Theo dõi cho thấy, giá vàng trong nước đang liên tục đi lên trong 7 ngày qua, tăng tổng cộng khoảng hơn 2 triệu đồng/lượng. Không những thế, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế tiếp tục ở mức cao.
Cụ thể, giá vàng giao dịch ngày 13/11 tiếp nối đà tăng phá vỡ ngưỡng kháng cự 60 triệu đồng/lượng. Giá vàng trong nước hiện đang được Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết mua vào 60,05 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 60,75 triệu đồng/lượng, cùng tăng 550.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra so với thời điểm cuối ngày 12/11. Chênh lệch giá bán vàng đang cao hơn giá mua 700.000 đồng/lượng.
Như vậy, giá vàng hiện vẫn đang trụ vững trên đỉnh của 5 tháng qua và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Nhìn từ thị trường vàng sang thị trường BĐS cho thấy, nhiều nhà đầu tư của 2 thị trường này thường đổi chiều cho nhau. Có khá nhiều nhà đầu tư tham gia đầu tư chứng khoán, vàng… khi chốt lợi nhuận sẽ tìm kiếm BĐS để giữ đồng tiền. Có thể không phải là bỏ cả nhưng một phần lợi nhuận này sẽ được nhà đầu tư phân bổ ra các kênh khác, trong đó có BĐS. Ngược lại, trong thời gian qua, tình hình dịch bệnh kéo dài, nhiều nhà đầu tư ở thị trường BĐS đã "nhảy" sang thị trường vàng, chứng khoán.
Từ việc giá vàng tăng mạnh sau giãn cách, nhiều câu hỏi được đặt ra liệu có nhiều nhà đầu tư sẽ chốt lợi nhuận ở vàng và "găm tiền" vào BĐS vốn như đã từng diễn ra trước đây khá nhiều.
Chia sẻ tại một tọa đàm trước đó, ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên ĐH Fulbright Việt Nam đã có những phân tích về các kênh mà NĐT có thể cân nhắc để "bỏ tiền" vào.
Theo vị giảng viên này, nếu đầu tư vào vàng thì dài hạn có thể nó tăng nhưng mà chỉ cần một tin về dịch bệnh được kiểm soát được là mặt bằng giá vàng giảm xuống, ngày hôm sau lại bùng phát thì giá vàng lại đột ngột tăng. Nếu như vậy đầu tư vào vàng thì kỳ vọng ít nhất là 20% thì mới nên chấp nhận đầu tư.
Thị trường đã từng chứng kiến rất nhiều đợt giá vàng lên xuống thất thường. Có thời điểm giá vàng tăng nóng và chạm mốc 62 triệu đồng/lượng- mức cao nhất trong lịch sử vào tháng 8/2020 thì sau đó liên tục rơi tự do ở ngưỡng 50-55,5 triệu đồng/lượng. Đến thời điểm này giá vàng lại lập đỉnh và việc xuống giá bất thình lình cũng có thể xảy ra trong ngắn hạn.
Ở kênh tiết kiệm, theo ông Thành, khi đầu tư thường nhìn vào yếu tố trượt giá của đồng tiền. Gửi tiền ngân hàng bao giờ cũng bị mất giá.
"Nhiều người thích đầu tư BĐS vì họ có niềm tin sắt đá về giá BĐS không xuống, trừ một số dự án chung cư không được quản lý, bảo trì tốt. Trong khi đó, vàng lên xuống theo thời điểm. Bên cạnh đó, nếu đặt bàn cân thì lợi suất sinh lời của BĐS đạt được như kì vọng", ông Thành từng nhấn mạnh.
Cũng chia sẻ mới đây, ông Nguyễn Thọ Tuyển, một chuyên gia lâu năm trên thị trường bất động sản cho rằng, khi chỉ số Vn-index quanh ngưỡng 1.400 điểm, số lượng tài khoản mở mới tính từ đầu năm đạt gần 1.000.000 tài khoản. Một con số minh chứng cho việc các nhà đầu tư đang không biết để tiền vào đâu để vừa an toàn vừa sinh lời. Lãi suất tiền gửi ngân hàng phổ biến từ 3-4%, thậm chí còn thấp hơn lạm phát (khoảng 4.7% - 5%). Như vậy để tiền trong ngân hàng tức là mất tiền.
Vàng và Đô La Mỹ thì là thị trường toàn cầu, rất khó điều tiết cục bộ, vậy nên biên sinh lời cũng không cao. Kinh doanh sản xuất thì không được ưu tiên đầu tư, do trước mắt vẫn là dịch bệnh. Vậy là dòng tiền liên tục đổ vào kênh chứng khoán (trái phiếu, cổ phiếu, chứng chỉ quỹ) và bất động sản.
"Cuối cùng, người ta thường thích bán chứng khoán để mua bất động sản, chứ ít ai bán bất động sản để mua chứng khoán. Vậy nên, có thể khẳng định: Bất động sản là kênh được nhiều nhà đầu tư quan tâm nhất vì tính an toàn và sinh lời của nó", ông Tuyển khẳng định.
Theo các chuyên gia, dòng vốn cuối năm sẽ vẫn tập trung vào các kênh đầu tư chính là chứng khoán và BĐS. Với nhà đầu tư ngắn hạn, ưu tiên nguồn vốn thời điểm này sẽ là kênh đầu tư chứng khoán, vàng. Tuy nhiên với giới đầu tư trung và dài hạn, BĐS mới là sân chơi được ưu ái nhiều nhất. Tâmm lý đầu tư của người Việt dù giai đoạn nào cũng luôn có niềm tin vào việc tăng giá của BĐS, đặc biệt, khi dân số ngày càng gia tăng, đất đai không thể mở rộng.
Theo một chuyên gia trong ngành, sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hiện bất động sản vẫn là kênh đầu tư được nhà đầu tư ưu tiên hàng đầu. Có thể thấy các ưu điểm như an toàn, ít biến động, và khả năng sinh lời tốt hấp lực các NĐT hơn. Dĩ nhiên, dòng tiền của nhà đầu tư vẫn chảy vào vàng hay chứng khoán nhưng nếu đặt lên bàn cân để "cân đo đong đếm" về nhu cầu thì nhà đầu tư vẫn xem BĐS là kênh trữ tiền an toàn và sinh lợi tốt.
Những dấu hiệu rục rịch của thị trường BĐS sau giãn cách và động thái của các NĐT "quay đầu" vào BĐS sau khi bán chứng khoán hoặc vàng cho thấy quá trình phục hồi của thị trường BĐS sau 4 tháng "ngủ đông".
Giữa nhiều phân khúc BĐS được quan tâm thì 2 căn hộ vừa túi tiền và đất nền vẫn được chuyên gia trong ngành đánh giá cao về tính thanh khoản, nhu cầu, thậm chí có thể nói là "vượt bão" mùa Covid-19. Mặc dù trong bối cảnh thị trường ảnh hưởng bởi dịch nhưng 2 phân khúc này giá không hề giảm, mà còn xu hướng đi lên.
Theo ông Mai Đức Toàn, một chuyên gia trên thị trường BĐS , không thể phủ nhận có thời điểm BĐS "chia lửa" với thị trường vàng và chứng khoán. Song đó đa phần là ngắn hạn, trong trung và dài hạn nhà đầu tư từ chứng khoán, vàng có thể chốt cả vốn lẫn lời để đổ toàn bộ hoặc một phần về BĐS tìm kiếm kênh trú ẩn an toàn, giúp thị trường sôi động trở lại.