Hai đại gia Thanh Hoá 'đấu đầu' UDIC ở dự án 1.400 tỷ

"Bầu" Đệ và anh em ông Trịnh Xuân Nghiệm là bộ đôi đại gia hàng đầu Thanh Hoá. Cái bắt tay giữa hai ông lớn này là đối trọng đáng gờm đối với UDIC tại dự án 1.400 tỷ ở TP. Thanh Hoá.

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có quyết định số 2821 ngày 17/7/2020 về việc phê duyệt kết quả sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất, dự án Khu dân cư kết hợp công viên thể thao Đình Hương, TP. Thanh Hóa.

Theo đó, dự án Khu dân cư kết hợp công viên thể thao Đình Hương, TP. Thanh Hóa (phường Hàm Rồng và phường Đông Thọ, TP. Thanh Hóa) có 2 nhà đầu tư trúng sơ tuyển gồm: Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC và Liên danh Tổng Công ty Cổ phần Hợp Lực - Tổng Công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát - CTCP.

Trước đó, ngày 17/4 - 18/5, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng số 2 TP. Thanh Hóa đã phát hành hồ sơ mời sơ tuyển nhà đầu tư thực hiện dự án. Hình thức sơ tuyển là rộng rãi quốc tế. Thời gian thực hiện không quá 5 năm

Hai đại gia Thanh Hoá đấu đầu UDIC ở dự án 1.400 tỷ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (Nguồn: internet)


Đây là dự án đầu tư có sử dụng đất với tổng diện tích 206.845 m2 (tổng diện tích đất thực hiện là 229.473,25 m2 trừ đi phần diện tích không đầu tư 22.627,69 m2, bao gồm khu chợ Đình Hương diện tích 9.825 m2 và đất dân cư hiện trạng diện tích 12.802 m2). Tổng chi phí thực hiện dự án dự kiến hơn 1.420 tỷ đồng.

"So găng" 2 nhà đầu tư

UDIC là thương hiệu lớn trong mảng xây lắp, bất động sản ở Hà Hội, đã và đang triển khai loạt dự án khu đô thị, chung cư nhà ở, khu công nghiệp...Tới cuối năm 2019, tổng tài sản công ty mẹ đạt gần 8.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu gần 4.000 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh trong năm khá khả quan, với doanh thu hơn 2.500 tỷ đồng, mang về 544 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Tại ngày 1/1/2020, tiền và tương đương của UDIC lên tới ngót 900 tỷ đồng, là thêm một bảo chứng cho tiềm lực của tổng công ty này.

Đối thủ của UDIC là liên danh Tổng Công ty CP Hợp Lực (Công ty Hợp Lực) - Tổng Công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát (Công ty Anh Phát).

Nhắc đến cái tên Hợp Lực, nhiều người không khỏi nghĩ đến doanh nghiệp của ông Nguyễn Văn Đệ, doanh nhân một thời gắn liền với biệt danh "bầu" Đệ.

Công ty Hợp Lực được thành lập năm 2008, do ông Nguyễn Văn Đệ làm Chủ tịch HĐQT. Hiện nay, Công ty Hợp Lực có gần 20 công ty thành viên trải rộng ở khắp các tỉnh thành trong nước.

Hoạt động kinh doanh của Công ty Hợp Lực là đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm: y tế, vận tải, giáo dục, bất động sản, công viên vĩnh hằng, nhà hàng, khai thác – chế biến khoáng sản, nông nghiệp công nghệ cao…

Thành tích nổi bật của Công ty Hợp Lực là sự ra đời của Bệnh viên Đa khoa Hợp Lực năm 2005 và Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hợp Lực năm 2017. Cùng với đó, Công ty Hợp Lực cũng phát triển các lĩnh vực như: công viên nghĩa trang vĩnh hằng; giáo dục; vận tải; Khai thác – chế biến khoáng sản; nhà hàng – khách sạn….

Trong những năm gần đây, lĩnh vực bất động sản của phát triển rất mạnh mẽ. Hiện nay, công ty này đã và đang triển khai đầu tư hàng loạt dự án trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản rộng khắp các tỉnh thành…

Đồng hành cùng Hợp Lực tại dự án trên là Tổng công ty Anh Phát. Ở Thanh Hóa, không ai là không biết đến group của anh em họ Trịnh là ông Trịnh Văn Hiệu và ông Trịnh Xuân Nghiệm làm chủ.

Công ty Anh Phát được thành lập từ tháng 6/2005 với tên gọi ban đầu là Công ty TNHH Anh Phát. Sau 11 năm hoạt động, tháng 4/2016 công ty này đã tăng vốn điều lệ lên 500 tỷ đồng. Các cổ đông sáng lập gồm: ông Trịnh Xuân Nghiệm góp 350 tỷ đồng, bà Đào Ngọc Dung (vợ ông Nghiệm) góp 100 tỷ đồng và ông Trịnh Văn Hiệu góp 50 tỷ đồng.

Công ty Anh Phát nổi tiếng ở xứ Thanh với danh mục dự án rất "khủng". Từ dự án bảo tồn, phỏng dựng chính điện Di tích lịch sử Lam Kinh, dự án khai thác khoáng sản, dự án bất động sản, khách sạn… cho đến dự án cung cấp nước tại Khu Kinh tế Nghi Sơn dù ở đây đã có một nhà máy nước của doanh nghiệp khác.

Năm 2015, Công ty Anh Phát từng gây chú ý bằng việc chuyển đổi 17.875,4m2 đất kinh doanh phi nông nghiệp tại số 34 Ngô Từ để thực hiện dự án phát triển nhà ở thương mại, phân lô bán nền.

Còn ở Khu kinh tế Nghi Sơn, Công ty Anh Phát thâu tóm các khu đất để làm bãi tập kết cát, sỏi, vật liệu xây dựng. Hay việc UBND tỉnh Thanh Hóa thu hồi 95.019m2 đất rừng phòng hộ Tĩnh Gia, cho phép chuyển mục đích sử dụng từ đất rừng phòng hộ sang đất khai thác khoáng sản và cho Công ty Anh Phát thuê để khai thác đất để làm vật liệu san lấp tại núi Xước, xã Mai Lâm, huyện Tĩnh Gia.