Cụ thể, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) tỉnh Bình Thuận cho biết, thời gian qua, thị trường nhà ở và bất động sản trên địa bàn tỉnh có nhiều thay đổi, chuyển biến tích cực; môi trường đầu tư được cải thiện, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn triển khai các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng kinh doanh bất động sản.
Tuy nhiên, tình trạng các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp vi phạm quy định pháp luật vẫn xảy ra như: quảng cáo, rao bán, đặt chỗ, giữ chỗ, huy động vốn không phù hợp quy định pháp luật, gây mất trật tự và làm xáo trộn thị trường...
Tình trạng này gây khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước, tiềm ẩn yếu tố rủi ro ảnh hưởng đến thị trường bất động sản; ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, phát sinh nhiều đơn thư phản ánh, khiếu nại, khởi kiện.
Hiện đa số dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị và du lịch nghỉ dưỡng có kết hợp kinh doanh bất động sản tại tỉnh Bình Thuận đều đang trong giai đoạn thực hiện các thủ tục đầu tư; chưa hoàn thiện các thủ tục liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa xây dựng nhà, công trình xây dựng; chưa được cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về xây dựng, tài nguyên và môi trường kiểm tra, thông báo đủ điều kiện đưa vào kinh doanh.
"Nhưng các chủ đầu tư, đơn vị phân phối, môi giới bất động sản đã tổ chức huy động vốn, mua bán nhà ở hình thành trong tương lai khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thông qua các hình thức: giữ chỗ, đặt chỗ, đăng ký vị trí để thu tiền của người mua....
Chủ đầu tư, đơn vị phân phối chưa thực hiện việc bảo lãnh huy động vốn theo quy định; hình thức công khai thông tin về bất động sản đưa vào kinh doanh không phù hợp với quy định; công tác quảng cáo, giới thiệu sản phẩm trong dự án bất động sản chưa đúng với quy hoạch xây dựng; thiết kế công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt; việc huy động vốn, sử dụng vốn huy động chưa công khai, minh bạch, số liệu báo cáo chưa đầy đủ, chính xác", văn bản của Sở KHĐT Bình Thuận nêu.
Sở KHĐT Bình Thuận nhấn mạnh, việc xử lý các dự án “ma” thuộc trách nhiệm của Sở Xây dựng và UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quản lý Nhà nước về xây dựng, quy hoạch, kinh doanh bất động sản.
" Các dự án bất động sản đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật được đăng tải thông tin công khai trên trang thông tin điện tử của Sở Xây dựng (http://sxd.binhthuan.gov.vn). Người dân, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ thông tin khi có nhu cầu giao dịch bất động sản, tránh bị các đối tượng xấu lừa đảo.
Ngoài ra, đề nghị các địa phương đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát địa bàn, duy trì việc tiếp nhận thông tin kịp thời và phát huy tinh thần tố giác tội phạm của người dân, đồng thời nâng cao công tác tuyên truyền, cảnh báo để người dân, doanh nghiệp hiểu, chấp hành đúng quy định của pháp luật ", Sở KHĐT Bình Thuận nhấn mạnh.
Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 31 dự án đầu tư xây dựng khu dân cư, khu đô thị, nhà ở thương mại còn hiệu lực. Trong đó, 15 dự án đã triển khai xây dựng hoàn thành, đưa vào hoạt động (chiếm tỷ lệ 48,39%); 7 dự án đang triển khai xây dựng nhưng chậm tiến độ (22,58%); 9 dự án chưa triển khai (29,03%).
Lĩnh vực du lịch có 381 dự án đầu tư còn hiệu lực. Trong đó: có 193 dự án đã triển khai đưa vào hoạt động, 94 dự án đang triển khai xây dựng, 94 dự án chưa triển khai.
Tỉnh cũng có 5 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Trong đó 1 dự án đi vào hoạt động, 3 dự án đang triển khai xây dựng và 1 dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Có 3 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Như VTC News đưa tin, mới đây, thanh tra Công an tỉnh Bình Thuận đưa ra khuyến cáo để nhà đầu tư cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo thông qua các dự án bất động sản ở tỉnh này.
Theo đó, Công an tỉnh Bình Thuận cho biết, thời gian qua đã tiếp nhận, xử lý hàng chục đơn thư tố giác tội phạm liên quan đến các dự án khu nghỉ dưỡng.
Doanh nghiệp đã ký hợp đồng mua bán dự án khu nghỉ dưỡng theo tiến độ công trình với nhiều người dân để thu về hàng chục tỉ đồng và những lời hứa hẹn hấp dẫn "sẽ thu lợi nhuận gấp nhiều lần sau khi dự án hoàn thành".
Tuy nhiên, sau khi ký hợp đồng với doanh nghiệp một thời gian, người dân đến kiểm tra xác thực tại công trình nhưng không thấy có bất cứ hoạt động xây dựng nào của công trình mà vẫn là những bãi đất trống. Qua đó, tìm đến doanh nghiệp thì được hứa hẹn nhiều lần, với nhiều lý do khác nhau để kéo dài, lẩn tránh trách nhiệm.
Lúc đó người dân mới phát hiện bị lừa đảo và làm đơn tố giác tội phạm gửi đến cơ quan chức năng để được xem xét, giải quyết.
Tỉnh Bình Thuận đang có lợi thế về du lịch biển và sự đầu tư đồng bộ về hạ tầng giao thông, đô thị hóa phát triển. Nhiều tuyến quốc lộ đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp, cùng với đó là sân bay Phan Thiết đang được quan tâm đầu tư để sớm hoàn thành đưa vào hoạt động vào khai thác. Từ đó, nhiều doanh nghiệp đã tìm thấy cơ hội và tiềm năng phát triển các ngành nghề du lịch, nghỉ dưỡng.
Tuy nhiên, theo công an Bình Thuận, đã có không ít doanh nghiệp lợi dụng tạo ra những cơn sốt ảo của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Những dự án khu đô thị, nghỉ dưỡng “ma” được các doanh nghiệp lập ra với quy mô, hình thức và giá trị hấp dẫn để thu hút những nhà đầu tư nhẹ dạ, cả tin.
Công an Bình Thuận khuyến cáo người dân khi quan tâm đầu tư mua đất đai, các dự án khu dân cư, khu nghỉ dưỡng trên địa bàn tỉnh phải tìm hiểu tính pháp lý, chủ đầu tư và tính khả thi của dự án, tránh tình trạng tiền mất, tật mang.