Hàng loạt khu công nghiệp lớn tại Long An khởi công
Theo ghi nhận, ngay sau thời điểm giãn cách xã hội được nới lỏng vào cuối tháng 4/2020, nhiều doanh nghiệp đã tiến hành khởi công khu công nghiệp (KCN) quy mô lớn tại Long An. Động thái này nhằm đón làn sóng dịch chuyển, mở rộng sản xuất của các NĐT nước ngoài.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và Covid-19 khiến các công ty phải đa dạng hóa quy trình sản xuất và chuyển dời nhà máy khỏi Trung Quốc. Việt Nam được xem là điểm đến tiềm năng cho các doanh nghiệp trong tương lai. Theo các chuyên gia trong ngành, đây được xem là cơ hội để Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Các thị trường có lợi thế về BĐS công nghiệp như Long An, Bình Dương, Đồng Nai được gọi tên khá nhiều ở thời điểm này trước làn sóng dịch chuyển sản xuất.
Mới đây nhất, Công ty Cổ phần Đầu tư Tân Thành Long An đã khởi công dự án KCN Việt Phát tại Long An với quy mô 1.800 ha. Dự án được chủ đầu tư quy hoạch theo mô hình kết hợp giữa khu công nghiệp và khu đô thị. Cụ thể, diện tích đất dành cho khu công nghiệp là 1.200ha và phần đất còn lại dành cho phát triển đô thị.
Trước đó không lâu, giai đoạn 3 của Khu công nghiệp Đức Hòa III - SLICO do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Sài Gòn - Long An làm chủ đầu tư cũng được khởi công xây dựng tại Long An với tổng diện tích hơn 195 ha.
Có lợi thế giáp ranh Tp.HCM, BĐS nhà ở Long An được được hưởng lợi từ làn sóng BĐS công nghiệp
Long An vốn có lợi thế là giáp ranh Tp.HCM, nơi đây đã tập trung hàng loạt KCN quy mô lớn như KCN Hải Sơn, KCN Đức Hòa, KCN Xuyên Á, KCN Tân Đức, KCN Đức Hòa Đông, KCN Thái Hòa… Chính lợi thế này đã và đang khiến thị trường BĐS khu vực này hút dòng tiền của người mua suốt thời gian qua. Quỹ đất rộng, mặt bằng giá đất còn thấp, hạ tầng giao thông đồng bộ... là những ưu thế giúp Long An trở thành "thủ phủ mới" về BĐS công nghiệp.
Trước đó, đại diện JLL Việt Nam cho rằng, trong xu hướng bùng nổ của ngành BĐS khu công nghiệp tại Việt Nam, Long An được xem là lựa chọn mới bên cạnh 2 thủ phủ công nghiệp truyền thống là Bình Dương và Đồng Nai.
Thời cuối năm 2019, trên địa bàn tỉnh Long An có 31 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp Việt Nam với tổng diện tích gần 11.400 ha. Trong đó đã có 16 khu công nghiệp đang hoạt động, với tỷ lệ lấp đầy lên đến 85,26%. Các khu công nghiệp của tỉnh đã thu hút được 1.511 dự án đầu tư, trong đó có 722 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 4,14 tỉ USD và 789 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 83.637 tỉ đồng.
Bên cạnh các khu công nghiệp, Long An cũng có tới 62 cụm công nghiệp với diện tích 3.106 ha, trong đó có 22 cụm hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt 86,55%, thu hút 544 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 15.600 tỉ đồng
Sắp tới đây, ban lãnh đạo tỉnh còn có kế hoạch phát triển thêm 800 ha đất dành cho công nghiệp. Điều này sẽ kéo theo làn sóng đầu tư mạnh mẽ của nhiều tập đoàn công nghiệp, sản xuất đến mở nhà máy, kho xưởng,… lực lượng lao động tiếp tục tăng mạnh. Cuộc đổ bộ của những ông lớn ngành BĐS tìm về Long An khai thác dự án gần các khu công nghiệp là điều khó tránh khỏi.
Nhà đầu tư vào "đón sóng"
Động thái "sóng" BĐS công nghiệp tại Long An đã tác động rõ nét đến hoạt động mua bán BĐS nhà ở tại thị trường này. Theo các chuyên gia, nhu cầu nhà ở sẽ tăng mạnh nhằm phục vụ các khu công nghiệp và chiến lược giãn dân của Tp.HCM đã "kích hoạt" một dòng vốn lớn đổ vào BĐS Long An. Nhiều NĐT nhìn thấy tiềm năng của thị trường và vào đón sóng ở thời điểm này, chờ cơ hội trong trung – dài hạn.
Bên cạnh các thị trường vệ tinh Tp.HCM phát triển lâu năm như Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hòa thì Cần Đước đang là một trong các điểm sáng về BĐS của Long An khi nhiều doanh nghiệp đang tấn công thị trường này, cùng với đó làn sóng NĐT cá nhân tìm kiếm BĐS Cần Đước cũng rõ nét trong những năm gần đây. Mặt bằng giá còn mềm, dư địa tăng giá còn lớn chính là lý do khiến "sóng" BĐS nhà ở đang có xu hướng dồn về khu vực này.
Ghi nhận cho thấy, hiện tại, một số doanh nghiệp đang "manh nha" nguồn cung mới tại Cần Đước với giá còn khá mềm so với các khu vực khác, dao động từ khoảng 18-20 triệu đồng/m2, với đa dạng loại hình từ nhà phố, biệt thự, đất nền đến shophouse. Trong đó, có một số dự án quy mô lớn được đầu tư bài bản từ hạ tầng đến tiện ích nội khu, gây được sự chú ý của giới đầu tư địa ốc. Trong đó, phần lớn các NĐT đến từ Tp.HCM.
Thực tế, BĐS Cần Đước đã có thời điểm "nóng sốt" do nhu cầu mua đất nền nơi đây tăng cao. Mặt bằng giá khu vực này tăng trung bình mỗi năm từ 15-20%, với những dự án được đầu tư hạ tầng bài bản mức độ tăng giá có thể cao hơn. Trước đó, nhiều NĐT cá nhân đã có được biên lợi nhuận tốt khi đầu tư BĐS khu vực này. Tuy vậy, thời điểm đó hầu hết là loại hình đất thổ cư trong dân. Làn sóng BĐS thực sự "tăng nhiệt" tại thị trường này khi một số ông lớn kéo về phát triển dự án quy mô, với đa dạng loại hình sản phẩm.
Theo các chuyên gia, dù dịch Covid-19 đang tác động đến hoạt động mua bán của thị trường địa ốc nói chung nhưng sự quan tâm của người mua đến BĐS vẫn còn rất lớn. Dù nguồn cung ở cả Tp.HCM và các tỉnh lân cận đang ở mức "báo động" nhưng tỉ lệ hấp thụ của một số thị trường vẫn khá tốt, đặc biệt ở loại hình sản phẩm đáp ứng nhu cầu ở thực, giá còn mềm.
Với những khu vực giáp ranh Tp.HCM, lợi thế đang rõ nét hơn cả khi kéo được lượng người mua là người Tp.HCM, đầu tư trong trung – dài hạn. Thực tế, xu hướng dịch chuyển dòng vốn về các thị trường vệ tinh Tp.HCM đã hình thành từ trước và nay càng mạnh hơn do giao thông hạ tầng kết nối tốt hơn. Thế nên, ở những vùng đất đang trên đà phát triển, có lợi thế về quỹ đất rộng, giá còn mềm lực hút với cả doanh nghiệp lẫn NĐT cá nhân là khá lớn.