Giá BĐS ngoại thành Hà Nội đang tăng "nóng" liệu có bất ngờ khựng lại, quay đầy giảm giá sau đề xuất này?

Sau đề xuất đánh thuế xe ô tô vào nội thành nhiều người lo ngại sẽ tạo thành đô thị nén tại khu trung tâm thủ đô và khiến giá đất ngoại thành giảm sức hút.

Mới đây, Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội đã thông tin chính thức về Đề án "Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông" để trình UBND thành phố Hà Nội. Theo đó, Hà Nội địa điểm sẽ lập 87 trạm thu phí phương tiện (ôtô) vào nội đô với  lộ trình triển khai từ nay đến năm 2024, thu phí xe vào nội đô từ năm 2025. 

Ranh giới để xác định khu vực thu phí được giới hạn bởi các đường: Vành đai 3 - Cầu Thanh trì - Pháp vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - Tây Hồ Tây - Võ Chí Công - Cầu Nhật Tân - Hoàng Sa - Trường Sa - Lý Sơn - Nguyễn Văn Linh - Vành đai 3.

Theo Sở GTVT, phí giảm ùn tắc giao thông là một loại phí mà người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (ô tô) phải trả khi đi vào khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông. Nhằm giảm lưu lượng xe ô tô đi vào góp phần giảm ùn tắc giao thông.

Giá BĐS ngoại thành Hà Nội đang tăng nóng liệu có bất ngờ khựng lại, quay đầy giảm giá sau đề xuất này? - Ảnh 1.

Theo đề án, Hà Nội dự kiến đặt trạm thu phí tại 68 vị trí và 87 trạm thu phí

Tuy nhiên, ngay sau khi đề xuất này được đưa ra đã gặp phải những ý kiến trái chiều từ dư luận. Theo TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia việc thu phí vào nội đô sẽ đi ngược chủ trương giãn dân mà chúng ta đang thực hiện. Nếu thu phí thì dân sẽ quay lại mua nhà bên trong thành phố, tập trung đông đúc thì còn gây ra những ảnh hưởng tiêu cực hơn.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện doanh nghiệp BĐS lớn đang phát triển hàng nghìn căn hộ chung cư các khu vực ngoài vành đai 3 Hà Nội cũng khẳng định từ trước đến nay Hà Nội đang thực hiện giãn dân ở khu trung tâm ra các đô thị vùng ven để giảm áp lực lên hạ tầng. Đề xuất đánh thuế người vào nội đô làm tăng áp lực nhà ở, hạ tầng, giao thông khu trung tâm Hà Nội vốn đã quá tải.

"Tôi đồng ý với việc đánh thuế vào nội đô, nhưng vấn đề chúng ta phải xác định được nội đô Hà Nội mở rộng là khu vực nào. Vành đai 3 cách đây 10 năm có thể xem là ranh giới giữa nội đô và ngoại thành. Nhưng với tốc độ đô thị hóa của Hà Nội hiện nay, chúng ta phải nhìn xa hơn là vành đai 3,5 thậm chí vành đai 4 mới thực sự là ranh giới nội đô", vị này cho biết.

Đứng ở góc độ người dân, chị Lan (Mỹ Đình) cho biết đề xuất này là quá vô lý. Chị Lan lấy ví dụ như Mỹ Đình đang là khu trung tâm mới, khu vực này đang phát triển rất mạnh với các tòa nhà văn phòng, khu chung cư sầm uất. "Tôi ở Mỹ Đình, hàng ngày sang khu Cầu Giấy đi làm, như vậy khi tôi vẫn phải đóng phí. Đó là điều phi lý!", chị Lan chia sẻ.

Trả lời câu hỏi, nếu đề xuất thu phí được thực hiện liệu chị có chuyển nhà vào nội đô để giảm chi phí đi lại hàng ngày, chị Lan nêu quan điểm rõ ràng rằng sẽ không chuyển nhà bởi lý do khu trung tâm giá nhà đắt đỏ cùng với đó môi trường sống chật chội. Trong trường hợp bất đắc dĩ, chị Lan cho hay vẫn chấp nhận đóng phí vào nội đô thay vì chuyển chỗ ở vào khu trung tâm ngột ngạt.

Còn theo quan điểm của anh Phan Lâm - Giám đốc một sàn BĐS tại Hà Đông cho biết với đề xuất này sẽ khiến nhu cầu vào nội đô ở tăng. Nhưng, bất hợp lý là số lượng người có thể mua được bất động sản ở trung tâm sẽ không nhiều, bởi giá đã quá cao, phần nữa vì nguồn cung khu vực trung tâm này hiện khan hiếm.

"Tôi cho rằng, đề xuất này sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến thị trường bất động sản. Ở khu vực nội đô giá đã rất cao và có thể chỉ tăng đôi chút chứ không thể tăng đột biến được. Còn ở khu vực từ vành đai 3 trở do giá thấp hơn nhiều, nhu cầu ở của người dân rất lớn giá cũng khó mà giảm được", anh Lâm khẳng định.

Trao đổi với chúng tôi, chị Liễu môi giới BĐS khu vực Sóc Sơn - Mê Linh - Hòa Lạc cho hay đề xuất đánh thuế vào trung tâm không ảnh hưởng quá nhiều đến tâm lý khách hàng mua nhà ngoại ô bởi khách mua nhà vườn hay biệt thự ngoại ô chủ yếu là các gia đình có điều kiện, họ mệt mỏi với cảnh đông đúc tấp nập khu trung tâm nên muốn mua căn nhà thứ hai vừa để đầu tư vừa đê nghỉ ngơi. Chính vì thế đề xuất thu phí dường như không phải là mối quan tâm của phân khúc khách hàng này. 

"Hà Nội đang phát triển rất nhanh. Người tăng nhưng đất không tăng. Chính vì vậy, nhu cầu mua đất vùng ven Hà Nội vào thời điểm nào cũng rất lớn. Mức giá trên thị trường cũng không vì thế giảm hoặc khựng lại do việc thu phí", chị Liễu cho hay.