Sợ tạo tiền lệ xấu, đánh mất giá trị căn nhà
Để mặt bằng shophouse nhà phố trống vài tháng nhưng chị Dân (ngụ Q.2, Tp.HCM) vẫn không “thoả hiệp” giảm giá với khách thuê, dù chỉ 500 ngàn đồng/tháng. Chị tiếp tục đóng cửa và chờ khách thuê với giá đúng như chị đặt ra.
Đây cũng là tình trạng phổ biến diễn ra trên thị trường cho thuê tại Tp.HCM. Nhiều người quan niệm, sau thời điểm Tết nguyên đán, hay dịch Covid-19 sẽ thuê được mặt bằng thương lượng giá tốt. Thế nhưng thực tế việc này khó diễn ra khi chủ nhà không hạ giá thuê. Trong khi, qua mỗi năm giá mặt bằng có xu hướng tăng lên.
Còn nhớ, thời điểm sau Covid-19, loạt mặt bằng nhà phố khu trung tâm Tp.HCM đóng cửa im lìm. Tuy nhiên, việc giảm giá chỉ diễn ra cục bộ trong 1-2 tháng, ở một số chủ nhà. Ngay sau đó, các mặt bằng này giá lại tiếp tục tăng. Ghi nhận cho thấy, người thuê khó thương lượng giảm giá sâu ở những mặt bằng vị trí đẹp.
Không ít chủ nhà chấp nhận để trống chứ không hạ giá cho thuê.
Một chủ nhà tại Q.Bình Thạnh (Tp.HCM) từng chia sẻ, thương lượng giảm giá trong bối cảnh khó khăn là có. Nhưng mức thương lượng này nằm trong hoạch định giá của chủ nhà chứ không phải chiều lòng khách thuê. Bởi lẽ, mỗi lần khó khăn, chấp nhận giảm giá thuê theo mong muốn của khách thuê sẽ tạo thành tiền lệ xấu. Cũng giống như trường hợp nhiều người chờ đến 30 Tết mới đi mua hoa. Vì thế, nhiều chủ nhà chấp nhận bỏ mặt bằng trống chứ quyết không giảm giá thuê.
Khảo sát cho thấy, sau dịch Covid-19, nhiều mặt bằng nhà phố tại một số tuyến đường sầm uất như đường Ngô Đức Kế, Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, Phạm Hồng Thái, Lý Tự Trọng, Nguyễn Huệ… tiếp tục tăng giá thuê so với thời điểm trước dịch. Mặt bằng giá đã thiết lập mới vào đầu năm 2022.
Thực tế, ngay thời điểm Covid-19, bên cạnh các chủ nhà san sẻ khó khăn với người thuê thì khá nhiều chủ thuê kiên quyết giữ giá. Có chăng họ sẽ thương lượng thời gian thuê hợp đồng thay vì hạ giá thuê theo yêu cầu của khách.
“Không những tạo tiền lệ xấu, nếu giảm giá thuê sâu từ 30-40% còn vô tình làm căn nhà mất giá trị trong mắt người khác. Đó là lý do, đa số chủ nhà chấp nhận bỏ trống mặt bằng trong thời gian để tìm người thuê đúng giá”, một môi giới chuyên cho thuê mặt bằng tại Q.1, Tp.HCM chia sẻ.
Chưa kể, nhìn về tương lai, nhiều chủ nhà cho rằng, các mặt bằng ở vị trí trung tâm luôn có nhu cầu. Thay vì vội vàng giảm giá, nhiều người chấp nhận chờ. Mặc dù trong đó, không ít người phải trả lãi ngân hàng hoặc đóng thuế đất.
Nhiều chủ nhà không muốn tạo tiền lệ xấu và mất giá trị căn nhà cho thuê. Ảnh: Hạ Vy
Giá mặt bằng cho thuê tăng sau Tết nguyên đán
Ghi nhận cho thấy, sau khoảng thời gian trầm lắng về giá thuê, hiện các mặt bằng cho thuê thuộc phân khúc nhà phố, bán lẻ đều có xu hướng tăng giá sau Tết nguyên đán 2023.
Nếu thời điểm tháng 6/2022, khách thuê căn nhà mặt tiền lớn tại khu ven Tp.HCM giá khoảng 15-16 triệu đồng/tháng thì hiện tại mức này đã dao động 18-19 triệu đồng/tháng với các căn cùng khu vực, vị trí. Trong khi ở khu trung tâm Tp.HCM, cuối năm 2021 mặt bằng 100m2 có giá thuê dao động từ 50-70 triệu đồng/tháng thì hiện tại là 60-100 triệu đồng/tháng.
Đây cũng là chuyện khó hiểu trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Nhưng theo cách giải thích của một môi giới cho thuê lâu năm thì nhu cầu thuê mặt bằng luôn có khiến giá thuê liên tục tăng theo năm. Thậm chí, càng lúc khó khăn, nhiều người có xu hướng chuyển sang lĩnh vực kinh doanh như thời trang, quán ăn, cafe… nên nhu cầu thuê lại mặt bằng càng lớn.
Hiện tại, tại các khu vực buôn bán sầm uất lâu năm thuộc khu ven Sài Gòn như Q.Thủ Đức, Q.9 (cũ, nay là Tp.Thủ Đức), để tìm kiếm các mặt bằng tương đối rộng với mức giá 20-25 triệu đồng/tháng là không dễ dàng. Theo môi giới, có thời điểm các căn nhà thuê giá 20-30 triệu đồng/tháng vừa ra “lò” đã nhận cọc ngay từ khách thuê. Nguồn hàng trong ngưỡng giá này khá khan hiếm nên khách vào thuê khá nhanh.
Nhiều chủ thuê nhìn thấy nhu cầu thuê mặt bằng còn khá lớn. Ảnh minh hoạ.
Theo Báo cáo của Cushman