Diễn biến "lạ" của 2 thị trường BĐS Hà Nội và Tp.HCM

Dịch diễn biến kéo dài, theo các chuyên gia, các chủ đầu tư và nhà đầu tư đã và đang thay đổi để thích ứng với thị trường, dần chấp nhận dịch bệnh còn tồn tại và tiếp diễn. Theo đó, những phản ứng của thị trường trong thời gian gần đây không quá bi quan.

Cụ thể, theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc nhà ở CBRE Việt Nam, dù thị trường giảm nguồn cung và giao dịch do dịch bệnh, nhưng các CĐT chuẩn bị tâm thế để cố gắng quay trở lại thị trường bằng nhiều cách. Có một điều dễ nhận thấy nhất là trong hơn 18 tháng qua, khi dịch bệnh bùng phát, giá BĐS ở hầu hết các phân khúc gần như không sụt giảm mà vẫn đà tăng.

"Trong suốt quá trình dịch Covid-19 từ năm ngoái đến nay, mức giá BĐS đều xu hướng tăng. Cụ thể, Tp.HCM tăng 16%, Hà Nội tăng 7%", ông Kiệt cho biết.

Đáng chú ý, dịch cũng làm thay đổi thói quen, hành vi của người mua lẫn chủ đầu tư so với trước đây. The đó, diễn biến 2 thị trường BĐS lớn là Hà Nội và Tp.HCM cũng có sự khác biệt rõ nét trong thời gian qua. Cụ thể, trong nửa đầu năm 2021, Hà Nội có 24 dự án BĐS ra thị trường, còn Tp.HCM là 11 dự án. Đây là điều trái ngược so với trước đây. Gần như từ trước đến nay, nguồn cung BĐS Tp.HCM bao giờ cũng "trội" hơn so với Hà Nội, nhưng thời gian gần đây nguồn cung Hà Nội lại cao gấp đôi Tp.HCM, các dự án tập trung chủ yếu trong các khu đô thị lớn.

"Hệ thống hạ tầng giao thông kết nối hoàn thiện đang đang hỗ trợ rất lớn cho thị trường BĐS Hà Nội, nhất là ở phía Đông và phía Tây", ông Kiệt nhấn mạnh.

Diễn biến lạ của 2 thị trường BĐS Hà Nội và Tp.HCM - Ảnh 1.

Theo ông Kiệt, năm nay nguồn cung BĐS Tp.HCM giảm 10% so với năm 2020, thì Hà Nội lại tăng khoảng 10% so với cùng kì năm ngoái. Ở cả 2 thị trường, con số bán được BĐS tăng trên 20% (Tp.HCM tăng 28%, Hà Nội tăng 20%). Như vậy, tỉ lệ hấp thụ ở 2 miền đều cao, đặc biệt tại Tp.HCM giao dịch trung bình ở dự án mới đạt khoảng 76%.

Có một đặc điểm khác biệt dễ nhận thấy ở 2 thị trường BĐS này, theo ông Kiệt đó là mức giá căn hộ. Nhìn ở bình diện chung, giá căn hộ tại Hà Nội bao giờ cũng rẻ hơn Tp.HCM khoảng 10%. Lý giải về điều này, chuyên gia CBRE Việt Nam cho rằng, Tp.HCM phát triển về BĐS đi nhanh hơn Hà Nội một nhịp. 

Như khảo sát của CBRE chỉ ra, điều gì đang xảy ra ở thị trường BĐS Tp.HCM về mặt sản phẩm, khả năng sẽ diễn ra ở Hà Nội trong vòng 3-6 tháng tiếp theo. Bên cạnh đó, khả năng thu hút các CĐT quốc tế vào với thị trường BĐS Tp.HCM bao giờ cũng sớm hơn so với Hà Nội. Quan sát cho thấy, ở thị trường Hà Nội hầu hết các dự án BĐS đều phát triển bởi các CĐT trong nước, trong khi ở Hồ Chí Minh đầu tư nước ngoài nhiều hơn. Do đó, giá BĐS tại Tp.HCM chênh cao hơn từ 10-15% so với một sản phẩm tương tự tại Hà Nội.

"Cùng khu vực, cùng cấu hình sản phẩm, cùng kết nối tiện ích, khoảng cách di chuyển, giá căn hộ tại Hà Nội thấp hơn Tp.HCM. Tuy nhiên, khoảng cách này dần được rút ngắn lại. Các NĐT nước ngoài đang có xu hướng dịch chuyển đầu tư ra miền Bắc khá nhiều và ngược lại, khiến khoảng cách cách về tiêu chuẩn xây dựng, dịch vụ, tiện ích, giá bán… giữa 2 TP bắt đầu xích gần nhau" ông Kiệt nhấn mạnh.

Chia sẻ về mức giá trên thị trường thứ cấp hiện nay ở 2 khu vực Hà Nội và Tp.HCM, chuyên gia CBRE Việt Nam chỉ ra, tại Tp.HCM, do dịch diễn biến phức tạp kéo dài nên một số nhà đầu tư BĐS chấp nhận bán dưới giá kì vọng so với trước đây. Chẳng hạn, một BĐS mua vào với giá 5 tỉ thời điểm 2019-2020, sau đó chào giá 6.5 tỉ đồng vào năm 2021 (tăng khoảng 30%), thì hiện do tình hình dịch bệnh nên NĐT chào bán khoảng 6-6.2 tỉ đồng. Họ giảm kì vọng để thanh khoản nhanh. Tuy nhiên, tình trạng này không xuất hiện như một trào lưu, chỉ diễn ra ở một số sản phẩm, dự án, NĐT.

"Còn tại Hà Nội, chưa thấy diễn ra tình trạng nhà đầu tư chấp nhận bán tháo BĐS trên thị trường thứ cấp", ông Kiệt cho hay.

Nhìn chung, vị chuyên gia này cho rằng, nguồn cung đang giảm nhiều trên thị trường BĐS nhưng nhu cầu vẫn còn rất lớn. Hầu hết các dự án BĐS mở bán giai đoạn đầu tỉ lệ hấp thụ khá tốt.