Tại hội thảo, ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Hưng Thịnh kiến nghị các giải pháp cải cách thủ tục hành chính về lĩnh vực đầu tư kinh doanh BĐS, cải cách phương thức xác định nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất tại dự án; tháo gỡ những bất cập về việc giao đất xen cài trong dự án phát triển nhà ở.
Theo ông Trung, Luật đất đai 2013, Luật nhà ở năm 2014, Luật kinh doanh BĐS 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành được Quốc hội và CP ban hành áp dụng trong thập niên qua đã giải quyết được nhiều vấn đề và tạo cơ sở cho sự phát triển thị trường BĐS.
Tuy nhiên, theo ông Tring các chính sách pháp luật vẫn chưa theo kịp để điều chỉnh hết các loại hình BĐS "mới", việc vận dụng và giải thích pháp luật của cơ quan có thẩm quyền trong các vấn đề quản lý đất đai, thủ tục đầu tư, thủ tục xác định nghĩa vụ tiền sử dụng đất dự án…còn nhiều khoảng trống và bất cập gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư, góp phần làm giảm nguồn cung và đẩy giá bán các sản phẩm BĐS tăng trong thời gian qua.
Ông Trung cho rằng, để giải quyết các vấn đề này để tạo điều kiện thúc đẩy thị trường BĐS phát triển minh bạch và bền vững, CP cần quan tâm đến các vấn đề cụ thể như: Cải cách thủ tục hành chính về lĩnh vực đầu tư dự án BĐS. Theo ông Trung, ngày 1/1/2021 Luật đầu tư 2020 sẽ có hiệu lực thì chủ đầu được chấp thuận chủ trương đầu tư thì không phải làm thủ tục "chấp thuận đầu tư" nữa cũng như đồng nhất nhiều khái niệm trong quy trình đầu tư để tháo gỡ những vướng mắc trước đây.
Ngoài ra, theo ông Trung Chính phủ cần quan tâm hướng dẫn thêm về việc giải quyết cho chủ đầu tư được triển khai đồng thời thủ tục xin giấy phép xây dựng và thẩm định nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất. Như hiện nay vẫn có quan điểm phải chờ xong tiền sử dụng đất mới cho cấp phép xây dựng; hoặc các vấn đề về nghĩa vụ nhà ở xã hội, nên cho chủ đầu tư chọn phương thức thực hiện bằng tiền hay đầu tư nhà ở xã hội tại dự án thay vì quy định trường hợp bắt buộc theo quy mô dự án từ 10ha trở lên.
Bên cạnh đó, cần cải cách phương thức xác định nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất tại dự án. Theo Chủ tịch Hưng Thịnh, thủ tục này rất phức tạp về phương án thẩm định do phải định tính dựa vào các giao dịch trên thị trường, dẫn đến tình trạng kéo dài và thiếu minh bạch; các sai phạm của cơ quan thẩm quyền trong thời gian qua, đến nay vấn đề cũng chưa có giải pháp nào thực sự thuyết phục.
Về nội dung này đã có nhiều ý kiến của hiệp hội, doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ xem xét phương án xác định tiền sử dụng đất theo đơn giá đất do nhà nước quy định nhân hệ số để nhanh gọn trong quá trình xác định giá; lợi nhuận của doanh nghiệp sau khi bán cho bên mua cũng phải nộp thuế cho doanh nghiệp theo quy định.
Bên cạnh đó, xem xét tháo gỡ những bất cập về việc giao đất xen cài trong dự án phát triển nhà ở. Theo Chủ tịch Hưng Thịnh, trong thực tế có rất nhiều dự án BĐS vướng đất xen cài, lý do mặc dù các CĐT đã đền bù GPMB toàn bộ khu đất nhưng khả năng cao vẫn vướng các trường hợp đất đường đi, ao hồ, đất xen kẹt chưa công nhận quyền sử dụng đất cho ai trong ranh dự án, dẫn đến vướng các thủ tục đầu tư do theo quy định hiện nay phải đấu giá phần diện tích này thì CĐT mới được giao đất.
"Hiện một số địa phương đề xuất phương án đấu giá phần diện tích "đất xen cài" nếu đủ lớn, thực tế thì đất xen cài có hình dạng bất định, nếu phải thực hiện đấu giá để giao đất cho CĐT thì nhiều khả năng các đối tượng tham gia đấu giá với mục đích trục lợi, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách pháp luật đất đai. Theo đó, CP cần định nghĩa thế nào là "đất công", phân biệt với "đất xen cài" không ai quản lý, để có cơ chế cho phép CĐT được giao phần đất xen cài để thực hiện dự án", ông Trung cho biết.
Cùng với đó, vị Chủ tịch này kiến nghị cần hoàn thiện khung pháp lý đối với loại hình BĐS "mới". Đối với loại hình condotel (căn hộ du lịch), căn hộ khách sạn…hiện mặc dù đã ban hành quy chuẩn tiêu chuẩn xây dựng cũng như pháp luật đất đai và pháp luật kinh doanh BĐS đã quy định nguyên tắc về việc cấp sở hữu "công trình" không phải nhà ở và công việc mua bán này, nhưng thực tế nhiều địa phương vẫn còn lúng túng khi áp dụng cơ sở pháp lý để thực hiện thủ tục liên quan đến mua bán, chuyển nhượng hợp đồng mua bán và cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho bên mua.
Dẫn đến các CĐT và các NĐT hoang mang, có nhiều trường hợp phát sinh tranh chấp, theo ông Trung đây là cản trở lớn nhất khiến loại hình BĐS du lịch chưa thể phát triển thuận lợi, tạo điều kiện để thu hút được vốn đầu tư nước ngoài.