Nhà đầu tư có vốn mỏng, chỉ vài trăm triệu lựa chọn về quê đầu tư đất. (Ảnh: Minh Thư) |
Dù ở thời điểm hiện tại, những “cơn sốt” đất đã tạm lắng nhưng mặt bằng giá vẫn rất cao, đặc biệt là tại khu vực ven Hà Nội.
Tại một số huyện ở Hà Nội như Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì... giá đất chào bán vẫn khá cao. Ở Đông Anh, đất mặt tiền Tiên Hội, Đông Trù (Đông Hội, Đông Anh) giá rao bán là 55-70 triệu đồng/m2. Đất Vân Canh, gần đường vành đai 3,5 giá cũng chạm mức 70-90 triệu đồng/m2.
Tại huyện Thanh Trì, đất mặt đường khu vực thị trấn Văn Điển hay khu vực Ngọc Hồi, giá đất trên dưới mức 100 triệu đồng/m2; trong ngõ, đất làng cũng từ 30-50 triệu đồng/m2, tùy khu vực.
Sau cơn sốt đất, nhiều nơi thiết lập mặt bằng giá đất cao, những nhà đầu tư vốn mỏng đã chuyển hướng đầu tư mua đất ở quê khi chỉ có vài trăm triệu đến 1 tỷ đồng.
Anh Nguyễn Văn Quang (quê ở Ý Yên, Nam Định) hiện đang làm việc ở Hà Nội, cho biết, sau bao năm miệt mài lao động, vợ chồng anh tích cóp được khoảng 800 triệu đồng, số tiền này không đủ để vợ chồng anh có thể mua mảnh đất ưng ý ở Hà Nội nên anh đã chuyển hướng “găm” tiền vào đất ở quê.
Theo đó, sau khi có thông tin ở quê đấu giá một số lô đất, anh đã về tham gia và kết quả đã mua được mảnh đất rộng 100m2 với giá 700 triệu đồng. Anh Quang dự tính, trước mắt sẽ trồng rau sạch, cây ăn quả tại mảnh đất này.
Tương tự như anh Quang, chị Thu An (Hà Nội) có trong tay 600 triệu đồng, sau khi tìm hiểu vài mảnh đất ở vùng ven Hà Nội, chị thấy cơ hội mua được mảnh đất nơi đây là hơi quá sức, muốn mua được thì buộc phải thêm vốn vay ngân hàng nên đã quyết định tìm hiểu đất ở quê tại Kỳ Anh (Hà Tĩnh).
Nhờ người nhà để ý và tìm giúp trước, sau đó chị mới về tận mắt xem xét lại và đã nhanh chóng xuống tiền chốt mua mảnh đất 150m2 với giá 450 triệu đồng. Mảnh đất chị An mua gần trường học, cơ sở hạ tầng đường giao thông đi lại rất thuận tiện.
Sau khi tìm hiểu, chị An thấy không chỉ các xã ở huyện Kỳ Anh mà đất tại các vùng nông thôn khác ở Hà Tĩnh như Thạch Hà, Nghi Xuân, Can Lộc… giá đất vẫn còn rất rẻ và những người có số vốn hạn hẹp như chị có thể đầu tư.
Chị An xác định, chị mua đất như một món của để dành, đầu tư dài hạn thích thì trồng cây, dựng căn nhà nhỏ để có thể bất cứ lúc nào cũng có thể về nghỉ ngơi, thay đổi không khí...
Bất động sản vẫn là một kênh hấp dẫn nhưng thay vì các sản phẩm đất nền thuần túy, sau những cơn sốt đất nhà đầu tư sẽ xem xét lại các khoản mục đầu tư và ưu tiên bỏ tiền vào các bất động sản vừa để sử dụng khai thác, vừa có thể gia tăng giá trị.
Bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc cấp cao, Bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội nhận định, nhìn từ thực tế trước đây, khi sốt đất lắng xuống, các khu vực có hoạt động tăng giá ảo sẽ dần nguội lạnh. Lúc này nhà đầu tư sẽ phải có sự điều chỉnh phù hợp và không thể đi trên con sóng cao để nhận lại nhiều rủi ro.
Ngoài ra, dòng tiền hiện nay vào bất động sản đang bị kiểm soát, quy định đầu tư vốn ngắn hạn, dài hạn và một số công cụ khác về quản lý các hoạt động kinh doanh nhà đất cũng gắt gao hơn.
Theo bà Hằng, nhà đầu tư nên cân nhắc những khu vực mà đất hoặc bất động sản kèm đất có thể đưa vào khai thác sử dụng. Còn nếu đầu tư theo hướng “để đấy” hoặc đầu tư mang tính chất đám đông có tính dài hạn thì cũng không phải là giải pháp hợp lý.
“Suy cho cùng, điều này không đảm bảo lợi nhuận theo mong muốn, mặt khác dễ dẫn đến bị vốn ứ, tiền đọng. Thanh khoản của một số khu vực không cao, sẽ dẫn đến áp lực của việc sử dụng vốn cũng không hiệu quả. Hiện các nhà đầu tư phải tự điều chỉnh hoạt động đầu tư trong thời gian ngắn hạn và trung hạn, ít nhất là trong năm nay”, bà Hằng cho hay.