Chuyên gia kinh tế GS. Đặng Hùng Võ từng nhận định: "Đường đi tới đâu, giá đất tăng tới đó". Thực tế luôn cho thấy giao thông chính là tiền đề cho thị trường bất động sản phát triển, khi cơ sở hạ tầng được chú trọng đầu tư phát thì giá bất động sản tất yếu sẽ tăng theo.
Được ví như cửa ngõ của Tây Bắc với nhiều tiềm năng phát triển, nhưng những năm trước đây Yên Bái không thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong nước. Đặc biệt, trong lĩnh vực bất động sản, địa phương này sản phẩm chủ yếu là đất thổ cư và gần như vắng bóng những dự án quy mô, được đầu tư bài bản, đồng bộ cơ sở hạ tầng tiện ích.
Nhận rõ hạn chế, thời gian qua, Yên Bái đã quyết liệt chuyển mình cải thiện môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính đến mở cửa hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư và đặc biệt chú trọng hoàn thiện cơ sở hạ tầng và mạng lưới giao thông với chiến lược thu hút đầu tư, gia tăng năng lực cạnh tranh.
Hàng loạt các công trình đã được hoàn thành và đi vào hoạt động như: tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai đi qua địa bàn Yên Bái, đường tránh ngập thành phố Yên Bái dài hơn 10 km nối với cao tốc Nội Bài – Lào Cai tại nút giao IC 12…
Theo các chuyên gia, bên cạnh sự quyết liệt thay đổi trong việc hút đầu tư, "cú hích" hạ tầng đã tạo đà thu hút đầu tư cho tỉnh Yên Bái. Chỉ tính riêng trong năm 2020, tỉnh Yên Bái đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 64 dự án, tăng 28% so với cùng kỳ. Tổng số vốn đăng ký là gần 4.500 tỷ đồng và hơn 2 triệu USD. Năm 2021, có 54 dự án đầu tư được cấp mới quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt gần 7.050 tỷ đồng. Lũy kế đến 15/3/2022, toàn tỉnh có 585 dự án với tổng vốn đăng ký 86.911 tỷ đồng và 465,7 triệu USD.
Bắt nhịp xu hướng phát triển của thị trường BĐS, Yên Bái đã ưu tiên quỹ đất có các vị trí "đắc địa", tỷ suất sinh lời hấp dẫn, thuận lợi phát triển đa dạng loại hình sản phẩm làm tâm điểm thu hút đầu tư với tính thanh khoản cao. Nhờ vậy, thị trường chứng kiến sự xuất hiện của những dự án có quy mô.
Hiện tại, ngoài khu sinh thái nghỉ dưỡng Dragonfly Pú Lo, Khu nghỉ dưỡng cao cấp suối nước nóng Bản Bon… Tập đoàn Apec Group cũng đang đầu tư dự án tổ hợp nghỉ dưỡng, khách sạn 5 sao Apec Golden Valley Mường Lò, quy mô 16ha. Ngoài ra, nhiều dự án lớn khác cũng đang được các tập đoàn lớn như Vingroup, TH Group, Alphanam, Eurowindow Holding, Ariyana Land … cũng đang được nghiên cứu đầu tư.
Đặc biệt cuối năm 2021, tuyến nối Nghĩa Lộ (Yên Bái) với cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài khoảng 53km đã chính thức được khởi công đang góp phần thay đổi toàn bộ diện mạo thị trường bất động sản nơi đây. Tuyến cao tốc có điểm đầu tại nút giao IC 14 của đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận huyện Văn Yên, Yên Bái); điểm cuối giao với quốc lộ 32 tại thị trấn Liên Sơn, huyện Văn Chấn, Yên Bái; quy mô đường cấp IV miền núi trên cơ sở mở rộng đường tỉnh 175 đã xuống cấp, xây mới 3 cầu. Dự án có tổng cộng 11 gói thầu, thời gian thực hiện từ năm 2021-2024. Khi hoàn thành, tuyến đường này rút ngắn thời gian đi từ Nghĩa Lộ (Yên Bái) tới Hà Nội còn 3 giờ so với 4 giờ 30 phút như hiện nay.
Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc có mục tiêu xây dựng 2 tuyến đường dài 200km kết nối TP Lai Châu và huyện Nghĩa Lộ (Yên Bái) với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Từ khi tuyến đường nối nối Nghĩa Lộ (Yên Bái) với cao tốc Nội Bài - Lào Cai được chính thức khởi công, Nghĩa Lộ đã thu hút được sự quan tâm mạnh mẽ của nhà đầu tư. Hiện nay, giá đất tại trung tâm mới Nghĩa Lộ chỉ khoảng 1 tỷ là đã có thể đầu tư được, tương đương Sa Pa của 8 năm về trước. Đây cũng là lý do khiến vùng đất này tiềm năng trong mắt nhà đầu tư. Thực tế, dù chưa đến giai đoạn tăng tốc về đầu tư hạ tầng, nhưng nhiều nhà đầu tư đã tìm về săn đất Nghĩa Lộ. Theo đó, giá đất trung tâm mới của thị xã có nơi đã tăng gấp 2 - 3 lần chỉ sau 1 năm và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Đánh giá về tiềm năng của Nghĩa Lộ, ông David Jackson, Tổng Giám Đốc của Colliers Việt Nam nhận định, Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã và đang dần định hình như là điểm đến về du lịch sinh thái và văn hóa ở khu vực phía Bắc. Với các chính sách phát triển cơ sở hạ tầng, địa phương này sẽ sớm trở nên hấp dẫn hơn đối với du khách trong tương lai gần. Vào đầu năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại tỉnh Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ được hợp nhất với 6 xã và 1 thị trấn từ huyện Văn Chấn. Sự hợp nhất này là quan trọng để thị xã có thể xây dựng kế hoạch chi tiết nhằm thu hút đầu tư, tạo tiền đề cho sự phát triển của thị trường BĐS của khu vực này.
Ghi nhận cho thấy, nhu cầu mua đất tăng nhưng nguồn cung hiện tại Nghĩa Lộ vẫn hạn chế, do chính quyền địa phương siết chặt việc phân lô. Về nhu cầu và nguồn cung, ông David Jackson cho rằng, hiện không ít nhà đầu tư đang tìm kiếm các cơ hội tại Nghĩa Lộ sau khi đã chứng kiến giá BĐS tại Sa Pa đã gia tăng thế nào trong nhiều năm vừa qua. Đương nhiên là họ muốn nắm bắt thời cơ khi mà giá nhà đất tại Nghĩa Lộ vẫn còn tương đối rẻ, đặc biệt là BĐS thương mại - du lịch.
#/dot-pha-ha-tang-bds-yen-bai-co-tro-thanh-sapa-thu-hai-20220328143239371.chn