"Phép thử" để các doanh nghiệp đẩy nhanh số hóa
Vinhomes mới đây ra mắt sàn thương mại điện tử bất động sản Vinhomes Online với phương châm “Stay home – Buy home”, kết nối trực tiếp giữa chủ đầu tư và khách hàng thông qua máy tính hoặc điện thoại.
Trên nền tảng tích hợp đa phương tiện, khách hàng có thể thực hiện toàn bộ quá trình mua nhà từ xa, từ việc tìm thông tin dự án, vị trí, quy hoạch, tiếp cận tài liệu bán hàng đến tư vấn, hỗ trợ, thậm chí là đặt mua, thanh toán hoàn tất giao dịch.
Sunshine Group cũng đang đẩy mạnh hoạt động bán hàng, đầu tư bất động sản thông qua ứng dụng bán hàng trực tuyến Sunshine App - một ứng dụng Fintech tích hợp đồng bộ nhiều tính năng trên nền tảng công nghệ.
Ứng dụng này giúp đáp ứng nhiều nhu cầu của khách hàng, từ mua – bán – cho thuê nhà, đầu tư online, tư vấn dự án, cho vay tiêu dùng, quản lý nhà cửa.
Thực tế, không phải đợi đến dịch Covid-19, các nền tảng ứng dụng công nghệ trong bất động sản mới xuất hiện mà đã manh nha khá lâu, nhưng chỉ khi đại dịch bùng phát, nó mới trở thành phương thức kinh doanh chính của nhiều doanh nghiệp bất động sản, thay thế cho cách mở bán, gặp gỡ khách hàng thông thường.
Nếu như trước đây, các doanh nghiệp còn dè dặt trong việc đầu tư vào các ứng dựng bán hàng trực tuyến thì dịch bệnh lần này chính là "phép thử" để họ đẩy nhanh tiến độ số hóa.
Một số chủ đầu tư bất động sản đã đưa ra các ứng dụng, trang web để bán hàng. Trên đó, tất cả các thông tin về sản phẩm đều được công khai đăng tải. Còn các sàn giao dịch bất động sản lớn cũng nhanh nhạy chuyển sang phương thức bán hàng online, mở các buổi livestream, hội thảo giới thiệu dự án, cơ hội đầu tư trực tuyến trên website hoặc thông qua mạng xã hội để tìm kiếm khách hàng.
Nhiều ông lớn bất động sản như Hưng Thịnh, Novaland, DKRA, Phú Đông Group đã bắt đầu triển khai công nghệ bán hàng online cho nhân viên và xem đó là kim chỉ nam trong mùa dịch.
Tập đoàn Vạn Phúc cũng vừa áp dụng phần mềm Fastkey của Property Guru Singapore vào việc bán hàng tại dự án Van Phuc City, quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh để giúp nhân viên tiếp cận khách hàng trong thời kỳ dịch bệnh.
Còn với CenGroup, doanh nghiệp dường như đang thắng đậm khi ứng dụng bán hàng trực truyến trên nền tảng CenHomes đã đưa vào hoạt động từ 2 năm nay đang cho thấy hiệu quả rõ rệt trong mùa dịch.
Lượng khách hàng truy cập vào ứng dụng bán hàng trực tuyến này thời gian gần đây tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2019. Hiện có đến 90% các giao dịch thành công của CenGroup được thực hiện qua kênh bán hàng này.
Nhận định về sự nở rộ càng ứng dụng bán hàng trực tuyến trên thị trường bất động sản, ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch CenGroup cho rằng, bên cạnh việc giúp các chủ đầu tư và sàn giao dịch có thể tìm kiếm khách hàng, giao dịch bất động sản trực tuyến sở hữu rất nhiều ưu điểm đối với cả các khách hàng và chủ đầu tư.
Theo đó, tất cả các chính sách bán hàng, chương trình ưu đãi đặc quyền và giá bán sẽ được công bố chính xác, công khai và minh bạch. Khách hàng sẽ được mua nhà giá gốc với chi phí thấp nhất, trong thời gian ngắn nhất và tiện lợi nhất.
Mặt khác, phương thức giao dịch này còn giúp nâng cao trải nghiệm người dùng và mở rộng cơ hội tiếp cận cho các khách hàng ở xa, đặc biệt phù hợp với giới trẻ yêu công nghệ và những nhà đầu tư bận rộn.
Ngay cả khi không có dịch bệnh Covid-19 thì việc bán bất động sản trực tuyến cũng sẽ phát triển trở thành một xu hướng mới trong phương thức giao dịch của thị trường, ông Hưng nhận định.
Chưa thể thay thế môi giới viên
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch CenGroup, các sàn giao dịch bất động sản trực tuyến chỉ là một phương thức giao dịch mới, không làm thay đổi bản chất hàng hoá. Việc ra đời các sàn này có thể sẽ ảnh hưởng tới các sàn giao dịch nhỏ, hoạt động theo phương thức truyền thống, không có cách tiếp cận khách hàng theo phương thức mới. Trong khi đó, các sàn giao dịch kịp thời thay đổi sẽ có cơ hội phát triển tốt hơn.
Nguyên nhân là do việc đầu tư một hệ thống giao dịch trực tuyến không đơn giản. Nó đòi hỏi các chủ đầu tư, sàn giao dịch phải có tiềm lực tài chính mạnh và nền tảng vững chắc về công nghệ.
Đây sẽ là giải pháp đường dài chứ không đơn thuần là xoay sở, ứng phó theo tình thế. Đơn cử như CenGroup đã đầu tư hàng chục tỷ đồng vào ứng dụng CenHomes trong vòng hai năm qua để có được thành quả như hiện tại.
Dù vậy, giao dịch bất động sản trực tuyến có thể tiến đến thay thế dần phương pháp bán hàng truyền thống trong tương lai hay không vẫn còn là một câu hỏi. Theo ông Hoàng Liên Sơn, Giám đốc Alpha Real, bất động sản là một tài sản lớn, người mua có nhu cầu cao trong việc "thực chứng" sản phẩm, để có thể tin tưởng và ra quyết định.
Do đó, mua bất động sản là một quyết định rất khó khăn. Những quyết định này không thể loại bỏ được vai trò của nhân viên môi giới trong việc gặp gỡ, trực tiếp giới thiệu sản phẩm cho khách hàng.
Các ứng dụng bán hàng trực tuyến chỉ là công cụ để tiếp cận khách hàng, cung cấp cho khách hàng những thông tin ban đầu về sản phẩm, “tạo độ phủ thương hiệu” cho sản phẩm để khách hàng dễ dàng biết đến chứ không thể thay thế được vai trò của con người, nhân viên kinh doanh, đội ngũ tư vấn.
Theo ông Sơn, để thay đổi văn hóa tiêu dùng của người Việt khi chọn mua bất động sản trực tuyến cần một thời gian dài. Trong đó, các doanh nghiệp cần đầu tư đồng bộ và dài hạn vào các ứng dụng bán hàng trực tuyến, đồng thời vẫn phải nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên tư vấn và kinh doanh.
Đồng quan điểm, anh Minh, một môi giới bất động sản tại Hà Nội cũng cho rằng, các ứng dụng bán hàng trực tuyến đang có vai trò như một kênh cung cấp thông tin, hỗ trợ môi giới bán hàng. Thị trường bất động sản cần thêm thời gian để thói quen mua bất động sản trực tuyến của người dân hình thành và trở nên thông dụng.
Theo đó, ít nhất trong năm năm tới, việc bán bất động sản sẽ vẫn được thực hiện chủ yếu qua các chuyên viên tư vấn, môi giới bất động sản, anh Minh cho hay.