Giảm độ lệch cán cân cung - cầu sản phẩm bất động sản

Số liệu khảo sát của Công ty Savills Việt Nam cho thấy, trong vòng 5 năm, giá chung cư đã “phi mã” khi tăng tới 77%. Hiện giá sơ cấp trung bình của căn hộ chung cư khoảng 54 triệu đồng/m2. Không chỉ “neo” ở mức giá cao mà nguồn cung nhà ở trung, cao cấp đang dư thừa trong khi phân khúc nhà ở giá rẻ có giá dưới 25 triệu đồng/m2 rất hiếm trên thị trường.
Giảm độ lệch cán cân cung - cầu sản phẩm bất động sản- Ảnh 1.

Chung cư Tân Tây Đô nằm trong Khu đô thị mới tại huyện Đan Phượng, Hà Nội với 6 đơn nguyên cao 25 tầng. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Các chuyên gia nhận định, sản phẩm bất động sản vẫn trong tình trạng mất cân đối cung - cầu và đây là một trong những nguyên nhân khiến thị trường khó phát triển bền vững. Chỉ khi nào nguồn cung nhà ở “vừa túi tiền” được gia tăng thì mới giúp giảm độ lệch của cán cân cung – cầu trên thị trường bất động sản.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, trong năm 2023, căn hộ chung cư tiếp tục xu hướng tăng giá tại 2 đô thị lớn là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, đặc biệt là các khu vực trung tâm. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, nhà chung cư tăng giá chủ yếu ở phân khúc trung và cao cấp, nhất là các dự án kề cận trung tâm như quận Bình Thạnh, Tp. Thủ Đức với giá bán sơ cấp hơn 60 triệu đồng/m2.

Ông Hoàng Hải – Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, kể từ cuối năm 2023, trên thị trường gần như không có dự án phân khúc căn hộ bình dân với mức giá dưới 25 triệu đồng/m2 mà chủ yếu là phân khúc căn hộ trung cấp có mức giá từ 25 – 50 triệu đồng/m2 đủ điều kiện huy động vốn và giao dịch.

Lý giải về sự mất cân đối này, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng, nguyên nhân là do các vướng mắc pháp lý tại nhiều dự án kéo dài trong nhiều năm qua. Một số dự án nhà ở may mắn được phê duyệt và triển khai thực hiện thì xảy ra trường hợp bị doanh nghiệp, chủ đầu tư "nâng cấp" và chuyển từ dự án nhà ở trung cấp, bình dân thành nhà ở cao cấp hơn nhằm tối đa hoá lợi nhuận.

Theo đó, nguồn cung nhà ở vừa túi tiền bị thiếu hụt hẳn trên thị trường bất động sản. Trong khi đó, việc đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội lại gặp rất nhiều vướng mắc pháp lý do thủ tục còn “ngặt nghèo” hơn cả nhà ở thương mại khiến nguồn cung phân khúc này cũng thiếu hụt trầm trọng.

Còn nguyên nhân khiến giá nhà, giá căn hộ tăng nhanh thời gian qua là do thị trường lệch pha về sản phẩm cao cấp, hạng sang; thiếu sản phẩm nhà ở thực, vừa túi tiền. Nhà ở cao cấp lẽ ra chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, nhưng trong nhiều năm qua đã áp đảo tới 70 - 80% nguồn cung thị trường dẫn đến tình trạng đầu cơ, găm giữ, đẩy giá bất động sản lên cao - ông Châu phân tích.

Để giảm bớt độ chênh lệch của cán cân cung – cầu trên thị trường bất động sản, Tiến sỹ Đoàn Văn Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, cần có giải pháp về chính sách, thể chế cho nhà ở vừa túi tiền theo hướng nhà ở thương mại mà không cần hỗ trợ tài chính như nhà ở xã hội.

“Một số quốc gia đang triển khai nhà ở vừa túi tiền (affordable housing, fair housing) là các tham khảo tốt cho Việt Nam. Hiệp hội Bất động sản Việt Nam sẽ triển khai Đề tài nghiên cứu khoa học về vấn đề này ngay những ngày đầu năm 2024 để có kiến nghị kịp thời với Nhà nước” – ông Bình chia sẻ.

Theo ông Bình, song song với đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội đang triển khai, cần có thêm chính sách thu hút tư nhân xây nhà ở vừa túi tiền thông qua thủ tục hành chính, cung cấp vốn... Chỉ riêng nhà ở xã hội rất khó đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp đến trung bình. Nhà vừa túi tiền cần sớm đóng vai trò chính trên thị trường nhà ở Việt Nam.

Dưới góc nhìn chuyên gia, Tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm – nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận xét, trong năm vừa qua, thị trường bất động sản vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng nhờ nỗ lực của Chính phủ thì nhiều chính sách được ban hành kịp thời. Những khó khăn nhất định đã sớm được tháo gỡ dần, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh bất động sản.

Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp bất động sản cũng cần tái cấu trúc doanh nghiệp và sản phẩm bất động sản. Trên thực tế, suốt thời gian qua, cơ cấu sản phẩm bất động sản đang tập trung quá nhiều vào các phân phúc cao cấp dành cho tầng lớp trung lưu giàu có trên thị trường. Chính vì tập trung quá nhiều vào phân khúc cao cấp nên đã làm mất cân đối cung cầu, từ đó đẩy giá bất động sản lên rất cao so với giá trị thực của sản phẩm.

“Do đó, cần cơ cấu lại các sản phẩm bất động sản để phù hợp với nhu cầu trên thị trường, làm được như vậy thị trường bất động sản mới có thể phát triển lành mạnh và bền vững” – chuyên gia này nhấn mạnh.

Năm 2024, thị trường bất động sản Việt Nam được đánh giá sẽ có nhiều điểm sáng hơn nhờ các luật liên quan như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai đã được thông qua và sẽ có hiệu lực đồng bộ vào tháng 1/2025.

Hành lang pháp lý rõ ràng, điểm nghẽn được khơi thông và lãi suất cho vay được điều chỉnh giảm nhiều hơn sẽ tạo động lực thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội mới. Một kỳ vọng nữa là khi chính sách hỗ trợ phân khúc nhà ở vừa túi tiền thẩm thấu sâu hơn, nguồn cung cũng sẽ dồi dào hơn. Khi đó, cán cân cung – cầu sẽ bớt lệch, dần trở về thế cân bằng.