Theo báo cáo tháng 7 của DKRA về tình hình đất nền ở TP Hồ Chí Minh và vùng phụ cận (gồm Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Tây Ninh), nguồn cung đất nền mới có sự khởi sắc so với tháng trước nhưng giảm mạnh 87% so với cùng kỳ năm 2022, tức đạt 108 nền. Trong đó, Bình Dương dẫn đầu - chiếm 54% tổng nguồn cung toàn thị trường với 58 nền. Xếp hạng sau là Đồng Nai và Long An lần lượt chiếm 28% và 18% nguồn cung mới.
Giá bán nguồn cung mới theo địa phương cao nhất ở Long An với 37,4 triệu đồng/m2, và thấp nhất ở Đồng Nai là 11,8 triệu đồng/m2. Giá thấp nhất ở Long An là 18,3 triệu đồng/m2, trong khi ở Đồng Nai cao nhất chỉ có 14,5 triệu đồng/m2. Tại Bình Dương, giá bán cao nhất và thấp nhất lần lượt là 16 triệu đồng/m2 - 15,4 triệu đồng/m2.
Mặt bằng giá sơ cấp giảm trung bình 4% - 6% so với lần mở bán trước đó (3 - 6 tháng). Các chính sách như chiết khấu thanh toán nhanh, cam kết mua lại,... tiếp tục được các chủ đầu tư áp dụng nhằm kích cầu thị trường, mặc dù vậy thanh khoản vẫn rất trầm lắng.
Giá bán thứ cấp ghi nhận giảm trung bình 2% - 4% so với tháng trước, trong đó những sản phẩm đầy đủ pháp lý "sổ hồng trao tay" được triển khai bởi những chủ đầu tư uy tín,... được khách hàng ưu tiên lựa chọn.
Tuy nhiên, dự báo giao dịch đất nền trong tương lai, các chuyên gia cho rằng, đây là phân khúc nhận được nhiều sự quan tâm của giới đầu tư, dù sụt giảm sâu về giá bán và giao dịch.
Dự báo, mặt bằng giá sơ cấp không biến động so với 6 tháng đầu năm 2023, các chính sách chiết khấu cho phương án thanh toán nhanh được áp dụng nhằm kích cầu thị trường.
Sức cầu chung của thị trường dự kiến tăng nhẹ so với quý 2/2023, tuy nhiên khó có những đột biến trong ngắn hạn. Thanh toán thị trường thứ cấp ở mức trung bình, giao dịch phát sinh chủ yếu ở nhóm dự án đã hoàn thiện hạ tầng và pháp lý.
Theo DKRA, trước những tín hiệu tích cực về giảm lãi vay, động thái tháo gỡ khó khăn cho thị trường của Chính phủ,... dự kiến sẽ mang lại những khởi sắc cho thị trường bất động sản nói chung và phân khúc đất nền nói riêng.