Giá bất động sản đi ngang, nhà đầu tư tìm cách "thoát hàng"

Hai loại hình bất động sản có lượt tìm kiếm sụt giảm mạnh nhất Quý 2 là đất và đất nền dự án. So với đỉnh điểm tháng 3 và 4 thì giá đang đi ngang, tức đà tăng đã chững lại.

Giá bất động sản đi ngang, nhà đầu tư tìm cách thoát hàng  - Ảnh 1.

Thị trường bất động sản đang đối diện với "cơn bĩ cực"

Giá bất động sản đi ngang

Theo ghi nhận của Batdongsan.com.vn, tại Hà Nội, với loại hình căn hộ chung cư , giá rao bán trung bình theo tin đăng là 36 triệu/m2, đã không thay đổi so với tháng 5. Thời gian qua thị trường gần như không có dự án sơ cấp mở bán mới. Các căn hộ đang có tin đăng bán chủ yếu là căn hộ thứ cấp.

Hai loại hình có lượt tìm kiếm sụt giảm mạnh nhất quý 2 vừa qua là đất và đất nền dự án. So với đỉnh điểm tháng 3 và tháng 4 thì giá đang đi ngang.

Cũng theo Batdongsan.com.vn, loại hình nhà phố thương mại, shophouse, giá rao bán không chỉ chững mà còn giảm khá mạnh so với tháng 3 và tháng 4. Cụ thể giá rao bán loại hình này trong tháng 6 là 145 triệu/m2, giảm 12% so với tháng 5, giảm 10% so với tháng 4. Tuy nhiên nếu so với tháng 1 thì giá vẫn tăng khoảng 30%.

Nguồn cung shophouse chủ yếu đến từ một dự án khu đô thị của ông lớn bất động sản, có xuất hiện tình trạng đầu cơ thổi giá nên sau đó giá đã chững, không ít nhà đầu tư bị mắc kẹt dòng tiền tại đây.

Trong khi đó, ghi nhận thực tế, đại diện một số sàn bất động sản cũng cho biết nhiều nhà đầu tư đang có xu hướng thay đổi chiến lược từ tấn công hồi đầu năm sang phòng thủ. Họ có tâm lý lo ngại giá tài sản đi xuống, do đó với các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính đang tìm cách để ‘thoát hàng” sớm.

Nhà đầu tư Nguyễn Quang Thạch (36 tuổi, Hà Tĩnh) cho hay, từ cuối quý I/2022, anh đã cố gắng bán bớt hàng và cơ cấu lại danh mục sở hữu. Hiện tại, nhà đầu tư chấp nhận lãi ít và giữ tiền mặt để “chờ thời”.

Tương tự, anh Tuấn (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng chia sẻ việc ngân hàng kiểm soát tín dụng hoặc hết room cho vay đến thanh khoản trên đà giảm đều gây bất lợi cho thị trường địa ốc. Anh cũng mang tâm lý lo ngại giá bất động sản sẽ giảm trong cuối năm nay nên không dám “ôm” nhiều quỹ đất.

Trong khi đó, chia sẻ gần đây, TS Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia đưa ra nhận định đang có nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, tăng trưởng kinh tế cao, lãi suất tăng ít. Ông Nghĩa cũng đưa ra nhận định giá bất động sản có thể giảm 30% và sau đó có thể phục hồi trở lại.

Cần chính sách hỗ trợ

Trước bối cảnh thị trường nhiều trầm lắng, TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho rằng cần chính sách hỗ trợ để quá trình tái cân bằng của thị trường diễn ra "mềm mại" hơn.

Giá bất động sản đi ngang, nhà đầu tư tìm cách thoát hàng  - Ảnh 2.

Khơi thông nguồn vốn và pháp lý là vấn đề cấp bách cho thị trường bất động sản vượt qua khó khăn

Ông Đính thừa nhận giá bất động sản liên tục tăng, cấu trúc thị trường phân bổ mạnh vào bất động sản đầu cơ, giá cao. Dòng tiền đổ mạnh cho nhu cầu trú ẩn và đầu cơ, nhiều hơn phục vụ nhu cầu thực. Sự phân ly mạnh mẽ giữa giá đất nền và giá căn hộ.

Tuy nhiên, khi thị bất động sản đang trải qua thời kỳ tái cân bằng giá nhà sẽ chịu áp lực tăng do chi phí tăng, lạm phát, nhu cầu nhà ở cao và nguồn cung thấp tiếp tục khiến chi phí tăng vọt. Thanh khoản sẽ giảm, dòng tiền dễ không còn. Các nhà đầu tư cũng có xu hướng cho dòng tiền nghỉ ngơi và trở nên thận trọng hơn.

“Nếu không được tháo gỡ, có thể có một giai đoạn đóng băng dài và gây đổ vỡ cho các doanh nghiệp", ông Đính nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Vũ Văn Thành, Chủ tịch VNGroup cũng cho rằng không chỉ các khách hàng, chủ đầu tư bất động sản cũng đang đối diện rất nhiều rủi ro trong thời gian vừa qua.

"Doanh nghiệp bất động sản hiện đang chịu những rủi ro rất lớn cả chủ quan và khách quan đặc biệt rủi ro về pháp lý dự án. Khơi thông nguồn vốn và pháp lý là vấn đề cấp bách để thị trường bất động sản vượt qua thời gian khó khăn này" - ông Thành đề xuất.