Sau khi hồ Đầm Bông (phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) bị san lấp hoàn toàn, đến nay thêm hồ ở khu vực này tiếp tục bị san lấp gây bức xúc dư luận.
Hồ Đầm Đỗi có diện tích mặt nước nhiều ha, giữa hồ sâu 5-6m, nằm trên địa bàn phường Định Công và Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) bị lấn chiếm làm nhà kho, bãi trông giữ ô tô. Người dân tại khu vực cho biết, trước đây nơi này có Đầm Đỗi 1 và Đầm Đỗi 2 nhưng sau nhiều năm bị lấn chiếm, san lấp thì nay chỉ còn một hồ Đầm Đỗi với diện tích thu hẹp lại rất nhiều so với trước đây.
Ghi nhận của PV Tiền Phong cho thấy, xung quanh hồ có nhiều diện tích bị đổ trạc thải xây dựng lấn xuống lòng hồ. Nhiều điểm đã trở thành bãi trông giữ phương tiện.
Theo anh M (cư dân tổ dân phố số 3 phường Thịnh Liệt), khu vực này vừa bị san lấp 1, 2 tháng gần đây. Việc đổ trộm rác thải, vật liệu xây dựng khiến người dân bức xúc.
Trước đó, cũng trên địa bàn phường Định Công, dư luận phản ánh tình trạng san lấp hồ Đầm Bông rộng 3,5ha làm nhà xưởng, kho bãi trái phép.
Cuối tháng 7/2024, Sở Xây dựng đã có báo cáo UBND thành phố Hà Nội về tình trạng san lấp hồ Đầm Bông. Theo đó khu vực Đầm Bông đã cơ bản được san lấp, không còn diện tích mặt nước. Trên khu đất này đã hình thành các ngõ 232 Trần Điền, số 268 Trần Điền và có nhiều công trình 1 tầng, 2 tầng, 3 tầng, lán tạm…
Đại diện UBND phường Định Công cho biết, hồ Đầm Đỗi vốn là đất của hợp tác xã, hợp tác xã giao cho các hộ dân để nuôi trồng thủy sản, trồng rau màu. Tuy nhiên hiện trạng không thể canh tác được nên một số hộ tự ý xây dựng, chuyển đổi. Về việc này UBND phường đã có công văn yêu cầu hợp tác xã cung cấp danh sách các hộ được giao đất nông nghiệp để hướng dẫn chuyển đổi phù hợp.
Tuy nhiên trong thời gian này, tình trạng đổ rác thải, vật liệu xây dựng lấn chiếm hồ vẫn tiếp tục diễn ra, chủ yếu vào ban đêm.
Ông Phạm Văn Châu, Tổ phó tổ dân phố số 3 phường Thịnh Liệt cho biết, để ngăn chặn tình trạng đổ trộm phế thải, người dân đã cho làm cổng sắt để ngăn chặn. Tuy nhiên, phía hồ Đầm Đỗi (thuộc phường Thịnh Liệt) có đến 3 lối vào nên xe công nông vẫn có thể đi vào để đổ trộm phế thải.
Ông Châu cho biết, hiện nay người dân đang kiến nghị tháo dỡ cổng sắt vào khu dân cư, bởi theo ông này, cổng sắt có một số đối tượng chặn khóa, thu tiền "bảo kê" các xe ra vào, trong khi tác dụng chống đổ trộm phế thải không hiệu quả. "Hiện các tổ tự quản cơ sở đang hoạt động tích cực, chúng tôi cũng đã tuyên truyền đến người dân có trách nhiệm phát hiện, thông báo xe công nông đi vào đổ trộm phế thải", ông Châu nói.
Người dân yêu cầu tháo dỡ cổng sắt, tránh tình trạng thu tiền xe bừa bãi, đồng thời lập các tổ tự quản cơ sở chống đổ trộm phế thải
Được biết, UBND 2 phường Định Công và Thịnh Liệt sẽ cử lực lượng tới hiện trường khi tháo dỡ cổng sắt chắn lối đi chung và có các biện pháp kiên quyết để xử lý tình trạng đổ trộm phế thải.