Báo cáo tâm lý người tiêu dùng bất động sản Việt Nam đầu năm 2022 chỉ ra, nhu cầu sở hữu bất động sản của người Việt Nam rất cao, nhất là sau đại dịch Covid-19. Người có thu nhập càng cao, càng mong muốn có nhiều bất động sản.
Theo ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, đa số người dùng có ý định mua BĐS tại Việt Nam đều ưa chuộng tìm kiếm các dự án sơ cấp, chỉ khoảng 1/4 trong số đó cân nhắc các sản phẩm giao dịch thứ cấp. Hơn 50% người tham gia khảo sát có ý định mua bất động sản trong tương lai gần, tuy nhiên giá cả là trở ngại lớn nhất đối với người mua nhà tiềm năng.
“Giá bất động sản liên tục tăng cao trong bối cảnh nhiều người đang mất thu nhập, chịu ảnh hưởng tài chính vì Covid-19 là rào cản lớn nhất khiến nhiều người mua nhà tiềm năng phải gác lại ý định mua nhà, cũng như sở hữu thêm các bất động sản khác, dù có nhu cầu và kế hoạch từ trước đó.
Bên cạnh đó, lo ngại về biến động lãi suất vay mua nhà cũng như tâm lý bất an về thị trường trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp cũng khiến nhiều người mua thực và cả nhà đầu tư cân nhắc, đắn đo trong việc xuống tiền mua bất động sản” - ông Quốc Anh cho hay.
Ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường của Batdongsan.com.vn cho biết, việc giá bán tăng cao đã khiến nhiều người không thể tìm được sản phẩm bất động sản ở các khu vực họ mong muốn và phù hợp mức ngân sách dự kiến. Phần lớn nhóm đối tượng này là những người có nhu cầu mua nhà ở thực.
Đa số người được khảo sát đã nhận xét giá bán bất động sản tại Việt Nam hiện nay khá cao, vượt xa tầm thu nhập của người mua. Bất cập giá bán dẫn đến một tỷ lệ lớn người mua nhà tại Việt Nam cho rằng, giá bất động sản thiếu sự hợp lý và trở thành sản phẩm quá đắt đỏ với người lao động và không thể mua được nhà trong giai đoạn hiện nay.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, trong năm nay, đầu tư công sẽ được đẩy mạnh hơn, tạo động lực phát triển kinh tế tốt hơn, từ đó giúp thị trường bất động sản sẽ hưởng lợi. Giá trị bất động sản cũng được tăng thêm. Nhưng nguồn cung cho thị trường sẽ chưa được cải thiện nhiều vì việc sửa luật và quy định của luật không thể nhanh được.
“Thị trường BĐS nhà ở nhìn chung vẫn chịu áp lực tăng giá vì nguồn cung thấp, giá đất tăng do đền bù giải phóng mặt bằng, nguyên vật liệu và thiết bị, nhân công… Nguồn cung đất nền trên thị trường phần lớn không nằm ở các dự án được phê duyệt quy hoạch, mà chủ yếu ở các dự án đấu giá của địa phương và dự án tự phát của các nhà đầu tư nhỏ lẻ”, ông Đính cho biết.
Bên cạnh đó, lạm phát tăng cũng dấy lên lo ngại ảnh hưởng đến việc đầu tư bất động sản. Về vấn đề này, ông Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, khi xảy ra lạm phát sẽ ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động kinh tế và thu nhập của người dân. Do đó, dù là mua nhà để ở hay để đầu tư thì người mua cũng cần cần nhắc trong việc sử dụng đòn bẩy tài chính như biên độ kỳ vọng lợi nhuận, khả năng chi trả...
Tuy nhiên, ông Khương cho rằng, với những người có nhu cầu mua nhà ở thật và sử dụng ít đòn bẩy tài chính thì nên mua nhà trong giai đoạn này vì các lý do sau. Thứ nhất, đây là thị trường có kỳ vọng sẽ tăng trong thời gian tới nếu lạm phát hoặc chỉ số CPI tăng. Thứ hai, vấn đề quỹ đất và việc khó khăn trong thực hiện dự án mới ở các đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội cũng là đòn bẩy khiến giá bất động sản gia tăng.
#/gia-bat-dong-san-tang-phi-ma-nguoi-mua-nha-o-thuc-co-nen-mua-trong-luc-nay-20220309104152654.chn