Thời gian gần đây, thị trường bất động sản có dấu hiệu sốt nóng tại nhiều địa phương. Đáng chú ý, tình trạng sốt đất không chỉ xảy ra ở những địa phương vốn có lợi thế và sức hấp dẫn nhất định trên thị trường mà đã lan rộng tới cả những vùng quê, nơi mà trước đây theo lời người dân là “không ai ngó”.
Theo đó, giá đất tại nhiều vùng nông thôn như Nam Định, Bắc Giang, Hải Dương,... giá đã tăng gấp 2 - 3 lần, cá biệt có nơi đã tăng gấp 4 lần chỉ trong 1 - 2 năm.
Ông Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường từng nhận định: "Hiện nay sự kích động của giới cò đất mang tính chủ yếu, làm cho giá đất các vùng ven đô tăng, rồi các vùng xa đô thị cũng sẽ tăng tiếp theo. Nếu sốt đất mạnh nữa thì có thể vùng xa vùng sâu cũng sẽ phải tăng".
Thực tế cho thấy, thông tin về các quy hoạch dự án là nguyên nhân chính tác động đến thị trường, là “cớ” cho cò đất thổi giá. Tuy nhiên, đa số dự án này mới chỉ nằm trên giấy, hoặc dừng lại ở chủ trương, chưa có gì rõ ràng. Qua bàn tay bơm thổi của cò đất, giá tại các khu vực dự án và lân cận tăng cao trong thời gian ngắn, thậm chí sốt từng giờ.
Để tạo sóng và trục lợi, một số đầu cơ còn tham gia đấu giá đất với mức giá cao ngất, sau đó bỏ cọc. “Chiêu trò” này nhằm nâng giá bán cho các khu đất trong khu vực - vốn đã được nhóm đầu cơ “gom” từ trước với mức giá rẻ.
Không chỉ làm đảo lộn giá trị thực, tình trạng này gây ra nhiều hệ lụy nhãn tiền cho các vùng quê có cơn sốt đi qua, gây bức xúc dư luận.
Trong tọa đàm “Vai trò nhà môi giới bất động sản trong xu thế mới” do VARS tổ chức mới đây, Nguyễn Mạnh Khởi - Cục phó Cục quản lý nhà ở và thị trường bất động sản nếu quan điểm, nếu như môi giới trước kia chỉ đi với các nhà đầu tư để giới thiệu về dự án thì bây giờ họ đã len lỏi tới các làng bản, tham gia vào cả các hoạt động đấu giá: “Đấu giá các lô đất nhỏ ở quê bây giờ cũng có môi giới về đấy hết. Họ cũng gửi đơn tham gia, kích cầu, kích giá. Đó là một thực trạng”.
Ngoài ra, việc thị trường thiếu thông tin minh bạch cũng là nguyên nhân khiến một số môi giới lợi dụng và có các hành vi như trên.
Từ đó lãnh đạo Cục quản lý nhà ở và thị trường bất động sản đặt ra các vấn đề về mặt thể chế, quy định pháp luật cần được bổ sung, hoàn thiện.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cũng cho biết, vừa rồi tại các địa phương có tình trạng đẩy giá, thổi giá, nhốn nháo trên thị trường bất động sản. Một số địa phương đã buộc phải tạm dừng phân lô, tách thửa.
Theo ông Đính, liên hệ thị trường bất động sản với thị trường chứng khoán vừa qua, khi mà hành vi thao túng thị trường được xác định là vi phạm pháp luật và bị điều tra hình sự. Do đó, vị chuyên gia đặt câu hỏi trong bất động sản hành vi đẩy giá, thao túng cả một địa phương có được gọi là hành vi phạm pháp luật?
“Hành vi đẩy giá, thao túng cả một địa bàn, địa phương như thế này có được gọi là vi phạm pháp luật không? Các quy định hiện nay có thể chưa có điều khoản nào nói rõ về việc đấy nhưng tôi thấy nếu đưa ra xử lý thì cũng có khá nhiều hành vi vi phạm”, ông Đính nói.
Từ đó, Chủ tịch VARS nhấn mạnh các môi giới nếu cứ hành nghề, hoạt động mà không nắm chắc quy định của pháp luật, không biết pháp luật cấm gì, quy định gì và có những hành vi vi phạm thì chắc chắn sẽ bị xử lý mạnh tay.
#/dieu-tra-hinh-su-ve-hanh-vi-thao-tung-thi-truong-chung-khoan-con-bat-dong-san-thi-sao-20220331021444043.chn