Gói 110.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội: Cần xây dựng đồng bộ, tránh trục lợi

Bộ Xây dựng vừa đề xuất dành gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, tương tự như gói ưu đãi 30.000 tỷ đồng, với mức lãi suất cho vay chỉ từ 5 - 6%/năm.

Dự kiến vào cuối tuần này, hội nghị về thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững sẽ diễn ra với sự tham gia của lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành.

Để chuẩn bị cho hội nghị quan trọng này, Bộ Xây dựng đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà cho công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn. Gói này sẽ cho vay với cả chủ đầu tư và người mua nhà.

Cách đây 10 năm, khi gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng được tung ra, nhiều người có thu nhập trung bình và thấp đã có thể mua được nhà ở, đặc biệt tại các thành phố lớn. Do đó, sức nóng của phân khúc nhà ở xã hội, nhà giá thấp đã lan tỏa và giúp thị trường chung hồi phục trở lại.

Đối với người dân và các doanh nghiệp đang tiến hành xây dựng nhà ở xã hội, đây là một tin vui rất lớn.

Gỡ vướng cho các dự án nhà ở xã hội

Tại TP Hồ Chí Minh, mới đây, Sở Xây dựng đã kiến nghị thành phố gỡ vướng cho 3 dự án nhà ở xã hội để kịp khởi công. Ngoài ra, một số dự án khác cũng đang vướng về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng hoặc vốn vay. Chỉ tính riêng 3 dự án này sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 2.800 căn hộ. Thị trường lúc này có thể được ví như nắng hạn gặp mưa rào, vì cũng gần 3 năm trên địa bàn thành phố hoàn toàn vắng bóng nhà giá rẻ, dưới 30 triệu đồng/m2.

Gói 110.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội: Cần xây dựng đồng bộ, tránh trục lợi - Ảnh 1.

Các chuyên gia cho rằng, trong giai đoạn đang khó khăn về dòng tiền, đề xuất về gói hỗ trợ 110.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội có thể đảm bảo dài hạn, bền vững cho thị trường nhà ở. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)

Theo các doanh nghiệp, nếu có thêm gói ưu đãi về vốn như gói 110.000 tỷ đồng vừa được Bộ Xây dựng đề xuất sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ các dự án, nhưng điều quan trọng nhất là các ưu đãi phải tiếp cận một cách nhanh chóng, dễ dàng.

Có tên trong 3 dự án nhà xã hội được kiến nghị gỡ vướng, đại diện Công ty Xây dựng Thương mại Lê Thành cho biết, khó khăn phát triển nhà ở xã hội không chỉ là điều chỉnh quy hoạch, thời gian xin đầu tư dự án kéo dài mà còn tắc về dòng vốn.

"Hiện nay, dòng vốn nhà ở xã hội thì chỉ có dòng vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho người mua, thuê vay. Chưa có dòng vốn cho chính doanh nghiệp làm ra căn nhà ở xã hội vay mà chúng ta cần phải cho vay hỗ trợ cân bằng", ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Xây dựng Thương mại Lê Thành, cho biết.

"Lãi suất cao là một trong những khó khăn của doanh nghiệp. Những ưu đãi cho vay với nhà ở xã hội phải rõ ràng về quy chế, chuẩn hóa từ trên xuống dưới, đồng bộ các bộ ban ngành về tiêu chuẩn cho vay và phải hết sức là nhanh", bà Nguyễn Hoa Hồng Nhung, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Xây dựng NHS, cho hay.

Đánh giá về gói tín dụng, các chuyên gia cho rằng, trong giai đoạn đang khó khăn về dòng tiền, đề xuất về gói hỗ trợ còn có thể đảm bảo dài hạn, bền vững cho thị trường nhà ở.

"Gói vay lần này gấp 3 lần gói vay cũ mà đã rất thành công là gói 30.000 tỷ. Đề xuất này phù hợp với sự phát triển thị trường, bối cảnh thị trường Việt Nam, đặc biệt là ít doanh nghiệp mặn mà trong vấn đề đầu tư", ông Huỳnh Phước Nghĩa, giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, đánh giá.

Cùng với việc triển khai gói tín dụng, nếu được thông qua, các doanh nghiệp cũng kiến nghị, các địa phương cần sớm bố trí quỹ đất để có thể sớm triển khai các dự án nhà ở xã hội.

Tránh trục lợi nhà ở xã hội

Như vậy, nhiều ý kiến nhận định, nếu đề xuất về gói tín dụng 110.000 tỷ đồng được thực hiện, thị trường bất động sản chắn chắn sẽ đón nhận nhiều thông tin tích cực. Mặt khác, do bất động sản liên quan hàng chục ngành nghề khác như: vật liệu xây dựng, sắt thép, xi măng, nội ngoại thất… nên bất động sản được vực dậy sẽ còn giúp nhiều lĩnh vực khác khởi sắc.

Tuy nhiên, giá bán 1 căn nhà ở xã hội, do được hưởng các ưu đãi về đất, về thuế, nên thường rẻ hơn 1/3, thậm chí là 1/2 so với các căn hộ khác cùng vị trí, do đó có thể xuất hiện những tình huống tiêu cực khi dự án mở bán. Đây là câu chuyện đến hẹn lại lên, theo các chuyên gia, cần có giải pháp để gói hỗ trợ nếu được thông qua sẽ đến đúng tay đối tượng.

Dự án nhà ở xã hội đang được quan tâm nhất thị trường Hà Nội hiện nay, khi có thông tin chỉ còn vài tháng nữa dự án đủ điều kiện nhận hồ sơ mua. Những căn hộ có giá chỉ hơn 1 tỷ đồng, không quá xa trung tâm. Tuy nhiên, vì nguồn cung hạn chế, nên hiện nay những thông tin tiêu cực đã bắt đầu xuất hiện, như phải mất một số tiền nhất định mới có suất mua tại dự án này.

Trên các trang web mua bán bất động sản, một số môi giới cho biết, nếu người mua nhà trả phí dịch vụ, với mức khoảng 250 triệu đồng thì có thể đảm bảo tới 90% sẽ bốc thăm trúng suất mua nhà, thay vì chờ may rủi từ việc bốc thăm.

"Ngoài cổng, chúng tôi đã có cảnh báo, chúng tôi không nhận bất cứ với sàn giao dịch hay công ty tư vấn nào về nhà ở xã hội mà chỉ trên website duy nhất của công ty", bà Nguyễn Hoa Hồng Nhung, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Xây dựng NHS, thông tin.

Tuy nhiên, trường hợp này chỉ xảy ra với các dự án gần trung tâm và được hưởng lợi từ hạ tầng xã hội xung quanh. Như tại Hà Nội, đã có trường hợp thông báo nộp hồ sơ mua nhà tới vài năm, mở bán không dưới 20 lần nhưng vẫn ế khách, nguyên nhân do dự án ở quá xa, chỉ có nhà ở, mà không có dịch vụ kèm theo.

"Rất nhiều dự án nhà ở xã hội đã bị ế hàng. Chúng ta phải triển khai các khu đô thị nhà ở xã hội rất lớn và dành cho các tập đoàn lớn làm, chúng ta mới giải quyết được bài toán", ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6 Group, cho hay.

Tránh tình trạng trục lợi và xây dựng nhà ở xã hội một cách đồng bộ là 2 vấn đề các chuyên gia cho rằng cần phải được thực hiện, nếu gói 110.000 tỷ đồng được đưa ra cho thị trường.

Tháo gỡ vướng mắc cho bất động sản

Trong Hội nghị về tín dụng bất động sản mới tổ chức gần đây, đại diện Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định không siết cho vay đối với bất động sản. Ngân hàng mở rộng cửa cho các dự án nhà ở hướng tới người mua ở thật, đặc biệt là nhà ở xã hội. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp bất động sản lại cho rằng, họ vẫn khó tiếp cận vốn tín dụng và lãi suất cho vay vẫn đang ở mức cao. Ngoài ra, khó khăn của doanh nghiệp không chỉ có việc tiếp cận vốn.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đóng góp của ngành xây dựng và bất động sản trong GDP các năm gần đây khoảng 11%. Khó khăn của bất động sản sẽ kéo theo nhiều ngành nghề khác.

Nguồn cung năm 2022 chỉ bằng khoảng một nửa so với năm trước đó. Khan hiếm cung, cộng với giá vật liệu xây dựng liên tục tăng cao, riêng mặt hàng thép có lúc tăng tới 30%, đã khiến không ít doanh nghiệp lao đao.

Mới đây, một doanh nghiệp đã phải đề xuất phương án chuyển đổi hình thức hỗ trợ trực tiếp lãi suất vay ngân hàng cho khách hàng, do gặp khó khăn về dòng tiền.

"Từ năm 2018 tới nay việc cấp phép cho các dự án chậm hơn. Chủ đầu tư cũng đang bị đối mặt với các khó khăn liên quan tới chi phí đầu vào, chi phí đất gia tăng, nên dẫn tới tổng chi phí đầu tư tăng hơn. Giá khó đưa về mức hợp lý. Chúng ta trước nhất phải có thêm các dự án được phê duyệt", bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn - Savills Hà Nội, cho biết.

"Sự vào cuộc của chính quyền địa phương chưa phải là quyết liệt, dẫn đến tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hay giải phóng mặt bằng rất khó khăn. Ngoài ra cũng phải cho doanh nghiệp tự quyết định mức giá phù hợp với chi phí, doanh thu", ông Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nhận định.

Đại diện Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho biết, 70% khó khăn của doanh nghiệp bất động sản là khó khăn về mặt pháp lý. Chỉ riêng TP Hồ Chí Minh, trong số khoảng 700 dự án đang triển khai, có tới hơn 140 dự án bị vướng mắc pháp lý.

"Chúng ta đang căng thẳng về vấn đề vốn, siết tín dụng…, nhưng có nhiều vấn đề của bức tranh thị trường, trong đó có vấn đề pháp lý, ảnh hưởng rất nhiều. Đơn vị làm dự án gặp khó khăn về thời gian", ông Huỳnh Phước Nghĩa, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, cho hay.

Gói 110.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội: Cần xây dựng đồng bộ, tránh trục lợi - Ảnh 2.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, để biến các dự án nhà ở xã hội, nhà vừa túi tiền thành hiện thực, các khó khăn vướng mắc về pháp lý cần sớm có lời giải. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)

"Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi biết Thủ tướng đã lập Tổ công tác đặc biệt, giao cho Bộ Xây dựng, tuy nhiên Tổ công tác ấy, chúng tôi mong muốn họ nắm được nhiều thông tin hơn, xử lý quyết liệt hơn thì chắc sẽ gỡ được các dự án, nhất là các dự án đã tồn tại một thời gian cần xử lý. Tất nhiên ngân hàng phải giữ an toàn cho toàn hệ thống, nhưng cũng cần có sự cân bằng, chia sẻ lại lợi ích của ngân hàng và các doanh nghiệp nói chung. Rất mong có sự điều chỉnh lãi suất sớm", ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Công ty Cổ phần GP Invest, nói.

Với định hướng phát triển nhà ở xã hội, nhà vừa túi tiền, phần lớn các doanh nghiệp đều bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng, để biến các dự án thành hiện thực, các khó khăn vướng mắc về pháp lý cần sớm có lời giải.

Thực tế, từ giữa năm 2022, nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn đã đăng ký triển khai xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên đến nay, một phần do vướng mắc về thủ tục, một phần khó khăn về vốn đã khiến nhiều dự án chưa thể khởi công. Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng cùng với đề xuất về gói tín dụng 110.000 tỷ đồng, các ách tắc về mặt pháp lý cho các dự án bất động sản, trong đó có nhà ở xã hội, sẽ nhanh chóng được tháo gỡ trong thời gian sớm nhất.