Chiều 4/11, tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2023, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội đã trả lời câu hỏi của PV VOV.VN về tình trạng thiếu nước ở Khu đô thị (KĐT) Thanh Hà và những khu vực xung quanh, các trường học cũng bị ảnh hưởng. TP. Hà Nội đã có những giải pháp nào để người dân sống giữa Thủ đô không phải chật vật đi tìm nước sạch, trong khi không được cấp nước mà vẫn nhận được hóa đơn thanh toán tiền nước tăng gấp đôi so với thời gian trước?
Trả lời câu hỏi của phóng viên, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, quy hoạch cấp nước nói chung, Hà Nội có 2 quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt năm 2013 và Quyết định 554 năm 2021 về điều chỉnh quy hoạch cấp nước thủ đô. Theo quy hoạch này, KĐT Thanh Hà (Hà Đông, Hà Nội) được cấp nước từ nguồn nước của Nhà máy nước mặt Sông Đà. Sau đó, bổ sung thêm từ Nhà máy nước mặt Xuân Mai. Tuy nhiên, Nhà máy nước mặt Xuân Mai vẫn đang triển khai và đường ống truyền dẫn nước vành đai 3.5 và vành đai 4 hiện nay mới đang đầu tư xây dựng.
Công ty MTV nước sạch Hà Đông đã có văn bản thoả thuận về việc cấp nước sạch cho mộ dự án là khoảng 1.000m3. Để đảm bảo cung cấp nước sạch cho KĐT Thanh Hà, năm 2018, Thành phố đã có văn bản chấp thuận cho Công ty cổ phần nước sạch Thanh Hà (Công ty Thanh Hà) cung cấp nước cho KĐT này, với trạm nước có công suất khoảng 5.000m3.
Tuy nhiên, đến tháng 6/2021, chất lượng nước phải đảm bảo theo tiêu chuẩn 2018 của Bộ Y tế, do đó, Công ty Thanh Hà đã điều chỉnh mạch nước ngầm xuống khoảng 1.000 đến 1.500m3 và bổ sung thêm nguồn nước từ nguồn nước mặt sông Đuống, với dự kiến bổ sung 2.000 - 3.000m3/ngày-đêm.
Theo ông Hải, hiện nay, quy mô cư dân KĐT Thanh Hà là khoảng 26.500 người, với lượng sử dụng nước khoảng 300.500m3/ngày-đêm. Do điều chỉnh sản lượng khai thác nước ngầm và kết hợp với nước mặt sông Đuống, nên lượng nước cung cấp giảm, không đủ cung cấp cho KĐT Thanh Hà ở cuối nguồn nước này. Do đó, thời điểm từ 26/9/2023, lượng nước cung cấp cho KĐT này giảm xuống. Đến ngày 9-14/10, lượng nước tiếp tục giảm và Công ty Thanh Hà đã tạm dừng cung cấp để sàng lọc chất lượng nước.
Sau khi xảy ra sự cố này, Thành ủy, UBND TP. Hà Nội đã giao Sở Xây dựng cùng các UBND các quận huyện triển khai rà soát và xử lý các nội dung liên quan đến cung cấp nước cho người dân.
"Thứ nhất, đề nghị Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống phối hợp với Công ty nước sạch Hà Nội và Viwaco điều tiết nguồn nước cho Công ty nước sạch Hà Đông, để bổ sung cho KĐT Thanh Hà. Thứ hai, Công ty nước sạch Hà Nội đã tăng tối đa công suất khai thác nước ngầm để giảm nguồn nước mặt sông Đuống, để nguồn nước mặt sông Đuống bổ sung tiếp ch Hà Đông hỗ trợ Công ty Thanh Hà để vận hành và điều tiết cấp nước cho các khu vực qua các trạm tăng áp và bổ sung các xe téc cấp nước cho người dân. Thứ tư, Công ty cổ phần nước sạch Sông Đà cũng tăng cũng triển khai các giải pháp nước mặt và tăng tối đa công suất có thể để đảm bảo nguồn nước cho Hà Đông.
Huyện Thanh Oai (Hà Đông), Công ty Thanh Hà cũng đà rà soát, báo cáo như cầu sử dụng nước cụ thể gửi Sở Xây dựng, để có điều tiết chung. Đồng thời, rà soát, phối hợp với BQT toà nhà để vệ sinh, khử trùng các bể ngầm. Theo đó, Sở Y tế đã giao CDC Hà Nội kiểm tra các vấn đề liên quan đến vệ sinh môi trường", ông Hải nói.
Ông Hải cho biết thêm, từ ngày 13-26/10, lượng nước bổ sung từ các trạm và bổ sung cấp nước theo giờ từ xe téc đã cấp nước cho người dân sử dụng theo giờ, sử dụng trong ngày. Hiện nay, việc cấp nước đã dần ổn định và bể ngầm ở KĐT đã đầy nước.
Về các giải pháp triển khai trong thời gian sắp tới, TP. Hà Nội đang giao cho Cổ phần nước mặt sông Đuống và sông Đà phối hợp với Công ty nước sạch Thanh Hà để tiếp tục rà soát, đầu tư đảm bảo nước chung theo kế hoạch và quy hoạch của thành phố.
Thành phố giao cho các Sở Kế hoạch và Đầu tư căn cứ chức năng nhiệm vụ, kiểm tra, rà soát đôn đốc các chủ đầu tư. Hiện nay, các nguồn cũng đã có kế hoạch là giao cho các chủ đầu tư các dự án như: Nhà máy nước mặt sông Hồng, Nhà máy nước mặt sông Đà giai đoạn 2 và dự án đầu tư nâng công suất nước Bắc Thanh Long - Vân Trì, Nhà máy nước Xuân Mai.
Thành phố Hà Nội đang triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; yêu cầu kịp thời tham mưu đề xuất tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai hoặc quyết liệt chấm dứt, thu hồi các dự án chậm triển khai đối với chủ đầu tư không đảm bảo năng lực hoặc không đảm bảo tiến độ thực hiện dự án.
"Thành phố Hà Nội cũng giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thị xã đôn đốc giám sát các đơn vị cấp nước trên địa bàn theo kế hoạch cấp nước và phạm vi cấp nước. Thành phố cũng đang khẩn trương xây dựng các mạng cấp nước, phấn đấu đến năm 2025 đảm bảo tỷ lệ 100% hộ dân được cung cấp nước sạch nguồn tập trung của Thành phố.
Yêu cầu các Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư tăng cường kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện các dự án phát triển để đề xuất, tham mưu cho UBND thành phố tháo gỡ khó khăn và báo cáo thành phố để chấm dứt những nhà đầu tư đã được chấp thuận phân vùng cấp nước nhưng chậm triển khai trong kế hoạch", Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nói.
Đối với cấp nước tại một số khu vực gặp khó khăn về nguồn nước trên địa bàn, TP. Hà Nội đã giao Sở Xây dựng và UBND, thị xã theo phân cấp kịp thời có phương án khắc phục, xử lý phù hợp để đảm bảo cung cấp đủ nước sạch phục vụ nhu cầu nước sạch của người dân.
Đối với đơn vị cấp nước trên địa bàn thành phố, khẩn trương xây dựng kế hoạch và lộ trình, phương án đầu tư xây dựng thực hiện hệ thống cấp nước theo quy hoạch; kịp thời báo cáo khó khăn vướng mắc và đề xuất những giải pháp đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện dự án cấp nước theo quy hoạch và chủ động những phương án khắc phục khi xảy ra tình hình thiếu nước sạch phục vụ sinh hoạt nhân dân.
Về phối hợp với các địa phương, TP. Hà Nội tiếp tục phối hợp và đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc khi thực hiện các dự án như: Nhà máy nước mặt sông Đà giai đoạn 2, Nhà máy nước mặt sông Xuân Mai để nâng công suất nguồn nước sạch đảm bảo nguồn cung cấp theo kế hoạch và lộ trình của thành phố.