'Đế chế' địa ốc Tiến Phước chìm trong thua lỗ

Giới đầu tư kỳ vọng với những kinh nghiệm đã tích lũy được sau ngót 3 thập kỉ thăng trầm trên thị trường địa ốc, doanh nhân kì cựu Nguyễn Thành Lập cùng các cộng sự sẽ nhanh chóng đưa Tiến Phước vượt qua những khó khăn của năm 2020.

Trải qua giai đoạn 2018-2019 gần như "đóng băng", thị trường địa ốc TP.HCM bước sang năm 2020 tiếp tục gặp nhiều khó khăn trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Được biết đến là một tập đoàn bất động sản hàng đầu TP. HCM, CTCP Bất động sản Tiến Phước (Tiến Phước Group) cũng đang trải qua giai đoạn đầy chông gai.

Theo dữ liệu của Nhadautu.vn, trong nửa đầu năm 2020, Tiến Phước đã phải ghi nhận khoản lỗ sau thuế lên đến 55,4 tỷ đồng. Các thành viên khác trong Group cũng không khả quan hơn. CTCP Tư vấn Đầu tư và Kỹ thuật Mê Kông báo lỗ khoản lỗ sau thuế 65,5 tỷ đồng trong khoảng thời gian này. Còn CTCP Sàn giao dịch BĐS Tiến Phước (Tiến Phước Land) cũng chỉ lãi vỏn vẹn 520 triệu đồng, trên tổng tài sản 1.150 tỷ đồng.

Tiến Phước Group có lịch sử hoạt động từ đầu thập niên 90, là lứa doanh nghiệp địa ốc đầu tiên của TP.HCM, bên cạnh những Nam Long hay Vạn Thịnh Phát.

Với chiến lược phát triển bền vững, đánh đâu chắc đó, một thời gian dài nói không với nợ ngân hàng, Tiến Phước vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng địa ốc, và đến thời điểm hiện tại, dù không phải số 1, song cũng khiến không ít đối thủ tại TP.HCM phải e dè.

Danh mục dự án làm nên tên tuổi của Tiến Phước như Khách sạn Le Meridien tại 3C Tôn Đức Thắng (Quận 1), Khu dân cư Long Trường (Quận 9), Khu dân cư Senturia Vườn Lài 9,8ha (Quận 12), Khu dân cư Senturia Nam Sài Gòn 19,8ha (huyện Bình Chánh), Palm Heights 30ha (Quận 2), Senturia An Phú 18,2ha (Quận 2) hay liên doanh với Trần Thái Group, Keppel Land và Gaw Capital thực hiện dự án Empire City tỷ đô tại Khu đô thị Thủ Thiêm.

Bên cạnh TP.HCM, Tiến Phước Group đang nỗ lực mở rộng quỹ đất tại các địa phương vệ tinh trong vài năm trở lại, mà nổi bật là dự án Khu đô thị mới Cỏ May quy mô 149ha, vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng tại TP. Vũng Tàu mà tập đoàn của ông Nguyễn Thành Lập đang là ứng viên sáng giá. Cũng tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiến Phước đang xin chủ trương thực hiện dự án Điện mặt trời Châu Pha tại huyện Tân Thành có diện tích đất 51ha, vốn đầu tư gần 1.178 tỷ đồng.

Ngoài ra, không thể không đề cập đến lĩnh vực y tế, là một nhánh đầu tư quan trọng của ông chủ Tiến Phước, hiện được phụ trách bởi phu nhân của ông Lập - bà Nguyễn Thị Cửu Kim Chi cùng con gái Nguyễn Thị Mỹ Linh. Tập đoàn, thông qua Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Mỹ Mỹ đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Mỹ (AIH) tại Phường An Phú, Quận 2 (TP.HCM). Dự án có vốn khoảng 40 triệu USD, đã khánh thành và đi vào hoạt động từ tháng 10/2018.

Đế chế địa ốc Tiến Phước chìm trong thua lỗ - Ảnh 1.

Chủ tịch Tiến Phước Group ông Nguyễn Thành Lập


Thua lỗ kéo dài

Điều bất ngờ là không phải tới năm 2020 với ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Tiến Phước mới báo lỗ, mà từ nhiều năm trước, tập đoàn địa ốc đình đám Sài Thành đã duy trì kết quả kinh doanh kém khả quan.

Năm 2019, doanh thu của Tiến Phước (công ty mẹ) là 155,8 tỷ đồng, là mức thấp nhất trong giai đoạn 2017-2019; lỗ thuần 126,2 tỷ đồng.

Tiến Phước Land - pháp nhân cuối năm ngoái thu hút sự chú ý của giới đầu tư khi phát hành hơn 1.000 tỷ đồng trái phiếu, gấp...50 lần vốn điều lệ, tới cuối năm 2019 chỉ có vốn chủ sở hữu 12,5 tỷ đồng, so với vốn điều lệ 20 tỷ đồng, có nghĩa rằng doanh nghiệp này đang trong tình trạng lỗ luỹ kế nhiều năm. Và cũng bởi vậy, mà tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu của Tiến Phước Land đến cuối tháng 6/2020 đã lên tới 87 lần - con số rất rủi ro đối với một doanh nghiệp bất động sản.

CTCP Tiến Phước