Hầm chui quan trọng nhất vào nhà ga T3 vẫn chưa thể thi công

Hầm chui Trường Chinh – Tân Kỳ Tân Quý chưa thể thi công do vướng mặt bằng, ảnh hưởng kết nối giao thông khu Tây Bắc và nhà ga T3.

Sau hơn 2 năm thi công, tuyến đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa dài hơn 4 km đã chính thức đưa vào khai thác từ ngày 19-4-2025, mở ra trục kết nối mới đến nhà ga T3 Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, hạng mục hầm chui tại nút giao Trường Chinh – Tân Kỳ Tân Quý, một phần quan trọng của dự án, vẫn chưa được triển khai thi công.

Hầm chui quan trọng nhất vào nhà ga T3 vẫn chưa thể thi công

Tuyến đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa dài hơn 4 km đã chính thức đưa vào khai thác từ ngày 19-4-2025

Hầm chui này là gói thầu số 14 thuộc dự án đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa, do Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (Ban Giao thông) làm chủ đầu tư. Theo thiết kế, công trình có chiều dài khoảng 275 m, gồm phần hầm kín dài 35 m và hai đoạn hở dài 120 m mỗi bên. Hầm có mặt cắt ngang khoảng 10,5 m, tổ chức lưu thông một chiều từ đường Âu Cơ về An Sương. Tổng vốn đầu tư cho riêng hạng mục này vào khoảng 450 tỉ đồng.

Dù đã sẵn sàng về thiết kế, công trình vẫn "đứng bánh" do toàn bộ diện tích xây dựng hầm nằm trong phạm vi dự án mở rộng đường Trường Chinh (đoạn từ Cộng Hòa đến Âu Cơ), vốn đang trong giai đoạn điều chỉnh chủ trương đầu tư. Việc này khiến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng không thể tách rời, buộc phải chờ đồng bộ với tiến độ của dự án mở rộng tuyến đường.

Đại diện Ban Giao thông cho biết muốn khởi công hầm chui thì phải thực hiện đồng thời việc điều chỉnh quy hoạch, giải phóng mặt bằng và thi công mở rộng đường Trường Chinh. Đây là nguyên nhân chính khiến kế hoạch thi công chưa thể triển khai ngay.

Hầm chui quan trọng nhất vào nhà ga T3 vẫn chưa thể thi công

Xe cộ ken đặc mỗi giờ cao điểm trên tuyến đường Trường Chinh - Cộng Hòa

Ngoài vấn đề mặt bằng, thiết kế hầm chui Trường Chinh – Tân Kỳ Tân Quý còn cần điều chỉnh để không ảnh hưởng đến quy hoạch tuyến Metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương), đặc biệt là trạm dừng gần khu vực giao lộ Cộng Hòa – Trường Chinh. Hầm dự kiến sẽ đi xuyên qua đường Cộng Hòa, gần mũi tàu Trường Chinh, nên cần thiết kế tích hợp đồng bộ, tạo thành nút giao thông đa tầng kết nối giữa metro và đường bộ.

Chỉ khi phương án thiết kế trạm metro hoàn thiện, các bên mới có thể thống nhất phương án cuối cùng cho hầm chui để bảo đảm không xung đột hạ tầng, đồng thời tạo thuận lợi cho việc kết nối giao thông trong tương lai.

Theo kế hoạch, TP HCM dự kiến đưa hầm chui Trường Chinh – Tân Kỳ Tân Quý vào khai thác trước năm 2028. Khi hoàn thành, công trình sẽ góp phần cải thiện đáng kể tình trạng ùn tắc tại cửa ngõ Tây Bắc thành phố, đồng thời tăng khả năng tiếp cận nhà ga T3 từ các hướng Trường Chinh, Cộng Hòa, C12.

Trong thời gian chờ thi công hầm, Sở Xây dựng TP HCM đã giao Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ nghiên cứu phương án mở giao lộ Cộng Hòa – C12. Giải pháp tạm thời này nhằm tạo điều kiện cho xe từ hướng Trường Chinh – Cộng Hòa có thể rẽ trái vào C12 để đến nhà ga T3. Công trình dự kiến hoàn thành trong tháng 6-2025.

Song song đó, TP HCM cũng lên kế hoạch mở rộng tuyến đường Trường Chinh đoạn từ Cộng Hòa đến Âu Cơ, dài 765 m. Tuyến đường hiện có mặt cắt từ 10 – 12 m sẽ được nâng lên 60 m, với tổng mức đầu tư khoảng 4.500 tỉ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng chiếm khoảng 1.750 tỉ đồng. Dự án này dự kiến triển khai từ năm 2025 đến 2028.

Cùng giai đoạn, tuyến đường Tân Kỳ – Tân Quý đoạn từ Cộng Hòa đến Lê Trọng Tấn cũng sẽ được nâng cấp từ 8 m lên 30 m, đáp ứng 6 làn xe lưu thông. Tổng mức đầu tư khoảng 1.600 tỉ đồng. Việc cải tạo các tuyến đường này được kỳ vọng sẽ góp phần giải tỏa áp lực giao thông cho khu vực cửa ngõ phía Tây Bắc thành phố.