Đón khách quốc tế, nhanh chóng phục hồi du lịch cần tháo gỡ rào cản Visa

Mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay sẽ khó khả thi nếu chúng ta không có những động thái quyết liệt để xóa bỏ những rào cản với du khách, trong đó đầu tiên là chính sách visa.

Kết thúc năm 2022, Việt Nam đang đứng cuối bảng phục hồi du lịch quốc tế của khu vực với tỷ lệ phục hồi chỉ 18,1%. Trong khi đó, tỷ lệ này ở các nước láng giềng như Thái Lan, Singapore, Malaysia hay Campuchia đều đạt từ 26 đến 31%. Với thực tế này, nếu không có giải pháp đột phá, tháo gỡ những rào cản hiện hữu, thì mục tiêu đón 8 triệu lượt du khách quốc tế năm 2023 của nước ta khó lòng đạt được. Đồng nghĩa, du lịch Việt Nam sẽ vuột cơ hội hút nguồn doanh thu lớn từ “mỏ vàng” khách quốc tế để nhanh chóng phục hồi.

Theo giới chuyên môn, một trong những rào cản lớn đầu tiên khiến du khách quốc tế không mặn mà đến Việt Nam là hạn chế trong chính sách visa.

Những bất cập trong chính sách visa

Anh Yan Nang Oo, du khách Myanmar, cùng bạn đi du lịch Việt Nam. Do chỉ được cấp visa 14 ngày trong khi nhóm bạn muốn khám phá nhiều điểm đến tại Việt Nam nên họ phải lên kế hoạch di chuyển gấp từ Hạ Long, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Phú Quốc. “Hôm ra sân bay để check-out về nước vừa hết 14 ngày, cũng may thủ tục xuất cảnh thuận lợi, không gặp vấn đề gì”, du khách này thở phào.

Nhiều khách quốc tế mong muốn chính sách visa của Việt Nam được nới lỏng, cho phép du khách kéo dài thời hạn để có nhiều thời gian khám phá và trải nghiệm. Đó cũng là mong muốn của rất nhiều du khách quốc tế. Theo thống kê, Việt Nam chỉ miễn thị thực cho công dân của 24 quốc gia. Ðây là con số quá ít ỏi khi so sánh với các nước láng giềng như Singapore miễn visa cho 162 nước, Philippines là 157 nước, Malaysia là 162 nước, Thái Lan là 64 nước…

Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành cũng than thở khi Việt Nam tuyên bố mở cửa hoàn toàn nhưng thực tế việc chính sách thị thực lại khiến khách quốc tế gặp không ít khó khăn. Khách đến Việt Nam được miễn visa thời gian ngắn, chủ yếu là 15 ngày, một số nước Đông Nam Á là 30 ngày – đây là thời gian rất ngắn so với nhiều quốc gia phát triển du lịch khác trong khu vực. Bất cập nữa là, thị trường khách du lịch Đông Nam Á (ở gần) thì thời hạn tạm trú dài hơn (30 ngày), trong khi đó công dân của các quốc gia Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc (thị trường tiềm năng hơn, mức thu nhập cao hơn, ở xa nên nhu cầu lưu trú dài ngày hơn) chỉ được quy định ngắn 15 ngày.

Mới đây, trong lễ ra mắt Sách Trắng 2022/2023 của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), tổ chức này đã kiến nghị Chính phủ nên tập trung hơn nữa vào thị trường châu Âu, sớm cho phép miễn thị thực cho tất cả các nước châu Âu. Đặc biệt, EuroCham khuyến nghị Chính phủ xem xét cấp miễn visa ba tháng hoặc sáu tháng cho những người châu Âu thượng lưu muốn cho ngành du lịch.

Chưa kể, chính sách visa của Việt Nam được giới chuyên gia đánh giá chưa linh hoạt, thuận lợi cho du khách. Không chỉ thời gian ngắn, chỉ nhập cảnh một lần, mà số quốc gia được áp dụng visa điện tử cũng chỉ 80 nước, và chỉ được nhập cảnh tại số cửa khẩu giới hạn. Chưa kể, một số du khách còn phàn nàn việc xin visa thường bị yêu cầu phải có công ty bảo lãnh, qua đại lý cấp thị thực với chi phí cao. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia không trong diện được xin visa điện tử, thời gian chờ đợi từ 30 ngày và phải trả tới hàng trăm USD, có thể lên tới gần 1000 USD.

Trong khi đó, chính sách thị thực một số quốc gia láng giềng đang lợi thế hơn hẳn. Thời gian tạm trú của khách quốc tế đến Thái Lan lên tới 90 ngày, được nhập cảnh nhiều lần. Singapore miễn visa hầu hết đối với công dân của các quốc gia trên thế giới, chỉ loại trừ 15 quốc gia, thời hạn tạm trú đối với công dân được miễn visa là 30 - 90 ngày…

"Không có cách nào để du lịch Việt Nam cạnh tranh với Thái Lan vì mức vênh lớn đến như thế trong chính sách visa. Ngay cả visa điện tử (e-visa) của Việt Nam cũng bất tiện hơn. Visa-on-Arrival (visa tại sân bay) của chúng ta vẫn phải xin phê duyệt trước, thay vì cứ tới rồi xin trực tiếp ở cửa khẩu như một số nước khuyến khích du lịch, họ có nhiều cách cho du khách chọn lựa. Có thể nói visa là khó khăn lớn nhất, là vấn đề nan giải nhất của du lịch, hàng không Việt Nam" – chuyên gia du lịch Lương Hoài Nam phân tích.

Đón khách quốc tế để nhanh chóng phục hồi du lịch

Trong giai đoạn chịu ảnh hưởng của Covid-19, du khách quốc tế không thể đến Việt Nam, việc tận dụng khai thác dòng khách nội địa là rất cần thiết. Thực tế, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc kích cầu du lịch nội địa. Năm 2022, sau khi gỡ bỏ mọi hạn chế đi lại, lượng khách nội địa cả năm đã đạt 101,3 triệu lượt, tăng 168,3% so với mục tiêu 60 triệu và vượt con số của 2019.

Tuy nhiên, trong giai đoạn du lịch phục hồi, điểm yếu của dòng khách nội địa lại bộc lộ như thời gian lưu trú ngắn, mức chi tiêu thấp, hoạt động du lịch mang tính thời điểm, chỉ tập trung vào một số dịp trong năm như kỳ nghỉ hè, lễ Tết... Không ít nhà hàng, khách sạn, doanh nghiệp du lịch vẫn phải hoạt động cầm chừng do phân khúc khách hàng của họ chủ yếu là người nước ngoài.

Chẳng hạn như Saigontourist Group, 80% công suất phòng tại các cơ sở lưu trú phụ thuộc vào khách quốc tế. Với con số khách nước ngoài ít ỏi hiện nay, doanh nghiệp đối diện không ít khó khăn. Do đó, tăng trưởng dòng khách ngoại để bù đắp sự thiếu vắng khách nội ở nhiều thời điểm trong năm, cũng như kích cầu mức chi tiêu cao là vô cùng cần thiết.

Thống kê trên thế giới năm 2019 cho thấy, với lượng khách quốc tế đạt hơn 1,4 tỷ lượt, du lịch đóng góp gần 9 nghìn tỷ USD vào tổng GDP toàn cầu. Tại Việt Nam, trong 3 năm trước đại dịch Covid-19, trung bình khách quốc tế đến Việt Nam chỉ bằng 1/5 khách nội địa nhưng đóng góp khoảng 58% tổng thu nhập từ khách du lịch. Năm 2019, doanh thu của 18 triệu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam còn lớn so với doanh thu của 85 triệu khách nội địa.

Những con số trên cho thấy khách du lịch quốc tế có vai trò rất quan trọng đối với ngành du lịch Việt Nam, góp phần đem lại nguồn thu lớn. Đồng thời, sự bùng nổ của khách nội địa trong năm qua cũng không thể bù đắp sự thiếu vắng của khách quốc tế.

“Chúng ta có thể mừng khi số khách du lịch nội địa đạt trên 100 triệu lượt người, nhưng đóng góp vào doanh thu của du lịch nội địa vẫn không thể bù đắp được với số tiền mất đi do không có khách quốc tế trong tổng thu từ khách du lịch và hàng không”, ông Chris Farwell, đại diện Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) nhận định tại một hội nghị cuối năm 2022.

Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia cho rằng cần sớm tháo gỡ rào cản visa theo hướng nâng số quốc gia được miễn visa, ít nhất là ngang bằng với Thái Lan và mở rộng thời hạn visa để tăng sự hấp dẫn của điểm đến Việt Nam. "Chúng ta chỉ cần cạnh tranh với Thái Lan. Họ miễn visa bao nhiêu nước, chúng ta miễn bấy nhiêu", PGS.TS.Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương nêu ý kiến.

Ở góc độ địa phương, ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho biết trên truyền thông: Nhiều đoàn khách du lịch đến Việt Nam đều muốn đi nhiều điểm nhưng thời gian có 15 ngày sẽ gây vướng cho họ. Do đó, tăng thời gian lên ít nhất 30 ngày là cần thiết, giúp khách du lịch có thêm thời gian đi, lưu trú, sử dụng dịch vụ ở các nơi, từ đó góp phần quảng bá, thúc đẩy du lịch các địa phương phát triển.

“Hãy làm nhanh nhất các thủ tục vì khách có thể thay đổi ý kiến ngay lập tức. Khi xung quanh mời chào dễ dàng, mạnh mẽ mà chúng ta còn chậm chạp trong việc làm thủ tục thì chắc chắn sẽ tiếp tục bỏ lỡ cơ hội”, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhấn mạnh.

Ở góc độ cơ quan làm luật, đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn cho rằng, việc tăng thời gian miễn thị thực từ 15 lên 30 ngày nếu muốn thực hiện sẽ phải sửa đổi luật. Do đó, trước mắt Chính phủ có thể xem xét, trình Quốc hội ban hành nghị quyết hay một văn bản nào đó phù hợp để tạo điều kiện, tháo gỡ sớm vấn đề "nóng" đang được thực tế đặt ra đối với du lịch. Sau đó sẽ tiếp tục xem xét trình sửa luật.