Câu chuyện của anh Nguyễn Ngọc Mạnh đến từ Hà Nội là một ví dụ điển hình. Năm 25 tuổi, anh Mạnh quyết định bước chân vào nghề môi giới với một suy nghĩ: "Chỉ có đầu tư đất mới có thể giàu được". Nhìn thấy nhiều người bước chân vào nghề nhanh chóng kiếm tiền tỷ, mua xe, mua nhà, anh Mạnh nuôi giấc mơ sẽ sớm được may mắn như vậy.
Thế nhưng, đến khi bước chân vào nghề, anh mới nhận ra: "Cuộc đời chẳng giống giấc mơ". 6 tháng đi làm, anh Mạnh chưa chốt được bất kỳ một thương vụ nào. Mỗi ngày bước chân ra khỏi nhà từ 8 giờ sáng và trở về nhà lúc 9 giờ tối. Dù đều đặn, thường xuyên chăm sóc khách hàng nhưng kết quả, anh Mạnh vẫn không thể chốt được khách hàng trong thời gian đầu.
"Lúc tôi chuyển việc sang làm môi giới bất động sản, tôi vừa lập gia đình. Vợ tôi sinh con nhỏ nên không đi làm. Thu nhập trông chờ vào mình tôi. Nhưng 6 tháng làm môi giới, tôi không kiếm được đồng nào. Chưa kể, tiền điện thoại, tiền cafe mời khách hàng. Mọi khoản tiền phải vay mượn từ người thân, tiền thai sản của vợ.
Môi giới bất động sản không phải là nghề trải đầy hoa hồng.
Nghĩ thời điểm đó rất nản và có lúc muốn bỏ vì nghĩ: "Mình không có duyên với nghề này". Nhưng lúc nhìn anh em chốt hàng, mình lại động viên cố gắng. Có lúc, tưởng khách chốt đến đến nơi nhưng rồi khách lại chuyển hướng. Có lúc, nghĩ 100% khách sẽ mua hàng nhưng cuối cùng lại toang ở phút chót. khi ngồi nhà hồi hộp. Cứ lần nào chuẩn bị đi gặp khách để tiến tới khâu đặt cọc, vợ tôi ở nhà hồi hộp theo, nhắn tin hỏi liên tục. Mà lần nào cũng thế. Dù không chốt được hàng nhưng vợ tôi về lại động viên", anh Mạnh kể.
"Đến tháng thứ 7 đi làm, khi chuẩn bị kế hoạch chuyển sang công việc văn phòng sau nhiều tháng tư vấn bán sản phẩm dự án đều lỡ dở, một vị khách tôi chăm sóc từ 2 tháng trước bất ngờ quay lại muốn mua một lô đất. Lần này, cảm xúc của tôi khá dửng dưng vì đây cũng là vị khách tôi từng chốt hợp đồng cọc hụt. Tôi nghĩ vị khách hàng chắc như lần trước, nghe tư vấn nhưng rồi lại không chốt. Bất ngờ, lúc ra đàm phán nói chuyện, anh khách lại cọc luôn 30 triệu đồng mà không lăn tăn. Thương vụ đầu tiên mà tôi chốt được lại nhanh, gọn, nhẹ đến khó ngờ. Vậy là tôi lại quyết định tiếp tục theo đuổi nghề môi giới đến bây giờ".
Cũng bước chân vào nghề môi giới với giấc mơ đổi đời và làm giàu, anh Trần Linh từng rơi vào cảnh "vỡ mộng" vì "làm giàu không hề dễ dàng". Năm 2016, anh Linh chính thức đầu quân cho công ty môi giới bất động sản ở Hà Nội. Sau thương vụ chốt hụt tháng đầu tiên khi vào nghề, anh Linh còn tự tin về tương lai. Thế nhưng, những tháng sau đó, không có thương vụ nào giao dịch thành công, không có hoa hồng, anh Linh tính tới bỏ nghề.
"Ban đầu, tôi nghĩ làm môi giới có thể đổi đời. Tôi dự tính sẽ chăm chỉ học các dự án, chăm sóc khách hàng, tìm hiểu kiến thức thị trường. Nhưng quả thật để chốt được 1 khách không dễ dàng. Nhiều ngày, tôi phải gọi tới hơn 100 cuộc điện thoại. Có khách nghe, có khách chửi. Có lần gọi tới 20 cuộc cho khách, khách chửi sợ quá đến nỗi ám ảnh ban đêm không dám ngủ vì sợ. Mới vào nghề nên còn không biết tư vấn gì, gặp khách hàng nói vài câu là hết cả kiến thức tư vấn. Dần dần, khả năng tư vấn tốt hơn nhưng nhiều tháng dài vẫn không chốt được hợp đồng lại muốn bỏ cuộc.
Anh Linh tự nhận bản thân mình không phải là người may mắn trong hành trình khởi nghiệp từ lĩnh vực bất động sản. Phải đến tháng thứ 4, anh mới có thể chốt được hợp đồng đặt cọc đầu tiên. "Cảm giác lần đầu được khách cọc tiền rất vui. Mọi thứ như vỡ oà vì sau nhiều nỗ lực thì đã có kết quả. Nhưng để sống được với nghề thì không hề đơn giản. Nhiều lúc tưởng khách cọc là chắc chắn song có không ít khách phải bỏ cọc vì các vấn đề phát sinh như chồng bảo không mua hay vợ không nhất trí. Vậy là trôi hết cả công sức cố gắng", anh Linh cho biết.
Đến thời điểm hiện tại, anh Linh hiện đã trở thành đầu tư. Với anh, tháng ngày bôn ba làm môi giới, trải qua muôn tình huống trớ trêu, vất vả đã mang đến cho anh nhiều bài học quý báu trong giao dịch, tìm kiếm khách hàng, chốt khách.
"Làm thời gian dài, tôi dần dần quen tất cả mọi thứ và không còn cảm xúc bộc phát như hồi mới vào nghề. Xác định, tư vấn 100 khách hàng, 10 khách ưng thì cố gắng chốt 1 khách mua hàng. Kiên trì và nỗ lực thì mọi thứ đều được đền đáp. Nhưng tất nhiên, con đường đó khá đau khổ và đầy ám ảnh", anh Linh nói.