Liên quan đến sự việc một số hộ dân ở bên ngoài chợ Chay, xã An Dũng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, sau khi trúng thầu các ki-ốt để kinh doanh, đã tự ý "phù phép" những dãy ki-ốt này thành nhà cao tầng kiên cố để ở mà không gặp phải bất kỳ một trở ngại nào từ chính quyền địa phương, ông Trần Hoài Đức, Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, cho biết đơn vị đang lập đoàn kiểm tra để làm rõ vấn đề.
"Không những kiểm tra mỗi chỗ xã An Dũng mà sẽ kiểm tra trên toàn bộ các xã của huyện để xác định lại các sai phạm tồn đọng do yếu tố lịch sử để lại, sau đó sẽ có hướng xử lý dứt điểm", ông Đức nói.
Cũng theo ông Đức, những sai phạm tại xã An Dũng là do trước đây xã đang có quyền cho phép người dân xây dựng, nên mới xảy ra tình trạng người dân xây dựng trái phép trên đất ki-ốt như vậy.
"Vừa rồi cũng có nhiều hộ dân xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng làm sao chấp nhận được, đất nào ra đất đó, mà diện tích cũng không đủ để có thể cấp thành đất ở cho người dân được. Hiện nay, những sai phạm tồn đọng năm này qua năm khác tại xã An Dũng cũng đang làm đau đầu lãnh đạo huyện, tuy nhiên nếu sai thì phải xử lý chứ không thể để như vậy được", ông Đức cho biết thêm.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Thành Đồng, Bí thư Huyện ủy Đức Thọ cho biết đã nắm được thông tin sau khi Báo Người Lao Động phản ánh và đang yêu cầu lãnh đạo chính quyền huyện cũng như các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát lại các sai phạm để có hướng xử lý.
"Do đây là những sai phạm do tồn đọng của lịch sử, thời gian qua huyện đã nắm và đang tập trung chỉ đạo tháo gỡ", ông Đồng nói.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, vào khoảng từ năm 1996 đến năm 1998, xã Đức An (nay là xã An Dũng) tiến hành cho đấu thầu 16 ki-ốt, ở bên ngoài khu vực chợ Chay, với diện tích từ 24 đến 70m2 để tạo điều kiện cho các hộ dân kinh doanh vô thời hạn. Đến đầu năm 2000, chính quyền địa phương tiếp tục giao thêm 1 ki-ốt cho một hộ dân khác.
Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng các ki-ốt để kinh doanh, không hiểu bằng cách nào mà 10/17 hộ dân đã tự ý "phù phép" các ki-ốt kinh doanh trên thành những căn nhà cao tầng khang trang, kiên cố để ở mà không gặp bất cứ trở ngại nào.
Theo ghi nhận, trong số 10 hộ xây dựng nhà ở kiên cố thì có 9 hộ xây dựng nhà 2 đến 3 tầng; 1 hộ xây nhà cấp 4 kiên cố.
Ông Phan Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã An Dũng, cho biết các ki-ốt trên được xã bàn giao cho các hộ dân dùng để kinh doanh, buôn bán vô thời hạn từ năm 1996 tới năm 1998. Hiện tại, đã có 10 hộ đã tự ý xây dựng nhà ở cao tầng, kiên cố. Có những hộ xây dựng từ cuối năm 2000, có những hộ thì mới xây dựng từ năm 2021, 2022.
Cũng theo ông Kiên, lý do dẫn tới việc sai phạm mới chồng lên sai phạm cũ là do có nhiều vướng mắc khó giải thích trong đó có việc: "Do trước đây đã có những hộ dân họ đã xây dựng được nhà ở rồi mà không có chuyện gì cả, nên bây giờ những hộ khác họ nói người khác làm được thì họ cũng làm được, từ đó khiến cho UBND xã không thể xử lý và đình chỉ" ông Kiên nói.