy nhiên, 20 năm qua, mới có 15 dự án đi vào khai thác kinh doanh, trong đó có 6 dự án khai thác kinh doanh toàn bộ và 9 dự án kinh doanh một phần.
Hiện còn hàng chục dự án đang trong quá trình triển khai đầu tư, chưa đưa vào hoạt động theo giấy phép được cấp. Không chỉ tiến độ thực hiện dự án quá chậm, có nhà đầu tư không quản lý được quỹ đất đã giải phóng mặt bằng dẫn đến việc người dân lấn chiếm, tái lấn chiếm đất để sử dụng.
Thậm chí, dự án của Cty CP HaCo (Hà Nội) được triển khai xây dựng từ năm 2007, với gần 20 biệt thự đa dạng, kiến trúc đẹp mắt nhưng để dở dang nhiều năm qua, trở thành khu biệt thự hoang tàn giữa rừng. Xung quanh các biệt thự cỏ dại mọc um tùm; tường nhà bị phun sơn, kẻ chữ, vẽ hình nham nhở.
Tình trạng xây dựng không phép, sai phép tại hồ Tuyền Lâm khá phổ biến. Từ năm 2022 đến nay, ban ngành chức năng đã phối hợp cưỡng chế tháo dỡ 17 ki ốt và 1 quán cà phê xây dựng trái phép.
Hiện vẫn còn một số công trình sai phạm của 2 công ty chưa hoàn tất việc tháo dỡ. Cụ thể, lực lượng chức năng đã xử lý 3/5 công trình xây dựng không giấy phép của Cty CP Thiên Nhân. Đối với 2 công trình không phép còn lại, công ty này để nghị được sử dụng như công trình phụ cất giữ vật liệu, trang thiết bị…; sau khi hoàn thành dự án sẽ tháo dỡ.
Riêng Cty TNHH Trà Vườn Thương có 4 khối nhà xây dựng không phép và một số công trình phụ. Ban ngành chức năng đã tiến hành cưỡng chế tháo dỡ các công trình sai phạm vào tháng 11/2022, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất. Công ty này cam kết sẽ di dời toàn bộ các hạng mục công trình vi phạm ngay sau khi được giải quyết tái định cư.
Một bất cập khác tại hồ Tuyền Lâm, hiện còn khoảng 125 trường hợp chưa thực hiện xong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Khu du lịch Hồ Tuyền Lâm được hình thành năm 2003, đến năm 2017 được công nhận là KDLQG đầu tiên và có diện tích lớn nhất ở Việt Nam.