Bờ Đông sông Hồng với sự phát triển vượt bậc của quận Long Biên - Gia Lâm và một phần Hưng Yên đang dần trở thành trung tâm mới của toàn bộ vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Khu vực có lợi thế trở thành tâm điểm giao thương, trung tâm logistics, trung tâm công nghệ mới khi tọa lạc ở điểm đầu kết nối vùng Thủ đô với tam giác kinh tế trọng điểm phía Bắc là Hà Nội – Hải Phòng - Quảng Ninh.
Đây cũng chính là lý do, khu Đông Hà Nội vài năm qua liên tục đánh dấu có sự hiện diện của các "ông lớn" trên thị trường bất động sản như Vinhomes, Ecopark, Masterise Homes, BRG, Eurowindow... Với quỹ đất rộng, có nhiều không gian phát triển, các ông lớn bất động sản cũng đẩy mạnh việc đầu tư các khu đô thị quy mô, tích hợp đa dạng tiện ích, định hình những chuẩn mực sống cao cấp. Chính vì thế, những khu đô thị hàng chục, cho tới hàng trăm ha nhanh chóng được lấp đầy.
Chỉ trong một thời gian ngắn, phía Đông đã chiếm một tỷ trọng khá lớn nguồn cung căn hộ của thị trường Hà Nội, từ con số không đáng kể năm 2011 lên 15% năm 2023. Thậm chí, có những thời điểm nguồn cung mới bất động sản khu Đông chiếm đến 30% thị trường Hà Nội. Giá bán căn hộ sơ cấp phía Đông trung bình đạt 60 triệu đồng/m2. Đối với sản phẩm thấp tầng, giá sơ cấp là 200 triệu đồng/m2 đất. Dù còn thấp hơn khu vực trung tâm thành phố, nhưng mức giá này đang có xu hướng tăng mạnh.
Khảo sát thực tế cho thấy, tại Vinhomes Ocean Park 1-2 hiện giá căn hộ đã chạm ngưỡng 60 triệu đồng/m2. Điển hình căn hộ 2 phòng ngủ 66m2 hiện có giá 3,9 tỷ đồng, đối với căn 3 phòng ngủ 86m2 giá đã chạm 5,3 tỷ đồng. Còn tại khu đô thị Ecopark, giá chung cư cao nhất chạm ngưỡng gần 80 triệu đồng/m2.
Hay mới đây nhất, dự án tọa lạc giữa "thành phố triệu cây xanh"- The Fibonan nằm giữa quần thể 4 siêu đô thị hàng chục tỷ USD lớn bậc nhất phía Bắc, đối diện Vinpearl Land Safari, kề cận khu đô thị Ecopark cũng chào ra thị trường mức giá gần 50 triệu đồng/m2. Được biết, The Fibonan thuộc dự án Khu biệt thự và nhà ở Hưng Thịnh, huyện Văn Giang, Hưng Yên được xây dựng trên quỹ đất hơn 4.370m2 gồm 03 tầng hầm, 32 tầng nổi cung cấp 656 căn hộ cao cấp.
Theo bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội, sở dĩ phía Đông có sức phát triển mạnh mẽ, thu hút khách mua nhà từ trung tâm là nhờ sự phát triển hạ tầng mạnh mẽ của phía Đông thành phố. Sự hoàn thiện của các dự án hạ tầng như Đường Vành đai 2 kéo dài cùng quy hoạch đường Vành Đai 4 đang rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội đến các địa phương khác, tăng thêm hấp lực tại phía Đông đối với cả những nhu cầu từ những địa phương lân cận.
"Thêm vào đó, khu vực phía Đông gồm các quận Long Biên, huyện Gia Lâm và cả Văn Giang (Hưng Yên) sở hữu quỹ đất lớn, quy hoạch rõ ràng, rất thuận lợi cho việc phát triển các dự án đại đô thị, đồng bộ, hiện đại", bà Hằng nhấn mạnh.
Trong tương lai gần, khi các tuyến đường giao thông tiếp tục được hoàn thiện, hàng loạt cây cầu mới bắc qua sông Hồng được xây dựng, giới chuyên gia nhận định, khu Đông nhiều tiềm năng bứt tốc trên hành trình trở thành trung tâm mới không chỉ của vùng Thủ đô mà còn của cả vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Mặt khác, phía Đông Hà Nội còn có vị trí chiến lược để phát triển kinh tế mà các địa phương khác không có được. Đó chính là tính thuận tiện kết nối về giao thông hướng ra biển và đến sân bay. Nói như TS. Vũ Đình Ánh, trong một thời kỳ mà kinh tế biển được đẩy mạnh phát triển, "chúng ta không thể chạy vào núi để phát triển mà phải hướng về biển, hướng về phía Đông".
Bên cạnh đó, với hệ thống các tuyến đường cao tốc kết nối Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, tam giác kinh tế phía Bắc mới chính thức thành hiện thực và phát huy tốt nhất thế mạnh của nó. Trong đó, phía Đông Hà Nội chính là cửa ngõ của Thủ đô, kết nối vô cùng thuận tiện với mạng lưới giao thông để phát triển kinh tế.