Dự báo làn sóng "bỏ phố về quê" do đại dịch, chuyên gia khuyên nhà đầu tư lưu ý tiềm năng của bất động sản Long An và ĐBSCL

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng là hai thị trường được đánh giá sẽ mang đến nhiều cơ hội sáng giá cho các nhà đầu tư nhanh nhạy.Trong những năm gần đây, hai khu vực nêu trên đã trở thành điểm đến lý tưởng và được ưa chuộng của giới đầu tư bất động sản.

Đánh giá về cơ hội phát triển bất động sản của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (trong đó có ĐBSCL) so với cả nước tại Tọa đàm trực tuyến "Đón đầu bất động sản Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long", TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: "Chính phủ rất quan tâm tới sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây là nơi hấp thụ và tích tụ nguồn vốn FDI nhiều nhất trong cả nước".

Theo chuyên gia, khu vực ĐBSCL chiếm phần lớn nguồn vốn đầu tư của nhà nước trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, hơn 50.000 tỉ đồng chiếm 20% tổng vốn đầu tư của ngành giao thông vận tải, tính đến cuối tháng 4/2021, trong tổng số 12,25 tỷ USD vốn FDI đầu tư vào Việt Nam thì Long An và Cần Thơ chiếm gần 38%.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp, nguồn nhân lực càng có xu hướng rời phố về quê. Trong bối cảnh đó, TS Nguyễn Trí Hiếu lưu ý về việc cần đầu tư vào Long An vì đây là địa phương tiếp giáp với TP.HCM và ngày càng có nhiều khu công nghiệp, khu dân cư có tiềm năng phát triển mạnh hơn so với các tỉnh còn lại của ĐBSCL.

Trong thời gian qua, các địa phương thuộc ĐBSCL được đầu tư khu công nghiệp, khu du lịch trong đó Phú Quốc là rõ nét nhất. Sự kết nối của hệ thống hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác, đây chính là lợi thế nền tảng để các doanh nghiệp vào đầu tư.

Dự báo làn sóng bỏ phố về quê do đại dịch, chuyên gia khuyên nhà đầu tư lưu ý tiềm năng của bất động sản Long An và ĐBSCL - Ảnh 1.

Những năm gần đây, khu công nghiệp hình thành khiến cho lực lượng nông dân ngày càng ít đi, công nhân nhiều hơn, nhu cầu học tập để nâng cao tay nghề cũng ngày một nhiều, trình độ tri thức của người dân cũng thay đổi, dẫn đến việc tạo dựng những khu dân cư mới với môi trường sống mới có đầy đủ tiện nghi hơn…

Đi liền với quá trình đô thị hóa, các loại đất không phải đô thị đều có xu hướng chuyển dịch thành các loại đất đô thị, đây chính là động lực cho nguồn cung trên thị trường bất động sản vùng ĐBSCL. Đặc biệt là các khu vực đô thị ven đô.

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, TS Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận ĐBSCL còn có những bất lợi như: Hệ thống kênh rạch, sông ngòi chằng chịt khiến quá trình đô thị hóa và xây dựng khu công nghiệp gặp nhiều khó khăn, cần phải quy hoạch lại toàn bộ hệ thống giao thông, xây rất nhiều cầu cống mới có thể đáp ứng được điều kiện cơ sở hạ tầng tại đây.