Gấp Rút Triển Khai, Hạ Tầng Khu Nam TP.HCM Sớm “Về Đích”

Sở hữu vị trí chiến lược về phát triển kinh tế TP.HCM với các tỉnh Đông – Tây Nam Bộ như Long An, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, các quận huyện khu Nam Sài Gòn ghi nhận dự án hạ tầng liên tiếp “chốt sổ” đi vào hoạt động và nhiều dự án đang triển khai đồng bộ.
Nhiều Dự Án Hạ Tầng Đã Và Đang Triển Khai Gấp Rút
Khu Nam Sài Gòn gồm quận 7 và Nhà Bè, loạt dự án hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy; hạ tầng y tế – giáo dục được đầu tư liên tục trong 02 năm gần đây.
Về hạ tầng giao thông, trước đó, năm 2022 khu vực này đã hoàn tất mở rộng đường Nguyễn Văn Linh lên 10 làn xe. Tháng 9/2023, cầu Long Kiểng (xã Nhơn Đức, Nhà bè) nằm trên trục đường Lê Văn Lương, nối giữa đường Nguyễn Văn Linh (quận 7) và cụm cảng khu công nghiệp Hiệp Phước (Nhà Bè) chính thức đi vào hoạt động. Trong tháng 03/2024, Nhà Bè có thêm tuyến đường thủy kết nối trực tiếp địa phương này với địa danh du lịch nổi tiếng Côn Đảo. Tuyến tàu cao tốc TP.HCM – Côn Đảo xuất phát từ cảng Sài Gòn Hiệp Phước có sức chở hơn 1.000 khách/chuyến, thời gian hành trình khoảng 5 giờ với cự ly 230km.
Cầu Long Kiểng có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế – xã hội xã Nhơn Đức, Nhà Bè.
Tiếp theo đó, công trình hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ đã chính thức đóng nút giao thông này từ 8/2/2024 để tập trung toàn lực thi công, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án. Trước đó công trình này gặp khó khăn vì không có mặt bằng thi công nên chậm tiến độ. Đồng thời việc thi công kéo dài cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại từ Nhà Bè đi các quận trung tâm và ngược lại. Mới đây nhất, cầu Nguyễn Khoái nối liền 3 quận 7, 4, 1 có vốn đầu tư 3.700 tỷ đồng cũng đang chuẩn bị thu hồi đất để triển khai với diện tích 1,7ha.
Các dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành, cầu Cần Giờ kết nối huyện Nhà Bè với huyện Cần Giờ và các tỉnh Đông, Tây Nam Bộ; mở rộng các đường Nguyễn Hữu Thọ (60m), Lê Văn Lương (40m); cầu bắc qua kênh Cây Khô, cầu Phước Long, cầu Rạch Đĩa, cầu Rạch Tôm, cũng sẽ sớm được triển khai.
Nút giao thông Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ đã chính thức đóng nút giao thông này từ 8/2/2024 để tập trung toàn lực thi công
Cụm cảng Hiệp Phước là nơi hội tụ 4 cảng lớn: Cảng container quốc tế SPTC, cảng Sài Gòn – Hiệp Phước, Tân Cảng Hiệp Phước, cảng quốc tế Long An, được quy hoạch là Trung tâm kho vận Logistics, trung tâm thông thương hàng hóa lớn nhất khu vực sẽ có thêm các tuyến đường sắt chuyên dụng nối từ đường sắt quốc gia để phục vụ giao thương và vận chuyển hàng hóa.
Về hạ tầng y tế – giáo dục, trên địa bàn Nhà Bè đã có Bệnh viện Đa Khoa và có thêm các trường Đại học lớn: Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao và Đại học Mở TP.HCM cũng đang trong quá trình hoàn thiện xây dựng. Trong đó, đầu tháng 9/2023, trường Đại học Mở đã chính thức di dời 4.000 sinh viên về đây để sinh hoạt và học tập.
“Hạ tầng khu Nam nói chung, Nhà Bè nói riêng với tốc độ triển khai, quyết tâm hoàn thành cao như hiện tại, mặt bằng kinh tế – xã hội tại khu Nam sẽ sớm thay da đổi thịt ngoạn mục trong 3-5 năm tới”, Tiến sĩ Trần Nguyễn Minh Hải – Chuyên gia Địa ốc Đại học Ngân hàng TP.HCM nhận định.
Nhà Bè Đầu Tư Hạ Tầng Theo Đúng Thế Mạnh, Đúng Định Hướng
Tháng 11/2023 UBND Nhà Bè tổ chức hội nghị mời gọi đầu tư với chủ đề “Đầu tư – xây dựng huyện Nhà Bè trở thành thành phố thuộc TP.HCM theo hướng phát triển bền vững”. Nổi bật trong đó là các dự án về phát triển hạ tầng cảng biển, dịch vụ logistics, các khu đô thị, khu dân cư, văn hóa, giáo dục, y tế và du lịch. Lãnh đạo huyện Nhà Bè khẳng định không kêu gọi đầu tư bằng mọi giá, mà cần đúng lĩnh vực tiềm năng thế mạnh, đúng định hướng.
Trong khi các dự án hạ tầng giao thông liên quan đến chính sách giải ngân đầu tư công, các dự án phát triển đô thị tập trung vào thu hút các dự án khu dân cư. Mục tiêu Nhà Bè đáp ứng sớm nhu cầu an cư tại chỗ và làn sóng di cư từ khu vực trung tâm, các quận huyện đã quá tải quy hoạch dân cư. Kèm theo là định hướng phát triển du lịch sinh thái, Nhà Bè chú trọng các dự án cao tầng để đáp ứng nhu cầu an cư nhưng vẫn không ảnh hưởng lớn đến thiên nhiên hiện có của địa phương.
Nhà Bè chú trọng kêu gọi đầu tư vào đúng tiềm năng đúng định hướng để phát triển nhanh nhưng bền vững.
“Do thói quen sinh hoạt đã hiện hữu và định hướng phát triển bền vững, làn sóng phát triển kinh tế – xã hội tại Nhà Bè vẫn sẽ tập trung chính trên các tuyến đường gồm Lê Văn Lương, Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Bình, Nguyễn Văn Tạo, Huỳnh Tấn Phát là chủ yếu”, TS Trần Nguyễn Minh Hải đánh giá.
Trong đó, trục đường Lê Văn Lương nối liền giữa cảng Hiệp Phước và quận 7, sau khi cầu Long Kiểng chính thức đi vào hoạt động 09/2023 giúp thông thương hàng hóa và kết nối giao thông thuận tiện giữa phía Nam Nhà Bè với quận 7 và trung tâm TP.HCM. Năm 2024 được nhận định sẽ là năm chứng kiến những phát triển vượt trội ở 2 đầu cầu Long Kiểng nói riêng và trục đường Lê Văn Lương nói chung.
Huỳnh Như