Báo cáo không đầy đủ
Kết luận của TTCP đã chỉ ra nhiều sai phạm tại các dự án điện mặt trời, điện gió tại Ninh Thuận. Trong đó, có sai phạm trong việc điều chỉnh quy hoạch, cho thuê đất đối với 4 dự án điện mặt trời chồng lấn hệ thống thủy lợi Tân Mỹ.
Kết luận thanh tra nêu rõ, UBND tỉnh Ninh Thuận đã không thực hiện đúng trách nhiệm bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định, đồng thời chuyển đổi quy hoạch sử dụng đất thủy lợi sang quy hoạch đất công trình năng lượng, phê duyệt các dự án điện mặt trời chồng lần lên quy hoạch thủy lợi mà không có ý kiến của Bộ NNPTNT, sử dụng đất trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi là vi phạm quy định tại Điều 8 và Điều 42 Luật Thủy lợi.
Ngoài ra, UBND tỉnh Ninh Thuận điều chỉnh quy hoạch đất thuộc Dự án thủy lợi nhưng không có ý kiến của Bộ NNPTNT là vi phạm Điều 43 Luật Đất đai; điều chỉnh quy hoạch đất cấp tỉnh chưa thực hiện đúng yêu cầu của Bộ TNMT tại Thông báo số 70 ngày 14/4/2017 về việc thuyết minh rõ các hạng mục điều chỉnh tăng giảm diện tích trong quy hoạch và cung cấp thông tin về đất không chính xác, vi phạm Luật Đất đai 2013.
Kết luận thanh tra cũng nêu rõ, Sở NNPTNT đã có ý kiến về việc không phù hợp trong việc sử dụng đất của các công trình nhà máy điện mặt trời và đề nghị UBND tỉnh Ninh Thuận xem xét không thực hiện đối với khu vực của dự án đã quy hoạch thủy lợi và khu vực tưới. Tuy nhiên, UBND tỉnh Ninh Thuận vẫn thực hiện chuyển đổi quy hoạch sử dụng đất và giao đất, cho thuê đất đối với các dự án điện mặt trời.
Trong việc báo cáo UBND tỉnh Ninh Thuận, Sở KHĐT đã báo cáo không đầy đủ các ý kiến của Sở NNPTNT, trong đó có ý kiến về sự chồng lấn đối với diện tích đất của Dự án điện mặt trời trên đất Dự án Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ đã được Bộ NNPTNT phê duyệt và triển khai thi công.
Không những thế, UBND tỉnh Ninh Thuận phản ánh không đúng về nội dung dự án chồng lấn khi nêu các dự án điện mặt trời có kết hợp trồng cây. Một phần kênh chính đã bị các dự án điện mặt trời chồng lấn với diện tích khu tưới và kênh bị lấn chiếm là 3,85 ha, không có cây trồng, một số vị trí kênh chưa thi công bị đứt gẫy không thể tiến hành thi công tiếp do đã bị chồng lấn, buộc phải nắn tuyến làm tăng chi phí ngân sách nếu không được thu hồi từ các chủ đầu tư dự án điện mặt trời (tại Văn bản số 160/BC-BQL của Ban 7 thì kinh phí xây lắp tăng thêm khoảng 10 tỷ đồng, chưa kể phần diện tích kênh bị chồng lần).
Ngoài ra, trong quá trình thẩm định về đất đai và đề nghị UBND tỉnh cho thuê đất, Sở TNMT đã không nêu rõ hiện trạng về nguồn đất có quy hoạch bị chồng lấn. Kết luận thanh tra cũng nêu rõ, trách nhiệm đối với những khuyết điểm, vi phạm nêu trên thuộc về UBND tỉnh Ninh Thuận, các sở, ngành tham mưu có liên quan.
Xây dựng nhà máy điện trước khi được cho thuê đất
Bên cạnh đó, TTCP cũng chỉ rõ, việc, UBND tỉnh Ninh Thuận đã cho Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Vịnh Nha Trang thuê đất đợt 2 với diện tích 30,18 ha tại xã Phước Hữu, Huyện Ninh Phước để thực hiện Dự án Nhà máy điện mặt trời Phước Hữu theo Quyết định số 333 ngày 30/8/2019. Tuy nhiên, diện tích này không được phê duyệt trong Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) của tỉnh Ninh Thuận theo Nghị quyết 113 ngày 30/8/2018 của Chính phủ, là vi phạm khoản 1 và khoản 2 của Điều 45 Luật Đất đai 2013 .
Sở Xây dựng tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Văn bản số 1031 ngày 13/4/2018 để thỏa thuận quy hoạch tổng mặt bằng trước khi Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Vịnh Nha Trang được UBND tỉnh Ninh Thuận cho thuê đất đợt 2. Tuy nhiên, TTCP đánh giá, việc làm này vi phạm khoản 6 của Điều 3 của Nghị định số 53/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 của Chính phủ.
Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Vịnh Nha Trang đã sử dụng đất để khởi công xây dựng và hoàn thành Nhà máy trước khi nhận được sự cho phép thuê đất 30,18 ha đợt 2 từ UBND tỉnh Ninh Thuận. Việc này này làm vi phạm Điều 12 của Luật Đất đai 2013. Thêm vào đó, việc thi công mà không có ý kiến của Sở Xây dựng về quy hoạch tổng mặt bằng là vi phạm quy định tại khoản 1 của Điều 107 Luật Xây dựng năm 2014 về điều kiện khởi công.
Theo TTCP, trách nhiệm về những vi phạm và khuyết điểm nêu trên được giao cho UBND tỉnh Ninh Thuận, các sở và ngành có liên quan cùng Chủ đầu tư dự án.
Trên cơ sở kết quả thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan, UBND tỉnh Ninh Thuận chủ trì, chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm nêu tại Kết luận thanh tra, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương khắc phục khuyết điểm, vi phạm theo quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng những vấn đề vượt thẩm quyền.