Dòng vốn đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng đang chuyển hướng về đâu?

Tốc độ phát triển nhanh chóng của thị trường bất động sản du lịch trong vòng 5 năm trở lại đây đã thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp địa ốc tham gia đầu tư. Trong bối cảnh các thị trường truyền thống đã bắt đầu sụt giảm nguồn cung, thị trường mới nào sẽ được giới đầu tư gọi tên trong năm 2020?

Cơ hội dành cho các thị trường nghỉ dưỡng mới nổi

Cùng với tốc độ phát triển đột phá của ngành du lịch trong vòng 5 năm trở lại đây, Việt Nam đang trở thành điểm hẹn đầu tư phát triển bất động sản nghỉ dưỡng trong khu vực Đông Nam Á. Báo cáo của Tổng cục Du lịch Việt Nam cho thấy, chỉ tính riêng năm 2019 lượng khách du lịch quốc tế tới Việt Nam đạt hơn 18 triệu lượt, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2018. Lượng khách du lịch nội địa trong cả năm 2019 ước đạt 85 triệu lượt, trong đó có 43,5 triệu lượt khách lưu trú. Lượng khách du lịch gia tăng đã kéo theo tổng thu đạt 726.000 tỷ đồng, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Từ bệ phóng hạ tầng được đầu tư đồng bộ và những thành tựu ngành "công nghiệp không khói" đã đạt được, dự kiến đến năm 2025, Việt Nam sẽ đón khoảng 32 triệu lượt và tăng lên 47 triệu lượt vào năm 2030, tương đương mức tăng trưởng bình quân của giai đoạn 2020 - 2030 sẽ từ 9 - 11%/năm.

Trong thời gian từ năm 2014-2018, nhiều doanh nghiệp quyết định rót vốn vào các dự án tạo dựng nên thị trường nghỉ dưỡng biển tại Hạ Long, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc… Nhưng bước sang năm 2019, dòng vốn đầu tư đã có sự dịch chuyển khi tìm đến với những thị trường mới. Sức hút từ các thị trường truyền thống có dấu hiệu sụt giảm, trong khi đó nguồn cung sản phẩm được dự báo là sẽ không thể đáp ứng đủ nhu cầu nghỉ dưỡng của lượng lớn du khách trong nước và quốc tế đang gia tăng hàng năm. Trong quá trình tìm kiếm, các địa danh như Hòa Bình, Ninh Thuận, Bình Thuận… đã được doanh nghiệp gọi tên.

Xu hướng "lên rừng" lan tỏa trên thị trường nghỉ dưỡng

Trong số các địa phương lọt vào "tầm ngắm" của giới đầu tư thời gian qua không thể không kể đến Hoà Bình. Sở hữu lợi thế về vị trí giao thông chiến lược, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, cùng chính sách thu hút đầu tư của tỉnh - Hòa Bình đang đóng vai trò tiên phong trong xu hướng "lên rừng" phát triển các dự án nghỉ dưỡng núi.

Hệ thống hạ tầng giao thông kết nối xuyên suốt chỉ cách Hà Nội khoảng 1 giờ chạy xe nhưng khu vực cửa ngõ vùng Tây Bắc đã được thiên nhiên ưu ái khi sở hữu nhiều phong cảnh hùng vĩ, tráng lệ. Hòa Bình có địa hình đa dạng, nổi tiếng với những địa danh như Thung Nai, Mai Châu, suối nước khoáng Kim Bôi, rừng nhiệt đới Pù Nọoc… rất thuận lợi để phát triển bất động sản nghỉ dưỡng núi.

Dòng vốn đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng đang chuyển hướng về đâu? - Ảnh 1.

Nghỉ dưỡng núi Việt Nam lợi thế bởi rừng tự nhiên lâu năm

Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019 địa phương này đã thu hút gần 50 dự án đầu tư. Bởi vậy, thay bằng việc chỉ chú trọng đến các thị trường nghỉ dưỡng biển với số lượng dự án và sản phẩm đang dần "bội thực", Hòa Bình với số lượng dự án ít, sản phẩm nghỉ dưỡng độc đáo đang trở thành điểm hẹn đầu tư mới, an toàn của nhiều doanh nghiệp. Các chủ đầu tư đang tham gia triển khai dự án tại Hòa Bình có thể kể đến như Vingroup, FLC, Geleximco, Tập đoàn Việt Mỹ… hứa hẹn sẽ mang đến sự sôi động cho thị trường nghỉ dưỡng khu vực Tây Bắc.