Kể từ khi gói tín dụng 30.000 tỷ kết thúc vào tháng 6 năm 2016, hàng loạt dự án nhà ở xã hội thiếu vốn nên chậm trễ tiến độ, người dân vay mua nhà ở xã hội nhưng chưa được nhận nhà trong năm 2016 cũng không còn được tiếp tục vay ưu đãi, mà phải chuyển sang vay thương mại nên cả chủ đầu tư dự án và người vay mua nhà ở xã hội gặp rất nhiều khó khăn.
Mới đây, để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 71/2018/QH14; Đồng thời bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước chỉ định để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội.
Chính phủ giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung bất cập tại Nghị định số 100 để trình Chính phủ xem xét, ban hành trong quý IV năm 2020 theo trình tự thủ tục rút gọn; đề xuất đổi mới phương thức, cơ chế chính sách để giải quyết căn bản nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp.
Ngoài ra, Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TP. HCM tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu của người thu nhập thất, nhất là công nhân.
Tuy nhiên, mới đây trả lời về vấn đề này ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lí nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết: "Hiện mới có Nghị quyết chứ chưa có vốn. Giờ phải chờ quyết định của Thủ tướng phân bổ nguồn vốn cho các lĩnh vực kinh tế, trong đó nhà ở xã hội là một phần nhỏ".
Ông Ninh cho biết thêm, gói 2.000 tỉ đồng theo Nghị Quyết là cấp bù lãi suất. Ví dụ ngân hàng thương mại cho vay 8%, nhà nước cấp bù lãi suất 3%, còn 5% người dân trả cho ngân hàng. Để có nguồn vốn lớn như vậy, ngân hàng phải có kế hoạch cụ thể.
"Sắp tới, Bộ Xây dựng chủ trì qui chuẩn, tiêu chuẩn đối tượng được vay. Bởi lẽ, trước đây, gói 30.000 tỉ đồng là tái cấp vốn và cho cả nhà ở thương mại giá rẻ dưới 15 triệu đồng/m2. Gói lần này chỉ dành riêng cho nhà ở xã hội nên đối tượng cũng khác", ông Ninh nói.
Ông Ninh cũng cho biết, Bộ Xây dựng sẽ sửa Nghị định 100 về nhà ở xã hội vì có nhiều bất cập. Theo đó, Bộ sẽ kiến nghị sửa những vấn đề về trình tự thủ tục, đất chưa hợp lí.
Mới đây, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã có văn bản gửi Chủ tịch Quốc hội, kiến nghị hoàn thiện chính sách pháp luật và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đề xuất tăng cường hỗ trợ nguồn vốn cho người dân thu nhập thấp mua nhà ở xã hội.
Theo đó, một trong những vấn đề trọng tâm được hiệp hội đề xuất tại kiến nghị lần này là vấn đề nguồn vốn cho nhà ở xã hội. Căn cứ Luật Nhà ở, hàng năm,nhà nước cấp 50% vốn cho ngân hàng chính sách xã hội, 50% huy động thêm từ các kênh khác nhau để hỗ trợ cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, 4 ngân hàng thương mại như Vietcombank, BIDV, Agribank, Vietinbank do nhà nước chi phối được cấp bù lãi suất vay 3% - 4%, còn lại tự huy động 100% để cho vay.
Như vậy, nếu cấp 1.000 tỷ với tỷ lệ bù lãi suất vay 3% - 4% thì mỗi năm có thể huy động thêm được 25.000 - 30.000 tỷ cho người vay mua, tạo tính thanh khoản lớn cho nhà ở xã hội tuy nhiên thực tế 2019 vẫn chưa có nguồn kinh phí này hỗ trợ cho người mua và doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội.
Đây là biện pháp cần thiết hỗ trợ cho thị trường bất động sản phân khúc nhà ở xã hội vì hiện tại nhiều chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội khó bán do người mua không được hỗ trợ vốn vay trong khi nhu cầu nhà ở xã hội là rất lớn.
"Hiệp hội kiến nghị Chủ tịch Quốc hội có ý kiến để tăng cường hỗ trợ nguồn vốn cho người thu nhập thấp mua nhà ở xã hội theo 2 kênh: Ngân hàng chính sách xã hội và Ngân hàng thương mại do Nhà nước chi phối", văn bản nêu.