Hà Nội lại xin ý kiến về chiều cao tổ hợp căn hộ, khách sạn cạnh Hồ Tây

Sở Quy hoạch- Kiến trúc Hà Nội vừa có công văn gửi tới Bộ Xây dựng để xin hướng dẫn về quy định cao tầng và chiều cao công trình dự án Tổ hợp Trung tâm thương mại, dịch vụ và khách sạn tại khu đất số 200 đường Yên Phụ (quận Tây Hồ). Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng phê duyệt, khu vực này không cho phép xây dựng công trình cao tầng và các hoạt động lấn chiếm không gian Hồ Tây.

Cho ý kiến về văn bản của Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội về hướng dẫn quy định cao tầng và chiều cao công trình dự án tại khu đất số 200 đường Yên Phụ (quận Tây Hồ), Bộ Xây dựng cho biết, nhà cao tầng là ngôi nhà mà chiều cao của nó là yếu tố quyết định các điều kiện thiết kế, thi công hoặc sử dụng khác với các ngôi nhà thông thường.

Theo Ủy ban Nhà cao tầng Quốc tế, phân nhà cao tầng ra 4 loại: Nhà cao tầng loại 1 từ 9 - 16; Nhà cao tầng từ 17 - 25 tầng; Nhà cao tầng từ 26 - 40 tầng; Nhà cao tầng từ 40 tầng trở lên gọi là siêu cao tầng.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện quảng cáo ngoài trời đã giải thích "nhà cao tầng là nhà cao từ 8 tầng trở lên". Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho hay, giải thích này chỉ áp dụng trong phạm vi của Quy chuẩn Việt Nam về xây dựng và lắp đặt phương tiện quảng cáo ngoài trời.

Hà Nội lại xin ý kiến về chiều cao tổ hợp căn hộ, khách sạn cạnh Hồ Tây - Ảnh 1.

Hà Nội tiếp tục xin ý kiến về chiều cao Tổ hợp căn hộ, khách sạn cạnh hồ Tây trên khu đất số 200 đường Yên Phụ (quận Tây Hồ).

"Đề xuất của Sở Quy hoạch Kiến trúc với nội dung công trình cao tầng là công trình có chiều cao từ 9 tầng trở lên để xác định mốc nhà cao tầng trong công tác quản lý hoạt động xây dựng tại Thành phố là phù hợp với định nghĩa nhà cao tầng trên thế giới và mốc xác định nhà cao tầng tại các tiêu chuẩn quốc gia đang áp dụng trong thiết kế kết cấu cho công trình nhà cao tầng của Việt Nam", Bộ Xây dựng thông tin.

Ngoài ra, theo Bộ Xây dựng, việc xác định chiều cao các công trình nói chung, tổ hợp trung tâm thương mại, dịch vụ và khách sạn nói riêng, phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trong đồ án quy hoạch chi tiết (hoặc tổng mặt bằng), thiết kế đô thị hoặc quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc, trên nguyên tắc phù hợp các mục tiêu quản lý kiến trúc cảnh quan theo đặc thù từng đô thị, từng khu vực của đô thị; đảm bảo các yêu cầu quản lý về chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất, hạ tầng, không gian, kiến trúc, cảnh quan và độ cao tĩnh không được phép xây dựng.

Trước đó, năm 2018, UBND TP Hà Nội cũng có văn bản xin ý kiến Bộ Xây dựng về đề xuất xây dựng Tổ hợp dịch vụ thương mại, khách sạn, căn hộ cao cấp 36 tầng tại khu đất số 200 đường Yên Phụ thuộc phường Yên Phụ và Quảng An (quận Tây Hồ).

UBND TP Hà Nội cho biết, nhận được văn bản của Công ty cổ phần Khách sạn Thắng Lợi đề nghị chấp thuận đề xuất nghiên cứu lập và triển khai dự án. Trong hồ sơ, tại bản vẽ tổng mặt bằng và phương án kiến trúc, doanh nghiệp đề xuất giữ nguyên khối công trình cao 1-3 tầng đã xây trên đất có mặt nước. Tuy nhiên, khối dịch vụ khách sạn một tầng tại trung tâm khu đất được đề xuất dỡ bỏ để xây mới công trình 36 tầng với chức năng tổ hợp dịch vụ, thương mại, khách sạn và căn hộ dịch vụ.

Khu đất có tổng diện tích hơn 42.000 m2. Trước đó, từ năm 2015, UBND thành phố đã đồng ý cho đơn vị này thuê để tiếp tục sử dụng làm khách sạn.

Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội cho rằng, theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng phê duyệt, khu vực này không cho phép xây dựng công trình cao tầng và các hoạt động lấn chiếm không gian Hồ Tây.

Khách sạn Thắng Lợi thuộc loại công trình có kiến trúc đặc biệt, bảo tồn không gian và công trình kiến trúc có giá trị về lịch sử, văn hóa, cảnh quan. Hơn nữa, theo quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử đã được UBND TP ban hành năm 2016, khu đất nằm tại vị trí không xây dựng công trình cao tầng.

"Việc cải tạo, nâng cấp khách sạn Thắng Lợi tại vị trí cảnh quan đẹp, điểm nhấn đô thị cho khu vực Hồ Tây nhằm cung cấp hệ thống khách sạn, thương mại, dịch vụ du lịch cao cấp tầm quốc tế tại trung tâm thủ đô là cần thiết, phát huy lợi thế vị trí. Tuy nhiên, việc công ty đề xuất công trình cao với quy mô 36 tầng là vượt quá quy định, không phù hợp với quy hoạch của khu vực", văn bản UBND TP Hà Nội nêu rõ.

Liên quan đến việc xây dựng các khách sạn cao tầng ở khu vực Hồ Tây, cử tri Hà Nội trước đó đề nghị Thành phố có giải pháp và quy hoạch tổng thể để thực hiện công trình khách sạn Tây Hồ (39 tầng trên địa bàn phường Quảng An) đảm bảo quy định; sớm công khai việc thực hiện đầu tư xây dựng dự án nhà khách UBND Thành phố tại số 584 Lạc Long Quân đúng quy định của pháp luật để nhân dân sinh sống trong khu vực có điều kiện ổn định cuộc sống?

Đề cập về dự án nhà khách UBND Thành phố tại số 584 Lạc Long Quân, UBND TP Hà Nội cho rằng, hiện chưa có chủ trương đầu tư xây dựng công trình tại địa chỉ này.