Khảo sát cho thấy, mức lãi suất của các ngân hàng cho vay mua đất, nhà đất, chung cư đang có nhiều ưu đãi dành cho người vay.
Điển hình như, tại ngân hàng Wooribank, lãi suất cho vay mua bất động sản chỉ từ 6,1-6,3%/ năm đầu tiên. Từ năm thứ 2, mức lãi suất của ngân hàng này áp dụng bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm trung bình của 4 ngân hàng quốc doanh cộng với biên độ 2,3%. Theo tính toán hiện tại, mức lãi suất từ năm thứ 2 mà ngân hàng Wooribank áp dụng chỉ khoảng gần 8%/năm. Thời gian tối đa khách hàng có thể đăng ký vay là 30 năm với số tiền lên đến 80% giá trị tài sản đảm bảo.
Trong khi đó, ngân hàng Shinhan Bank cũng tung ra lãi suất ưu đãi cho vay mua nhà. Cụ thể, nếu lãi suất cố định 1 năm là 6,2%; lãi suất cố định 3 năm là 7,6% và lãi suất cố định 5 năm là 7,8%. Những năm sau, Shinhan Bank áp dụng lãi suất thả nổi với biên độ khoảng 0,6%.
Tại ngân hàng Pvcombank, mức lãi suất ưu đãi 6 tháng đầu là 5%/năm và từ tháng thứ 7 trở đi, mức lãi suất áp dựng ở mức 12%/năm.
Mức lãi suất cho vay mua bất động sản tại nhiều ngân hàng đang ưu đãi khiến không ít nhà đầu tư nhận định: "Đây là cơ hội tốt để vay, đầu tư bất động sản". Họ cho rằng, những nhà đầu tư vốn thấp có thể sử dụng đòn bẩy tài chính. Bởi nếu, so với giá đất tăng nhanh như những năm qua thì chi phí dành cho lãi suất không đáng kể.
(Ảnh minh hoạ)
Chưa kể, thời điểm hiện tại sau dịch, người mua nên xuống tiền sớm để đón cơ hội sinh lời khi sốt đất đến.
Chia sẻ về việc có nên vay mua đất khi lãi suất đang rẻ như hiện tại, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong đầu tư bất động sản, nếu lãi suất thấp sẽ giúp tăng giá trị đầu tư, nhất là nhóm mua căn hộ, nhà phố để cho thuê. Tuy nhiên, theo TS. Đinh Thế Hiển, hiện tại, lãi suất cho vay khoảng 8-10% so với thời điểm trước là đang rẻ, nhưng so sánh với các mối tương quan thì nó không hề rẻ, mà đang ở mức trung bình cao.
Phân tích sâu hơn, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, với nhà đầu tư bất động sản, nếu khoản vay vài trăm triệu trở xuống thì lãi suất 8 - 10%/năm là hợp lý. Họ có thể gồng để trả góp dần dần.
Nhưng với nhà đầu tư vay tầm vài tỷ sẽ thấy có áp lực, còn nhà đầu tư vay vài chục tỷ trở nên thì cực kỳ áp lực. Chỉ cần thị trường đóng băng 2, 3 năm, vốn chính chủ sẽ bị sụt giảm vì chi phí lãi vay, tất nhiên trừ khi bất động sản tăng giá tốt.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, với nhà đầu tư vay vừa phải thì lãi suất này khá lý tưởng. Nhưng nó không hề rẻ như nhiều người nhận định khi với nhà đầu tư cá nhân vay vốn lớn từ chục tỷ trở lên để đầu tư vào đất.
"Nhiều người kỳ vọng vay khá lớn, thời gian dài từ 10 năm để chờ Chính phủ cung tiền tạo lạm phát cao khiến khoản vay trở lên rẻ so với bất động sản đã đầu tư. Tuy nhiên cho dù điều đó xảy ra thì CPI tăng, lãi suất cũng tăng cao như giai đoạn 2011 – 2012. Khi đó mức tăng giá bất động sản có thể không gánh nổi lãi suất tăng. Nếu nhà đầu tư bán đi tất toán thu lời có thể rơi vào thời điểm thị trường không tốt. Tình trạng kẹt hàng xảy ra vì đơn giản lúc đó ai cũng có đất và có nợ lớn.
Do vậy, việc đầu tư bất động sản là dựa trên năng lực tài chính của mình, khả năng chọn lọc thị trường và chốt được mảnh đất tốt dựa trên nhiều yếu tố; chứ không nên mua bất động sản vì tin rằng lãi suất đang rẻ", ông Hiển nhấn mạnh.