Đó là nhận định của TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam.
Mới đây, Thủ tướng Chính Phủ ban hành quyết định về việc giảm tiền thuê đất của năm 2020 đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 với mức giảm là 15%. Khi được hỏi, liệu đây có phải là một chính sách khả thi hơn so với việc giảm nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP trước đó của Chính phủ không, TS Khương cho rằng, liên quan đến vấn đề khả thi hay không trong việc liệu chính sách giảm thuế hay giảm tiền thuê đất sẽ đem lại lợi ích hơn cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong thời buổi dịch bệnh, thì cả hai đều giải quyết được bài toán này trong ngắn hạn.
Vị chuyên gia này cho rằng, đây là một động thái tốt thể hiện sự đồng hành của Chính Phủ cùng với các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này, khi phải trực tiếp chịu tác động kép của nền kinh tế, cộng với những khó khăn pháp lý vẫn đang tồn tại, và nhưng ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19.
"Tuy nhiên, trên thực tế, nếu nhìn vào bức tranh tổng thể hơn thì sự hỗ trợ của Chính Phủ chỉ giúp các doanh nghiệp giải quyết được một phần nào đó rất nhỏ bài toán khó này trong ngắn hạn. Do đó, chúng ta nên nhìn vào câu chuyện lâu dài hơn là hệ thống các thủ tục pháp lý cho các doanh nghiệp. Đồng thời, phải nhìn nhận vào thực tế rằng dù chính sách hỗ trợ có tác động tích cực đến các doanh nghiệp gặp khó khăn nhưng với ngân sách còn nhiều hạn chế của Chính Phủ thì việc giải quyết triệt để bài toán này là điều khó có thể thực hiện. ", TS Khương nhấn mạnh.
Chưa kể, với chính sách này các doanh nghiệp mong muốn được hưởng lợi từ cơ chế này cần phải chứng minh được trong vòng 15 ngày các nhà máy sản xuất của mình không thể hoạt động. Do đó, nếu nhìn vào tổng thể thì bên phía các khu công nghiệp sẽ được hưởng lợi nhiều nhất trong số các doanh nghiệp gặp khó khăn về các thủ tục ở các ngành nghề sản xuất, kinh doanh nói chung và ở BĐS nói riêng.
Còn nếu đánh giá liệu chính sách nào sẽ đem lại hiệu quả hơn phụ thuộc vào việc nó được áp dụng như thế nào hay nói cách khác là vấn đề thực thi. Ngoài việc đưa ra các chỉ đạo thì vấn đề thực hành, kiểm soát và xúc tiến của Chính Phủ rất quan trọng.
Do đó, chỉ khi xét đến cả yếu tố thực thi thì chúng ta mới kết luận được là liệu chính sách đó có thực thi hay không, vì nếu Chính Phủ đưa ra chỉ đạo nhưng các cơ quan cấp địa phương không thực hiện triệt để thì khó khăn của doanh nghiệp sẽ vẫn còn kéo dài. Vì vậy, các hành động quán triệt của các cấp địa phương cũng như sự giám sát và chỉ đạo quyết liệt của Chính Phủ trong việc thực thi các chính sách là những yếu tố quyết định đến sự hiệu quả của chính sách đó.
"Theo cá nhận tôi nhận định, Chính phủ đã và đang đưa ra những chính sách rất kịp thời để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam trong khả năng của mình, mặc dù vậy, từ nghị quyết tới thực tiễn thì còn cần thời gian, cũng như nỗ lực và sự đồng lòng từ phía chính quyền địa phương, cũng như bản thân các doanh nghiệp", vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Khi được hỏi, liệu con số giảm tiền thuê đất 15% đối với doanh nghiệp đã hợp lý?, TS Khương bày tỏ quan điểm, nếu chính sách chỉ áp dụng trong vòng 6 tháng thì câu chuyện về con số không bao giờ là đủ dù là 15, 20, 35 hay 40% vì nó chỉ tác động được trong ngắn hạn.
Vì vậy, cái mà chúng ta nên nhìn vào để xuyên suốt hơn là các thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai ở nước ta, vì đó mới chính là câu chuyện nan giải của các doanh nghiệp từ xưa đến nay, đặc biệt là các doanh nghiệp thuê đất của nhà nước, các tổ chức cá nhân và nhà nước, từ đất khu công nghiệp, đất sản xuất, đất dịch vụ,... Hay nói cách khác thì đây là câu chuyện về thủ tục và định giá.
"Tôi rất hi vọng Chính phủ sẽ xem xét đến việc là giải quyết một cách triệt để trong cái vấn đề pháp lý và thủ tục của dự án mới, để có thể hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp trong trung và dài hạn", TS đề xuất.