KTS Đào Ngọc Nghiêm – Nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội
Chủ trương di dời trụ sở các Bộ, ngành, cơ quan T.Ư ra khỏi nội đô Hà Nội được thông qua tại Nghị quyết số 16/2008/NĐ-CP của Chính phủ. Đến tháng 1/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội.
Đây được đánh là chủ trương cấp bách, Hà Nội cũng đã từng đưa ra quy hoạch về việc di dời cơ sở hành chính thành một thành phố riêng biệt như Xuân Hoà hay Ba Vì. Tuy nhiên, cho đến nay các đề án này chỉ nằm trên ý tưởng.
Lợi ích sinh ra trên đất vàng
Đã có nhiều đơn vị đổ lỗi do không có nguồn vốn để di dời nên kế hoạch chưa thực hiện được. Thực tế ngược lại, một số cơ sở dù đã di dời ra ngoại thành, nhưng vẫn muốn "ôm" đất trong nội thành để làm cơ sở 2.
Đơn cử như Bộ Tài nguyên và Môi trường dù trụ sở mới khánh thành năm 2011, song trụ sở cũ tại Nguyễn Chí Thanh vẫn đang được cơ quan của Bộ sử dụng. Tương tự, trụ sở mới của Bộ Khoa học và Công nghệ được xây dựng cao 13 tầng tại Hoàng Đạo Thúy (Cầu Giấy). Cuối năm 2011 công trình này đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Nhưng trụ sở cũ tại số 39 phố Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội) vẫn đang được sử dụng.
Có thể nói, việc di dời trụ sở Bộ, ngành chậm trễ không chỉ do thiếu nguồn lực, mà còn liên quan đến lợi ích sinh ra trên đất vàng.
Thông tin mới đây, Bộ Xây dựng cho biết đang hoàn thiện đồ án quy hoạch hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, ngành, trong đó đề xuất di dời 13 cơ quan ra khu tây Hồ Tây và Mễ Trì.
Khu vực Tây Hồ Tây nằm trong tổng thể khu đô thị mới Tây Hồ Tây đã và được quy hoạch phát triển hạ tầng đồng bộ, bao gồm các tuyến đường đối ngoại, tuyến đường chính đô thị, đường sắt đô thị, giao thông công cộng. Các dự án hiện có tại khu vực có mật độ dân số trung bình.
Trong khi đó với khu vực Mễ Trì nằm trong vùng phát triển đô thị mở rộng phía tây của Hà Nội, kế cận với tuyến đường vành đai 3, trục hướng tâm đại lộ Thăng Long, đường Tố Hữu… các tuyến đường này hiện đang bị áp lực tắc nghẽn giao thông khá trầm trọng, hạ tầng đô thị thiếu đồng bộ, hình thành theo các dự án riêng lẻ, thiếu kết nối, các dự án đầu tư gần đây có quy mô rất lớn, nhiều công trình cao tầng, nên khu vực Mễ Trì chịu ảnh hưởng quá tại hạ tầng của các khu vực lân cận.
Do đó, nếu xác định di dời trụ sở các Bộ, ngành về 2 khu vực này, cần tính toán thêm bài toán về nguồn lực phát triển hạ tầng kết nối đồng bộ hơn nữa.
Bài toán đường dài
Trên thực tế, Hà Nội đã có những tiền lệ liên quan đến việc các trụ sở di dời được đấu giá, sau đó lại trở thành các dự án bất động sản cao tầng gây áp lực về mật độ dân số và áp lực giao thông cho nội đô.
Do đó, trước hết cần nhận diện di sản của khu vực sẽ phải giải phóng mặt bằng. TP. Hà Nội cũng như Trung ương cần thống nhất chức năng của đơn vị mới tiếp quản làm gì. Xây dựng lộ trình và phải nhìn nhận được những "điểm nóng" để giải quyết, như nguồn lực, xác định mục tiêu trước khi đấu giá trụ sở cũ…
Song song, để thực hiện tốt chủ trương này cần xem xét tổng thể về khung pháp lý, về cơ chế chính sách để phát hiện các vấn đề còn vướng mắc. Và muốn thay đổi được tình trạng trên, phải tạo ra cơ chế đặc thù cho Hà Nội. Vì không chỉ với các trụ sở bộ, ngành. Ngay cả việc di dời các trường học, các cơ sở công nghiệp cũng vướng vấn đề Luật Đất đai.
Luật Thủ đô đang sửa đổi dự kiến trình Quốc hội thông qua trong năm nay có nội dung để cho Hà Nội có quyền được tiếp nhận, thu hồi đất đai của các bộ, ngành, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đã có trong danh sách di dời, đã được bố trí trụ sở mới.
Sau khi tiếp nhận, Hà Nội sẽ xây dựng các công trình công cộng, không gian xanh. Hy vọng, nếu Quốc hội thông qua thì Hà Nội mới có thể thực hiện được.