Đến năm 2030, làm sao có 1 triệu căn nhà ở xã hội?

Để doanh nghiệp mặn mà với việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, cần tháo gỡ những vướng mắc liên quan quỹ đất, vốn vay ưu đãi…

Theo chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sẽ có phiên chất vấn và trả lời chất vấn từ ngày 3 đến 5-11. Xây dựng là 1 trong 4 lĩnh vực được lựa chọn để chất vấn. Trong đó, việc xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân vốn rất được dư luận quan tâm. Phóng viên Báo Người Lao Động đã trao đổi với đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - xung quanh nội dung này.

Phóng viên: Ông có thể khái quát nhu cầu, hiện trạng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân ở nước ta hiện nay?

- Đại biểu Quốc hội TRẦN VĂN KHẢI: Nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân hiện nay là rất lớn và cấp bách. Số liệu báo cáo của Bộ Xây dựng năm 2022 cho thấy nhu cầu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân ở khu công nghiệp trong giai đoạn 2021-2030 là khoảng 2,6 triệu căn hộ. Trong đó, từ năm 2021-2025 là khoảng 1,3 triệu căn.

Đến năm 2030, làm sao có 1 triệu căn nhà ở xã hội? - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội TRẦN VĂN KHẢI

Việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đến nay đạt kết quả rất thấp so với mục tiêu đề ra. Cụ thể, hiện mới đạt 5,2/12,5 triệu m2, tương đương khoảng 41,6% của "Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030" do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30-11-2011.

Các doanh nghiệp (DN) chưa mặn mà đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Theo ông, đâu là nguyên nhân?

- Dù có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vẫn gặp không ít khó khăn.

Thứ nhất, DN rất khó tiếp cận các gói tín dụng để đầu tư, xây dựng dự án nhà ở xã hội. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã triển khai chương trình cho vay để đầu tư dự án nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, DN được hỗ trợ khoản vay qua các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, ngân sách để cấp bù lãi suất theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP chưa bố trí được, nên các tổ chức tín dụng được chỉ định chưa triển khai chương trình này.

Bên cạnh đó, DN cũng khó tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vừa qua.

Đến năm 2030, làm sao có 1 triệu căn nhà ở xã hội? - Ảnh 2.

Các dự án nhà ở xã hội chỉ mới đáp ứng hơn 40% nhu cầu. Trong ảnh: Chung cư nhà ở xã hội Chương Dương Home ở TP Thủ Đức, TP HCM. Ảnh: QUỐC ANH

Thứ hai là khó khăn về cơ chế, chính sách đất đai. Theo tôi, đây là một nút thắt lớn khiến việc thực hiện "Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030" không thành công. Bộc lộ rõ nhất là việc thiếu quỹ đất sạch để triển khai các dự án nhà ở xã hội. Nguyên nhân là do vẫn có tình trạng chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội.

Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy tổng diện tích đất ở đã bố trí để phát triển nhà ở xã hội của cả nước là 3.359 ha, chỉ đạt 36,34% so với nhu cầu. Với quỹ đất nhà ở xã hội đã có trong quy hoạch thì chủ đầu tư nhà ở thương mại chậm triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng hoặc chưa đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nên chưa thể triển khai xây dựng nhà ở xã hội. Ngoài ra, thủ tục giao đất phức tạp, kéo dài, khó tiếp cận cũng làm DN nản lòng.

Nhiều DN phản ánh thủ tục đầu tư nhà ở xã hội khá rườm rà so với nhà ở thương mại, có thể mất tới vài năm. Chính phủ cần tháo gỡ vướng mắc này như thế nào?

- Dù nhà ở xã hội là lĩnh vực được ưu tiên về mặt thủ tục hành chính nhưng đã có nhiều DN phản ánh rằng không khác gì với dự án nhà ở thương mại. Thậm chí, một thủ tục mà mất 3 năm vẫn chưa làm xong. Ví dụ, với quy định nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nhưng thay vì cấn trừ luôn để rút ngắn thời gian, giảm chi phí cho DN thì cơ quan chức năng vẫn thẩm định như dự án nhà ở thương mại. Sau khi ra quyết định số tiền sử dụng đất DN phải đóng, nhà nước mới ra quyết định miễn. Có lẽ, đây là nguyên nhân khiến DN nản lòng, không muốn làm nhà ở xã hội. Bởi lẽ, đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thì lợi nhuận thấp trong khi thủ tục hành chính kéo dài.

Ngoài ra, DN còn phản ánh có nhiều vướng mắc liên quan các quy định, thủ tục xác định giá bán, tiền sử dụng đất, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, cấp phép dự án…

Chính phủ cần quyết liệt, nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc; sửa đổi, hoàn thiện các quy định theo hướng cắt giảm tối đa thủ tục hành chính phiền hà, rườm rà, không cần thiết đối với dự án nhà ở xã hội như đã nêu trên. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu cơ chế quy định một đầu mối quản lý thống nhất ở các địa phương về phát triển nhà ở xã hội. Bố trí quỹ đất cho nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại một cách linh hoạt, khả thi, hiệu quả, phù hợp nhằm tạo thuận lợi nhất để các DN hào hứng chung tay phát triển nhà ở xã hội.

Để thực hiện Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 như Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ, những nút thắt nào cần tháo gỡ ngay?

- Về giải pháp liên quan đất đai, theo tôi, để tạo quỹ đất phục vụ nhu cầu xây dựng nhà ở xã hội, Luật Đất đai cần sửa đổi theo hướng giao cho UBND các tỉnh, thành phố trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch xây dựng tại địa phương phải dành quỹ đất để đầu tư phát triển dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân phù hợp với nhu cầu, điều kiện của địa phương.

Thực tế, pháp luật về nhà ở đã quy định việc dành quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội. Theo đó, việc dành quỹ đất được giao cho chủ đầu tư dự án thương mại (20%) và thực hiện ở các đô thị từ loại III trở lên. Việc dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội cần thực hiện trên diện rộng. Nếu quy định chỉ dành 20% quỹ đất đô thị loại III thì sẽ hạn chế nguồn đất để phát triển nhà ở xã hội, nhất là những khu vực không phải đô thị loại III, đặc biệt là những khu vực có khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, cần sửa đổi các quy định liên quan trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, lựa chọn chủ đầu tư, quản lý mua - bán... theo hướng đơn giản, dễ thực hiện. Các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân phải đủ hấp dẫn, thực chất, khuyến khích được DN tham gia. Cần có cơ chế huy động hợp tác công - tư bảo đảm lợi ích của các bên.

Ngoài ra, các địa phương phải đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm. Người đứng đầu địa phương phải quan tâm đôn đốc, linh hoạt vận dụng các quy định của pháp luật để thực hiện các mục tiêu này. Người đứng đầu các bộ, ngành cũng phải có trách nhiệm quan tâm, tạo điều kiện, cơ chế thuận lợi để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp.

Vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân sẽ được các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị tại kỳ họp này. Ông kỳ vọng gì ở phiên chất vấn sắp tới?

- Qua tiếp xúc cử tri, đặc biệt với người lao động tại các khu công nghiệp, họ đều thể hiện mong muốn "an cư lạc nghiệp". Với mong muốn chính đáng đó, tôi mong rằng tại phiên chất vấn này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng sẽ giải đáp thấu đáo, nhìn nhận thẳng thắn các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu liên quan việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp.

Tôi cũng kỳ vọng Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị sẽ đưa ra được các giải pháp căn cơ để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thực hiện mục tiêu của Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 như Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ, thể hiện trách nhiệm với nhân dân cả nước.

Quốc hội sẽ thảo luận nhiều dự án luật

Trong tuần làm việc thứ 3 (từ ngày 31-10 đến 5-11), Quốc hội khóa XV sẽ thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Quốc hội cũng thảo luận, cho ý kiến về các dự án luật: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi).