Sau 4 tháng TP HCM giãn cách xã hội để phòng chống dịch, gần 80% mặt bằng dọc các tuyến đường Bùi Viện, Phạm Ngũ Lão, Đề Thám (quận 1), từng là khu phố Tây sầm uất, đã được người thuê trả lại. Các con đường đều trong tình trạng đóng cửa im ỉm, bên ngoài chi chít các tấm bảng cho thuê nhà hay cho thuê mặt bằng. Lác đác mới có một vài căn mở cửa bày bán các loại rau củ, trái cây. Những con đường nhộn nhịp trước đây xung quanh chợ Bến Thành như Ngô Đức Kế, Lê Thánh Tôn, Hồ Tùng Mậu... cũng khá hiu quạnh sau thời gian dài đóng cửa chống dịch.
Theo tìm hiểu của phóng viên, sau thời gian dịch bệnh kéo dài, nhiều chủ quán ăn, nhà hàng, quán cà phê, trà sữa ở TP HCM không cầm cự nổi đã chủ động đóng cửa, trả mặt bằng. Một số quán còn mở cửa cho biết nếu sắp tới thành phố chưa cho phục vụ tại chỗ thì họ cũng xem xét đóng cửa vì bán mang về không đủ bù đắp chi phí.
Anh Hoàng (ngụ TP Thủ Đức) - chủ 3 quán cà phê ở quận 10, Bình Thạnh và Phú Nhuận - cho biết ngay khi thành phố nới lỏng giãn cách, cho phép hàng quán được mở cửa buôn bán theo hình thức "bán mang về", anh đã quyết định thanh lý đồ đạc, trả mặt bằng và đóng cửa một quán cà phê ở đường Hoàng Hoa Thám (quận Bình Thạnh) vì không còn đủ sức để "gồng" 3 quán cùng lúc.
Nhiều mặt bằng ở khu phố Tây (quận 1, TP HCM) bị trả lại sau thời gian dịch bệnh kéo dài
"Tôi mở 3 quán cà phê được hơn 1 năm với tổng chi phí gần 5 tỉ đồng. Buôn bán chưa được bao lâu thì phải tạm đóng cửa vì dịch. Chủ nhà có giảm giá thuê mặt bằng nhưng tôi tự thấy không cầm cự nổi nên phải thu hẹp lại, nếu không sẽ càng làm càng lỗ. Hai quán còn lại ở Phú Nhuận và quận 10 tạm thời vẫn kinh doanh hiệu quả nên tôi giữ lại. Mong thành phố sớm cho bán tại chỗ để việc làm ăn của chúng tôi thuận lợi hơn" - anh Hoàng bày tỏ.
Trong khi đó, chủ một quán bar khá nổi tiếng tại quận 1 cho biết thành phố nới lỏng giãn cách rồi nhưng ông vẫn tiếp tục "gồng" lỗ chờ ngày được phép mở trở lại. Ông không muốn đóng cửa luôn vì đây là tâm huyết nhiều năm. "Dù đóng cửa nhưng tháng nào tôi cũng phải bỏ ra gần 300 triệu đồng để trả tiền mặt bằng, tiền lương để giữ chân hơn 30 nhân viên cơ hữu gồm bếp, pha chế, quản lý... Mấy tháng nay, tôi mất hơn 1 tỉ đồng mà không thu lại được đồng nào. Giờ tiến thoái lưỡng nan, đóng luôn thì tiếc, còn chờ thì không biết khi nào thành phố mới cho phép hoạt động trở lại" - chủ quán bar này cho biết.
Ông Trần Khải Minh Nhật, một chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh ngành hàng ăn uống (F