Tại TP. Đà Nẵng, Bộ Xây dựng đã tổ chức hội nghị tập huấn "Giới thiệu kinh nghiệm phát triển nhà ở xã hội tại Hàn Quốc và cải thiện chính sách cho Việt Nam". Đây là chương trình nằm trong khuôn khổ dự án "Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030".
Giám đốc quốc gia KOICA Việt Nam, ông Cho Han Doeg cho biết, chương trình lần này là một mắc xích quan trọng trong dự án phát triển chính sách tổng thể nhà ở xã hội ở Việt Nam trong những năm tới. Chúng tôi mong muốn có thể chia sẻ kinh nghiệm xây dựng phát triển nhà ở xã hội ở Hàn Quốc cho các đơn vị ở Việt Nam. Qua chương trình lần này sẽ là cầu nối để thảo luận về các phương án cải thiện các chính sách phù hợp cho Việt Nam. Thông qua việc chia sẻ các quá trình phát triển của Luật quản lý tại Hàn Quốc.
"Việt Nam đang phát triển nhanh chóng cùng với sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, cùng với sự phát triển đô thị hoá và gia tăng dân cư nhanh như hiện nay thì ngày càng cần mở rộng, cải tiến cơ sở hạ tầng xã hội cơ bản, cải tiến thể chế Luật để xây dựng nhà ở xã hội. Từ đó, KOICA có mặt ở đây nhằm hỗ trợ tư vấn chính sách nhà ở xã hội bao gồm phân tích điều kiện phát triển, dự đoán về nhu cầu nhà ở, đề án về mô hình nhà ở xã hội…", ông Cho Han Doeg chia sẻ.
Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng cho biết, dự án "Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030" sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư bắt đầu thực hiện từ năm 2018, dự kiến đến năm 2020 dự án sẽ kết thúc. Tuy nhiên do dịch COVID-19 cho nên hai bên đã thống nhất sẽ kéo dài dự án thêm 6 tháng, tức đến tháng 6/2021 thì sẽ kết thúc.
"Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao quyền tiếp cận và khả năng tiếp cận của các đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp có khả năng, điều kiện tiếp cận tốt hơn với các nhà ở xã hội và được sự hỗ trợ về nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của chính phủ Hàn Quốc. Dự án này sẽ góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ hoàn thiện thể chế, pháp luật về nhà ở xã hội, đồng thời nâng cao năng lực của các cơ quan hoạch định chính sách, các cấp quản lý nhà ở tại Việt Nam", ông Hưng cho hay.
Theo ông Hưng, việc triển khai dự án nhà ở xã hội là rất cần thiết, phù hợp với mục tiêu, kế hoạch của Chính phủ, hướng tới hoàn thiện các chính sách về nhà ở cho người dân, đảm bảo an sinh xã hội.
"Bằng kinh nghiệm tại các dự án phát triển nhà ở xã hội tại Hàn Quốc và nhiều nước trên thế giới, các chuyên gia KOICA đã thực hiện và ứng dụng các phương pháp đã thành công trong điều kiện cụ thể tại Việt Nam. Các phân tích, đánh giá, đề xuất cũng được cung cấp nhằm giúp Bộ Xây dựng hoàn thiện các cơ chế, chính sách để lồng ghép các cách tiếp cận phát triển nhà ở xã hội tiên tiến trên thế giới vào các chương trình phát triển nhà ở xã hội hiện nay", ông Hưng nhấn mạnh.
Tại hội nghị, các chuyên gia của KOICA đã chia sẻ những vấn đề cốt lõi để phát triển nhà ở xã hội, trong đó tập trung các nội dung chính như: Mở rộng cung cấp nhà ở xã hội dựa theo tăng triển kinh tế và đô thị hoá; dự án phát triển nhằm cung cấp hiệu quả nhà ở xã hội và tạo quỹ đất; phương án tài chính nhằm cung ứng nhà ở xã hội an toàn, ổn định; so sánh pháp luật về nhà ở xã hội tại Hàn Quốc và Việt Nam.
Theo thống kê của Cục Quản lý nhà và và thị trường bất động sản, đến nay cả nước, đã hoàn thành 249 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp với quy mô xây dựng khoảng hơn 104.200 căn hộ, với tổng diện tích khoảng 5,4 triệu m2.
Ngoài ra, cả nước đang tiếp tục triển khai 264 dự án, quy mô xây dựng khoảng 219 nghìn căn hộ. Mặc dù kết quả này thể hiện nỗ lực rất lớn nhưng vẫn còn thấp so với kế hoạch, chỉ đạt khoảng 42% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 là 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội.