Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, tính đến cuối tháng 9/2023, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS) đạt khoảng 2,75 triệu tỷ đồng (chiếm 21,51% tổng dư nợ nền kinh tế), tăng 6,75% so cuối 2022.
Trong đó, tín dụng phục vụ mục đích kinh doanh BĐS chiếm tỷ trọng 36%, tăng 22% so với cuối năm trước. Còn tín dụng phục vụ mục đích tiêu dùng, tự sử dụng BĐS chiếm 64%, giảm 0,7%.
Theo NHNN, tín dụng dành cho các chủ đầu tư tăng mạnh là nhờ các giải pháp của ngành ngân hàng, của Chính phủ và các bộ ngành liên quan trong thời gian vừa qua đã bắt đầu phát huy tác dụng, qua đó tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho các dự án BĐS nói chung và phân khúc nhà ở xã hội nói riêng.
Như vậy, xét theo tỷ trọng nói trên, đến cuối tháng 10 , khoản tín dụng mà các ngân hàng cấp cho các chủ đầu tư dự án đạt xấp xỉ 1 triệu tỷ đồng . So với cuối năm 2022, cả tỷ trọng và quy mô của phân khúc này đều tăng mạnh. Cuối năm trước, quy mô cho vay kinh doanh bất động sản đạt khoảng 803.000 tỷ đồng, chiếm 31% tín dụng cho lĩnh vực BĐS.
Trước đó, kết quả khảo sát về mức độ tác động của các cơ chế, chính sách, khảo sát của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực BĐS bắt đầu xuất hiện những tín hiệu tích cực. Điển hình là việc nhiều doanh nghiệp đã thành công trong việc tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, và bắt đầu triển khai các dự án mới đã được tháo gỡ về pháp lý và nguồn vốn.
Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như việc gặp khó khăn về giao dịch, tiếp đến là khó khăn về pháp lý đất đai, và vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng áp lực thanh toán nợ trái phiếu đến hạn....
Trong khi đó, các chuyên gia nhận định, từ cuối năm 2023 đến nay, nhiều doanh nghiệp địa ốc công bố được ngân hàng giải ngân hoặc cam kết tài trợ vốn triển khai dự án với số tiền lớn...