Giải Pháp Nào Phát Triển Nhà Ở Vừa Túi Tiền?

Tại Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân thường niên lần thứ IV do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam tổ chức, vấn đề phát triển nhà ở vừa túi tiền – phân khúc được đánh giá là sẽ phá băng thị trường bất động sản được các chuyên gia bàn luận sôi nổi.

Nhà Ở Vừa Túi Tiền: Cần Làm Rõ Khái Niệm

Tại diễn đàn, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng để phát triển nhà ở vừa túi tiền cần làm rõ các khái niệm. Cụ thể, cần phân biệt và định nghĩa rõ ràng giữa nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có giá phải chăng hay nhà ở cao cấp.
Theo đó, nhà ở xã hội là nhà ở của Nhà nước đứng ra quy hoạch, hỗ trợ cho bộ phận dân cư yếu thế. Nhà ở thương mại có giá phải chăng là Nhà nước hỗ trợ cho bộ phận người dân đại trà, đáp ứng đại đa số quần chúng. Nhà ở cao cấp cũng cần có tiêu chuẩn, quy chuẩn rõ ràng. Bởi mang tiếng là nhà ở cao cấp nhưng thực tế có không ít dự án có nội thất, dịch vụ chưa đủ cao cấp.
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh phát biểu tại diễn đàn
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh khâu đầu tiên cần quan tâm là định nghĩa rõ loại nhà và quy hoạch. Việc dành 20% đất dự án nhà ở thương mại phát triển nhà ở xã hội, nghe dường như hợp lý nhưng còn manh mún, xây lên sẽ khó đảm bảo được sự đồng bộ.
Do đó, cần quy hoạch làm sao để các dự án nhà ở mang đặc tính khu dân cư, đáp ứng nơi ăn chốn ở, công việc và nhu cầu sinh hoạt. Thị trường hiện vẫn tồn tại quan điểm nhà ở xã hội giá thấp nên chất lượng thấp, dẫn đến nhiều khu xây xong không bán được, người dân không đến ở nên đã đến lúc chúng ta cần làm bài bản. Với nhà ở vừa túi tiền, Chính phủ cần phải có những chính sách từ quy hoạch đến nguồn vốn để hỗ trợ thì phân khúc này mới có cơ hội phát triển.

Tìm Mua Bán Nhà Đất Hà Nội Giá Rẻ

Nếu bạn đang tìm kiếm các thông tin chuẩn xác, các diễn biến đáng chú ý về thị trường chung cư Hà Nội thì TinNhaDatVN.Com chắc chắn là website số 1 uy tín bạn đang cần.

XEM NGAY

Các Giải Pháp Phát Triển Nhà Ở Vừa Túi Tiền

Cũng tại diễn đàn, ông Đoàn Văn Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, về cách hiểu nhà ở vừa túi tiền, cần tách bạch nhà ở vừa túi tiền là nhà ở thương mại, còn phân khúc nhà ở xã hội đã có chính sách riêng. Nhà ở là vấn đề rất quan trọng, không chỉ giải quyết nhu cầu ở của người dân, mà còn ảnh hưởng đến nhiều vấn đề xã hội khác.
Chính vì vậy, Chính phủ có Quyết định số 2161/QĐ-Ttg ngày 22/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045, phát triển nhà ở cho gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp, đặc biệt là nhà ở phù hợp với khả năng chi trả của đại đa số người dân.
Ông Đoàn Văn Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam chia sẻ về phát triển nhà ở vừa túi tiền tại diễn đàn
Ông Bình nhấn mạnh tại Việt Nam, nhà ở vừa túi tiền sẽ có mức giá cho căn hộ hoàn thiện cơ bản là dưới 1.000 USD/m2, nghĩa là căn hộ 2 phòng ngủ 65m2 có giá khoảng 65.000 USD tương đương 1,6 tỷ đồng, khoảng 25 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, có một thực tế là căn hộ chung cư với mức giá này gần như đã "tuyệt chủng" ở Hà Nội và TP.HCM. Hiện "chuẩn" giá nhà bình dân tại 2 thành phố này đã nâng lên 20-30%, ở mức 2 tỷ – 2,4 tỷ đồng/căn. Khái niệm về nhà ở vừa túi tiền hiện nay có thay đổi rất lớn, không còn ở mức 1.000 USD mà có thể đã tăng lên gấp đôi. Như vậy, vấn đề nhà ở vừa túi tiền là vấn đề nóng bỏng cần giải quyết và cần các giải pháp cụ thể.
Về các giải pháp phát triển nhà ở vừa túi tiền tại Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đề xuất nhóm giải pháp thứ nhất là hoàn thiện chính sách, pháp luật. Theo đó, cần đưa ra khái niệm và ban hành tiêu chí xác định nhà ở vừa túi tiền. Đồng bộ các quy định về nhà ở vừa túi tiền trong hệ thống pháp luật, chú trọng xây dựng chính sách khuyến khích phát triển nhà ở vừa túi tiền.
Ngoài ra, cần có chính sách, cơ chế tặng điểm thưởng và tích lũy điểm thưởng cho các chủ đầu tư tạo lập nhà ở vừa túi tiền khi lựa chọn nhà đầu tư làm dự án nhà ở thương mại phân khúc cao hơn. Cùng với đó là tham khảo kinh nghiệm ban hành chính sách khống chế giá trần nhà ở vừa túi tiền bao gồm cả giá bán và giá thuê nhà.
Nhóm giải pháp thứ hai là hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn. Cụ thể, cần xây dựng và ban hành hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, công nghệ mới cho nhà ở vừa túi tiền; ban hành thiết kế mẫu cho nhà ở vừa túi tiền… qua đó góp phần giảm chi phí đầu tư xây dựng nhằm hạ giá nhà.
Nhóm giải pháp thứ ba là đổi mới công tác quy hoạch. Cụ thể, chú trọng quy hoạch và phát triển quỹ đất cho phát triển nhà ở vừa túi tiền; quy hoạch tăng mật độ xây dựng trong các dự án nhà ở cao tầng; tính toán tỷ trọng cơ cấu nhà ở vừa túi tiền trong tổng thể kế hoạch phát triển nhà ở theo năm/giai đoạn; quy định cụ thể tỷ lệ nhà ở vừa túi tiền trong các khu đô thị. Ngoài ra, chú trọng việc quy hoạch nhà ở vừa túi tiền gần các đấu mối giao thông và đầy đủ hạ tầng xã hội, khuyến khích chuyển đổi không gian thương mại thành nhà ở vừa túi tiền.
Nhóm giải pháp thứ tư là giải pháp về tài chính và thuế. Sử dụng công cụ thuế để điều tiết các phân khúc nhà ở cao cấp, hạn chế đầu cơ, hướng thị trường đến nhà ở vừa túi tiền có nhu cầu thực, thêm nguồn lực tài chính phát triển nhà ở vừa túi tiền.
Cùng với đó, xây dựng các chính sách ưu đãi về thuế, phí đối với chủ đầu tư và người mua, thuê nhà ở vừa túi tiền; khuyến khích đầu tư nước ngoài vào nhà ở vừa túi tiền.
Nhóm giải pháp thứ năm là cải cách thủ tục hành chính, cần đơn giản hóa hệ thống các thủ tục hành chính; ứng dụng công nghệ, tăng cường phân cấp, ủy quyền để giảm thiểu gánh nặng về thời gian, chi phí thủ tục cho doanh nghiệp. Đặc biệt là rút ngắn thời gian cấp phép đối với các dự án nhà ở thương mại vừa túi tiền, miễn cấp phép trong các trường hợp nhất định trong khu đô thị có công năng hỗn hợp.
Khánh Chi
TỪ KHÓA: Nhà giá rẻ