Doanh nghiệp bất động sản ‘đau đầu’ vì bị nhái thương hiệu - Bài 3: Đừng để ‘mất bò mới lo làm chuồng’

Không ít doanh nghiệp địa ốc lớn "kêu cứu" về tình trạng đạo nhái thương hiệu. Tuy nhiên, cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng để đưa ra chế tài xử phạt cho các công ty và dân môi giới lợi dụng thương hiệu, chủ đầu tư uy tín để quảng cáo, rao bán sản phẩm.

Doanh nghiệp phải tự bảo vệ mình

Ông Nguyễn Nam Hiền, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh cho rằng, câu chuyện thực tế hiện nay đó là dù đã đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhiều doanh nghiệp vẫn bị xâm hại thương hiệu và khi bị xâm phạm thì doanh nghiệp lại không thể bảo vệ được thương hiệu của mình.

Về các doanh nghiệp bị nhái thương hiệu, theo ông Phúc trước tiên doanh nghiệp cần thực hiện việc đăng ký nhãn hiệu cho doanh nghiệp, cho sản phẩm dịch vụ và tên dự án của mình; đăng ký thêm tên miền có liên quan nhằm tạo ra cơ sở pháp lý và công cụ bảo vệ hữu hiệu. Ngoài ra, cần thường xuyên kiểm tra trên thực tế và cung cấp thông tin đến các cơ quan nhà nước để kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi của các tổ chức, cá nhân có vi phạm.Việc doanh nghiệp địa ốc bị xâm phạm thương hiệu đến từ nhiều khía cạnh, khoảng 2 năm trở lại đây diễn ra phổ biến. Lý do cụ thể đến từ việc vừa qua, có quá nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản được thành lập mới. Các doanh nghiệp này đa phần hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh môi giới bất động sản, trong khi, ngành bất động sản là ngành đặc thù, khách hàng sẽ chọn các doanh nghiệp có thương hiệu để mua. Chính vì vậy, để bán được hàng, các doanh nghiệp mới thành lập sẽ "dựa hơi" thương hiệu doanh nghiệp lớn để gắn vào tên doanh nghiệp hoặc tên dự án để bán hàng.

Các doanh nghiệp cố tình nhái thương hiệu thường có tính toán rất kỹ, bởi theo luật thì việc xâm phạm thương hiệu doanh nghiệp phải là toàn bộ tên doanh nghiệp, kèm logo doanh nghiệp đã đăng ký. Trong khi đó, các doanh nghiệp lại lập dự án hoặc tên công ty na ná tên doanh nghiệp lớn và logo cũng khác với logo của doanh nghiệp mà họ nhái để doanh nghiệp và cơ quan chức năng không thể xử lý được.

Doanh nghiệp bất động sản ‘đau đầu’ vì bị nhái thương hiệu - Bài 3: Đừng để ‘mất bò mới lo làm chuồng’ - Ảnh 1.
Người dân cầu cứu các cơ quan chức tỉnh Long Anh khi một doanh nghiệp lấy thương hiệu của Tập đoàn Đất Xanh để lừa đảo khách hàng. Ảnh: VTC

Trong khi đó, ông Ngô Quang Phúc, Tổng Giám đốc Công ty CP Địa ốc Phú Đông Group cho rằng việc nhái thương hiệu của một đơn vị khác là vi phạm Điều 8, Luật Kinh doanh bất động sản về các hành vi bị cấm như gian lận, lừa dối trong kinh doanh bất động sản; vi phạm Điều 10, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng về các hành vi bị cấm như lừa dối và gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo, cung cấp thông tin sai lệch, không chính xác về sản phẩm; vi phạm Điều 8, Luật Quảng cáo về các hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo như quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn; vi phạm Điều 39, Luật Cạnh tranh về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh như chỉ dẫn gây nhầm lẫn.

"Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo Điều 38, Nghị định 121/2013/NĐ-CP, bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 70 triệu đồng, xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản, đình chỉ hoạt động kinh doanh bất động sản. Và để luật pháp bảo vệ mình trước khung hình phạt trên cho kẻ đạo nhái thì mình nên tự biết bảo vệ mình trước bằng việc đăng ký đầy đủ thông tin với cơ quan chức năng về tên, logo, thương hiệu của doanh nghiệp mình", ông Phúc nói.

Còn Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty luật SBLAW nhận định, việc nhái thương hiệu trong kinh doanh nói chung và trong lĩnh vực bất động sản nói riêng gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp. Đặc biệt, khi các doanh nghiệp nhái gây ra các sự cố, scandal có thể tác động nghiêm trọng tới uy tín, doanh thu cụ thể của thương hiệu bất động sản.

Tuy nhiên, luật sư Hà cho biết, trong lĩnh vực bất động sản, có nhiều thương hiệu bị nhái, nhưng rất ít vụ việc được các bên đem ra cơ quan pháp luật để xử lý, gây ra nhầm lẫn cho người tiêu dùng và ảnh hưởng tới chủ sở hữu nhãn hiệu. Từ đó, có thể lý giải một số nguyên nhân của tình trạng này như sau:

Thứ nhất, giữa các chủ đầu tư thường có quan hệ với nhau, đôi khi là mật thiết, vì vậy có thể có sự nể nang, không xử lý. Thứ hai, các chủ đầu tư khi chọn một tên đẹp cho dự án lại quên đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ, và nếu không đăng ký, khi một bên khác sử dụng nhãn hiệu đó, họ sẽ không có cơ sở để xử lý. Thứ ba, khi phát hiện ra vi phạm, các chủ đầu tư cũng không muốn đưa ra xử lý vì ngại đụng đến vấn đề pháp lý, truyền thông biết sẽ khó bán hàng.

Theo ông Hà, để bảo vệ mình về mặt pháp lý liên quan đến thương hiệu, các chủ đầu tư cần chú ý đến những vấn đề sau. Một là, khi tìm kiếm tên cho một dự án, cần chọn nhiều tên, sau đó thuê luật sư sở hữu trí tuệ kiểm tra xem khả năng đăng ký nhãn hiệu có được không? Nếu được sẽ lựa chọn tên đó để đăng ký. Nếu tên đã trùng và tương tự gây nhầm lẫn với thương hiệu khác rồi thì nên tránh, không nên cố đấm ăn xôi, có thể sẽ rắc rối về sau.

Hai là, khi bị vi phạm nhãn hiệu dù đã đăng ký nhãn hiệu, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng thì có thể lựa chọn các cách xử lý sau: Lập vi bằng về hành vi vi phạm; Gửi bằng chứng vi phạm và đề nghị cơ quan giám định sở hữu trí tuệ kết luận về khả năng vi phạm; Gửi thư cảnh báo vi phạm đến bên vi phạm, cho họ thời gian khắc phục, nếu họ không khắc phục và dừng hành vi vi phạm; Đề nghị thanh tra sở hữu trí tuệ tiến hành thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính; Khởi kiện ra toà để ngừng hành vi vi phạm và yêu cầu bồi thường thiệt hạ; Nếu thiệt hại lớn và chứng minh được thì có thể đề nghị khởi tố vụ án hình sự.

Cần có chế tài từ cơ quan chức năng

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, để chống lại tình trạng thông tin giả mạo trong lĩnh vực bất động sản cần nhiều giải pháp, trong đó cần sự nghiêm minh và quyết liệt từ các cơ quan nhà nước. Doanh nghiệp cũng cần tiến hành các vụ xử lý để tuyên chiến với vấn nạn này.

Bên cạnh đó, người dân cũng phải nâng cao cảnh giác, phát hiện, thông báo khi thấy hành vi giả mạo thương hiệu. "Dấu hiệu để nhận biết hành vi giả mạo thương hiệu không khó. Thường các sản phẩm này rao bán giá rẻ hơn giá thông thường, chất lượng dự án thấp, tính pháp lý kém, nhiều khi là dự án ma. Nếu người dân mua phải sẽ gặp rất nhiều rủi ro", đại diện Hội Môi giới bất động sản Việt Nam chia sẻ.

Trao đổi với Nhadautu.vn, bà Nguyễn Hương, Tổng Giám đốc Công ty CP Bất động sản Đại Phúc Group cho biết, chỉ mình doanh nghiệp đứng ra xử lý vấn đề này là chưa đủ. Vì hiện nay, tình trạng nhái thương hiệu ngày càng phố biến và lộng hành. Do đó, để bảo vệ thương hiệu, cần phải có chế tài mạnh xử lý những công ty, nhân viên môi giới đã lợi dụng danh tiếng của các doanh nghiệp địa ốc uy tín để quảng cáo, rao bán sản phẩm lừa dối khách hàng và làm cho thị trường phát triển không lành mạnh.

Doanh nghiệp bất động sản ‘đau đầu’ vì bị nhái thương hiệu - Bài 3: Đừng để ‘mất bò mới lo làm chuồng’ - Ảnh 2.
Bà Nguyễn Hương quan ngại về tình trạng nhái thương hiệu bất động sản và mong cơ quan chức năng có chế tài xử phạt triệt để.

Theo bà Hương, để ngăn chặn tình trạng đang diễn ra ngày càng tinh vi, phổ biến như hiện nay cần có sự vào cuộc từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Trước tiên là cần phải ngăn chặn nội dung thông tin quảng cáo sai sự thật, lừa đảo khách hàng trên mạng xã hội, không chỉ riêng bất động sản và trong các lĩnh vực khác cũng rất phổ biến. Nhưng muốn ngăn chặn được thì cần có sự vào cuộc của Sở Thông tin và Truyền thông.

Tiếp đến, những đơn vị đang liên quan đến việc sử dụng hình ảnh, quảng cáo không đúng sự thật đó thì ngoài xử phạt hành chính cần phải tước giấy phép hoạt động nếu sự việc gây ra hậu quả nghiêm trọng bởi số tiền chiếm đoạt là rất lớn. Ngoài ra, các nhân viên môi giới cũng phải chịu trách nhiệm với hành vi này, có thể tước giấy phép hành nghề trong vài tháng, 1 năm thậm chí là vĩnh viễn.

Hiện nay, nghề môi giới bất động sản được pháp luật quy định cụ thể về điều kiện hành nghề phải có chứng chỉ hành nghề và chịu trách nhiệm đối với hoạt động của mình. Nhưng thực tế hoạt động còn nhiều vấn đề bất cập khi trách nhiệm của môi giới còn chưa có chế tài cụ thể.

Trong khi đó, về phương diện pháp luật, luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, trường hợp đối tượng có hành vi lợi dụng danh tiếng công ty để lừa đảo người khác nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, doanh nghiệp có thể sử dụng các biện pháp liên quan đến trách nhiệm dân sự.

Về trường hợp này, các doanh nghiệp có thể căn cứ vào điều 592 Bộ luật Dân sự để yêu cầu người gây thiệt hại bồi thường thiệt hại do việc sử dụng uy tín công ty trái phép nhằm lừa đảo người khác. Thiệt hại do uy tín bị xâm phạm, bao gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại khác do luật quy định…

Còn đối với trường hợp các đối tượng có hành vi lợi dụng danh tiếng công ty để lừa đảo gây thiệt hại nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.

TỪ KHÓA: dự án