Doanh nghiệp và nhà đầu tư "ngóng" chính sách tín dụng bất động sản năm 2023

Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: "Trong thời gian tới, chính sách điều hành tín dụng sẽ nằm trong khuôn khổ chính sách tiền tệ để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững an toàn hệ thống, an sinh xã hội. Do vậy các công cụ, giải pháp tín dụng cho bất động sản sẽ được cân nhắc trong tổng thể công cụ khác để đạt mục tiêu của chính sách tiền tệ".

Từ tháng 4, theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, nhiều ngân hàng thận trọng cấp tín dụng tại các địa bàn đang có sốt đất, các dự án tiềm ẩn mức độ rủi ro cao; rà soát lại các khoản vay và hạn chế room cho bất động sản. Việc định giá tài sản đảm bảo là bất động sản, nhất ở nơi có hiện tượng sốt đất để phản ánh đúng giá trị thực, minh bạch, khách quan.

Động thái này đã tác động lớn đến thị trường bất động sản. Đến nay, thị trường đã có dấu hiệu giảm tốc, trầm lắng, giao dịch nhà đất sụt giảm 50%.

Khó vay mua nhà

Bên cạnh đó, hiện nay có nhiều ngân hàng đẩy mức lãi suất huy động từ 8-9,3% ở nhiều kỳ hạn. Đơn cử, Nam A Bank đưa ra sản phẩm Happy Future với kỳ hạn 9 tháng có mức lãi suất trong 3 tháng đầu lên tới 11%/năm, 6 tháng cuối có lãi suất 5,95%/năm.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đang niêm yết mức lãi suất 9,3%/năm cho các kỳ hạn 15, 18, 24, 36 tháng (áp dụng cho hình thức gửi tiền trực tuyến).

Hay VPBank vừa điều chỉnh lãi suất tiền gửi có kỳ hạn Prime Saving với tháng đầu lên cao nhất 10,02%/năm ở kỳ hạn 36 tháng, tháng sau còn 8,35%/năm; lãi suất 10%/năm tháng đầu ở kỳ hạn 24 tháng, tháng sau còn 8,07%/năm; kỳ hạn 6 tháng có lãi suất 9,17%/năm ở tháng đầu, tháng sau còn 7,65%/năm…

Bên cạnh lãi suất huy động, qua tìm hiểu, hiện mức lãi suất vay mua nhà tại các ngân hàng cũng được điều chỉnh. Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) tăng lãi suất tới 3,9 điểm %, nâng lãi suất cho vay mua nhà lên mức 10,59%. Bù lại, Techcombank có chính sách ưu đãi giảm trừ lãi suất vay đến 1,2%/năm trong giai đoạn thả nổi với từng nhóm khách hàng.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tăng tới 1,5 điểm %, nâng lãi suất vay mua nhà từ 6,2%/năm lên mức 7,7%/năm. Ngân hàng HSBC cũng tăng lãi suất cho vay mua nhà lên mức 7%/năm, tức là tăng thêm 0,8 điểm %.

Trước tình hình này, ông Lê Đình Hảo - Giám đốc Khối kinh doanh của batdongsan.com phân tích, động thái tăng lãi suất huy động dự báo sẽ kéo theo lãi suất vay tăng vào thời gian tới. Mặc dù Ngân hàng nhà nước mở thêm room tín dụng cho các ngân hàng thương mại từ 0,7-4%, nhưng rất nhiều ngân hàng đã dùng hết hoặc gần hết room, nên kéo theo hạn mức tín dụng cho vay còn lại trong năm 2022 rất ít, dẫn đến những áp lực về lãi vay.

Mặt khác, hiện tình hình địa chính trị thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia chìm trong khủng hoảng vì lạm phát lập kỷ lục, phá đỉnh hàng chục năm. Khi lạm phát tăng, lãi suất không thể không tăng, bởi bản chất của việc tăng lãi suất là giảm lượng tiền lưu thông trong thị trường nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định nền kinh tế. Mới đây nhất FED đã tăng lãi suất cùng với tỷ lệ lạm phát tại Việt Nam 3 quý của năm 2022 có dấu hiệu tăng lên, khiến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không thể không tăng lãi suất điều hành.

"Từ các yếu tố đó, việc tăng lãi suất cho vay điều khó tránh khỏi. Do vậy thời gian tới, người mua bất động sản sẽ phải lo lắng khi khả năng tiếp cận dòng vốn ngày càng hạn chế", ông Hảo cho hay.

Không những vậy, việc này còn tác động lớn đến tâm lý, nhà đầu tư mất niềm tin với thị trường bất động sản. Với những nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính quá lớn giờ đang muốn "tháo chạy" khỏi thị trường.

Cùng với đó, việc điều chỉnh lãi suất này cũng đang khiến các doanh nghiệp trong ngành bất động sản chịu ảnh hưởng. Bởi lẽ, khi tín dụng chịu kiểm soát, lãi suất tăng sẽ làm doanh nghiệp khó huy động vốn, làm chi phí đầu vào tăng.

Tín dụng cho bất động sản sẽ được cân nhắc

Tại phiên chất vấn của Quốc hội chiều ngày 3/11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã đưa ra đánh giá thị trường bất động sản quý III năm nay khó khăn, một phần do bị siết vốn.

Về vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã đưa ra giải thích việc phải siết tín dụng bất động sản thời gian qua.

Theo Thống đốc, vốn tín dụng chỉ là một trong những nguồn lực cần có để thị trường bất động sản phát triển. Thay vào đó, thị trường này cần huy động nguồn lực từ các kênh như: Đầu tư trực tiếp, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, vốn tự có của doanh nghiệp, người dân…

Việc điều hành chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, bà Hồng nói, phải lấy mục tiêu điều hành tiền tệ là ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn vốn cho các tổ chức tín dụng. Chẳng hạn, trong giai đoạn cần ưu tiên kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, việc mở rộng tín dụng cho bất động sản sẽ gây khó khăn để đạt mục tiêu chính sách tiền tệ, chứ chưa nói tới đi ngược lại mục tiêu này. "Điều hành tín dụng cho bất động sản vì thế phải cân nhắc, thận trọng", bà Hồng nói.

Ngoài ra, tín dụng bất động sản cũng tiềm ẩn rủi ro, bởi tín dụng lĩnh vực này thường là dài hạn, số tiền huy động lớn, trong khi đặc tính huy động của ngân hàng là vốn ngắn hạn. Vì thế, nếu không tổ chức, điều tiết tốt sẽ đối diện với rủi ro thanh khoản, khó khăn trong chi trả cho người dân.

"Trong thời gian tới, chính sách điều hành tín dụng sẽ nằm trong khuôn khổ chính sách tiền tệ để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững an toàn hệ thống, an sinh xã hội. Do vậy các công cụ, giải pháp tín dụng cho bất động sản sẽ được cân nhắc trong tổng thể công cụ khác để đạt mục tiêu của chính sách tiền tệ", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ.