Hà Nội: Nhiều nội dung kết luận Thanh tra Bộ Xây dựng chưa phù hợp

Ngày 19/7, một số công trình vi phạm theo kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng bắt đầu được phá dỡ, xử lý. Tuy nhiên, còn nhiều nội dung khác, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho rằng kết luận chưa phù hợp và cần phải điều chỉnh...

Bắt đầu phá dỡ một số công trình

Ngày 19/7, UBND quận Cầu Giấy yêu cầu các chủ đầu tư có công trình vi phạm tự tháo dỡ theo Kết luận thanh tra số 39/KL-TTr ngày 17/5/2022 của Thanh tra Bộ Xây dựng về quy hoạch tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu - Nguyễn Thanh Bình và Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (Kết luận 39).

 Hà Nội: Nhiều nội dung kết luận Thanh tra Bộ Xây dựng chưa phù hợp  - Ảnh 1.

Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính có một số sai phạm về quy hoạch được chỉ ra trong Kết luận 39

PV Tiền Phong ghi nhận tại hiện trường, tại lô CX2A, CX2B tại lô đất CX2 thuộc dự án Khu công viên giải trí số 1 hiện là nhà hàng đang được tháo dỡ từng phần. Các hạng mục mái tôn, đồi quang cảnh, các hạng mục cơi nới đang được hơn chục thợ xử lý. Tại dự án cải tạo, mở rộng quy mô đào tạo Trường Mầm non Lý Thái Tổ 2 tại ô đất NT2 cũng đang được tháo dỡ phần mái tôn cơi nới.

Tuy nhiên, một số hạng mục mở rộng đang được tháo dỡ do không phù hợp với quy hoạch lại khá bất cập so với nhu cầu sử dụng hiện nay. Với hạng mục nâng cấp phòng ăn của Trường Tiểu học Lý Thái Tổ, do nhu cầu của nhà trường phục vụ học sinh nên trường đã làm thêm một gian nối liền với phòng ăn cũ của trường. Đại diện nhà trường cho biết, sau khi tháo dỡ phần cơi nới, do công suất phòng ăn không đáp ứng đủ nhu cầu của học sinh nên nhà trường sẽ ứng phó bằng cách đưa suất ăn lên lớp cho học sinh. “Hiện nay về cơ sở vật chất nhà trường không đáp ứng đủ cho số lượng học sinh. Nhà trường đang đề nghị UBND quận điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với thực tế”, đại diện nhà trường nói.

Tại khu đất TN1, TN2 - Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trần Việt Hà cho biết, 2 tòa nhà được xác định sai phạm về quy hoạch theo Kết luận 39. Tuy nhiên, các sai phạm được nêu là do yêu cầu của Cảnh sát PCCC đề nghị thêm cầu thang bộ thoát hiểm. “Thực tế phần cầu thang thoát hiểm vẫn trong đất của chủ đầu tư, không gia tăng lợi ích cho chủ đầu tư. Do đó, quận đang có văn bản đề nghị cho giữ lại các phần này để đảm bảo an toàn cho tòa nhà”, ông Hà nói.

Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Thanh Bình cũng đã có văn bản về việc thực hiện nội dung Kết luận 39.

Cần trao đổi, làm rõ thêm

Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QHKT) Hà Nội cũng vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Thanh tra Bộ Xây dựng về việc thực hiện Kết luận thanh tra số 39/KL-TTr ngày 17/5/2022 của Thanh tra Bộ Xây dựng. Theo đó, Kết luận 39 đã chỉ ra một số nội dung thiếu sót trong quá trình lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch và quản lý quy hoạch tại tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu - Nguyễn Thanh Bình và Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính. Những nội dung này sẽ được nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm.

Tuy nhiên, để nội dung tại Kết luận 39 đảm bảo việc toàn diện, khách quan, phù hợp với các quy định pháp luật, được xem xét phù hợp với điều kiện, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô qua các thời kỳ, quá trình triển khai thực hiện đúng với chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, thống nhất của Bộ Xây dựng và phù hợp định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, một số nội dung cần phải trao đổi, bổ sung làm rõ thêm, đặc biệt là các nội dung Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận về trách nhiệm của UBND thành phố Hà Nội.

Theo Sở QHKT, tại Kết luận 39, Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận về việc thực hiện quy hoạch tuyến đường, tuy nhiên chưa nêu định hướng quy hoạch cũng như quy hoạch chi tiết trục đường tại các quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt (đặc biệt là tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 27/6/2011). Do đó, nội dung kết luận này chưa đầy đủ và toàn diện, chưa phù hợp quy định về pháp luật cũng như yêu cầu phát triển kinh tế của Thủ đô qua các thời kỳ.

Sở QHKT dẫn nhiều cơ sở pháp lý để khẳng định, qua các thời kỳ từ năm 2002 đến nay, trục Lê Văn Lương (trước hợp nhất) và Lê Văn Lương kéo dài (sau hợp nhất) luôn được xác định là xây dựng trục cao tầng. Để triển khai chỉnh trang các tuyến phố dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, để phù hợp với định hướng mới sau khi hợp nhất, UBND thành phố đã báo cáo và được Bộ Xây dựng thống nhất điều chỉnh chiều cao theo hướng nâng thêm tầng cao các công trình tại đây. Nội dung định hướng cao tầng này cũng đã được cập nhật và xác định rõ tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg.

Sở QHKT khẳng định, việc điều chỉnh quy hoạch tại khu vực tuyến Lê Văn Lương - Tố Hữu - Nguyễn Thanh Bình là đảm bảo phù hợp. Do vậy, việc Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết, quy hoạch tổng mặt bằng, phương án kiến trúc không thuộc trường hợp điều chỉnh là chưa áp dụng đúng quy định Luật Xây dựng 2003, Luật Quy hoạch đô thị 2009, các quy định liên quan khác, chưa tính đến các đặc thù yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong giai đoạn này.

Về kết luận việc điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, Sở QHKT nêu quan điểm cần trao đổi thống nhất lại do chưa phù hợp quy định của Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị. Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận khi lập quy hoạch các trục đường không cân đối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội dẫn đến thiếu đất xây dựng trường học, nhà trẻ, cây xanh, sân tập luyện, chợ là chưa phù hợp với quy định Luật Quy hoạch đô thị và các quy định hiện hành...

"Nhà cứ chồng lên, chỉ có lợi cho nhà đầu tư"

Chiều 19/7, Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 54 ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 (Ban chỉ đạo 54) và Tỉnh ủy Bắc Ninh tổ chức Hội thảo Phát triển công nghiệp và đô thị vùng ĐBSH.

KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng, trong quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị trong vùng vẫn còn nhiều hạn chế; mối liên kết vùng còn yếu. Ông nói: "Cứ làm xong quy hoạch nhưng nhà đầu tư vào thì lại thay đổi, điều chỉnh, lái thế này, lái thế kia. Như đường Lê Văn Lương (Hà Nội), nhà cứ chồng lên chỉ có lợi cho nhà đầu tư, còn người dân thì khổ. Con đường đang thành điểm nóng và Chính phủ cũng nhìn thấy điều này. Hay Khu đô thị Linh Đàm (Hà Nội), diện tích chỉ 3 ha nhưng làm 21 nhà 40 tầng, chỉ 3 cái nhà như thế dân số bằng một phường".

THÀNH NAM