Đấu giá đất kiểu "xã hội đen", UBND tỉnh vào cuộc chấn chỉnh

Thanh Hóa có công văn số 2648/UBND-KTTC chấn chỉnh hoạt động đấu giá đất, ngăn chặn hành vi thông đồng, dìm giá, lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất ở để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.

Các trường hợp có kết quả đấu giá cao bất thường bị chú ý

Để kịp thời ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất ở một số nơi để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường, lãng phí nguồn lực đất đai và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân trong các giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bất động sản, góp phần mang lại nguồn thu cao nhất cho ngân sách nhà nước, hoàn thành thắng lợi kế hoạch, dự toán thu NSNN năm 2022 trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Tư pháp, Xây dựng, Cục Thuế tỉnh, Công an tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Thanh Hoá, UBND các huyện, thị xã, thành phố và Trung tâm Phát triển quỹ đất Thanh Hóa, tiếp tục thực hiện nghiêm, có hiệu quả nội dung liên quan đến chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ), công tác quản lý nhà nước về giá đất, thị trường bất động sản và hoạt động thẩm định giá của nhà nước.

Lãnh đạo tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu xác định giá khởi điểm đối với những thửa đất hoặc khu đất có giá trị từ 20 tỷ đồng trở lên trên cơ sở khảo sát thực tế đầy đủ, khách quan, trung thực các giao dịch đất đai, bất động sản ở địa phương, đảm bảo sát với giá thị trường tại thời điểm định giá.

Sở này có trách nhiệm chỉ đạo, giám sát Trung tâm Phát triển quỹ đất Thanh Hóa trong việc tổ chức hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất khi được UBND tỉnh giao đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định của UBND tỉnh, không để tình trạng lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường…

Đối với Sở Tài chính, tỉnh giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc xác định giá khởi điểm để bán tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức đấu giá; đấu giá quyền sử dụng đất đối với những thửa đất hoặc khu đất có giá trị dưới 20 tỷ đồng.

Sở Tư pháp tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc lựa chọn đơn vị bán đấu giá tài sản, hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản, công tác tổ chức đấu giá, lưu trữ hồ sơ đấu giá, ngăn chặn, xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật của đơn vị có tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên, người tham gia đấu giá, tổ chức công chứng có dấu hiệu lập hồ sơ "ký chờ", "ký gửi", kê khai giá chuyển nhượng tại hợp đồng công chứng thấp hơn giá thực tế chuyển nhượng (hai giá) nhằm trốn thuế.

Sở Xây dựng phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, UBND các huyện, thị xã, thành phố, nghiên cứu, đánh giá cụ thể tác động của kết quả đấu giá quyền sử dụng đất trong thời gian vừa qua, nhất là những trường hợp có kết quả đấu giá cao bất thường đến mặt bằng giá đất, nhà ở, thị trường (cung, cầu) nhà ở, bất động sản…

Xử lý hoạt động đấu giá theo kiểu "xã hội đen"

Chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hoá cũng nêu rõ, Công an tỉnh Thanh Hoá chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan và chính quyền các cấp trong đảm bảo an ninh, trật tự và bố trí đủ lực lượng đảm an ninh trật tự tại các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất, bán tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức đấu giá.

Chỉ đạo các phòng chức năng, Công an cấp huyện, cấp xã, tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác nắm bắt tình hình, đấu tranh, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi như thông đồng, dìm giá, nhóm lợi ích cấu kết với người có thẩm quyền nhằm chi phối các cuộc đấu giá, hoạt động mang tính xã hội đen, đảm bảo không làm thất thoát ngân sách Nhà nước.

Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất Thanh Hóa, chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, bán tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức đấu giá thuộc thẩm quyền…

Trước đó, vào tháng 9/2021, nhằm tránh tình trạng chậm đóng hoặc bỏ cọc sau khi trúng đấu giá đất, Thanh Hóa đã ra quy định mới về thời gian đóng tiền sử dụng đất, thuê đất và mức đặt cọc tối thiểu.

Người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải đặt trước mức tiền 20% giá khởi điểm của thửa đất đấu giá. Khoản tiền này được thu tiền mặt hoặc chuyển vào tài khoản riêng của tổ chức đấu giá tài sản.

Số tiền đặt cọc này sẽ không được hoàn lại nếu người tham gia đấu giá đã nộp tiền đặt trước nhưng không tham gia cuộc đấu giá mà không có lý do bất khả kháng; bị truất quyền tham gia đấu giá; từ chối ký biên bản đấu giá; rút lại giá đã trả hay từ chối kết quả trúng đấu giá.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh này đã xuất hiện tình trạng hàng loạt nhà đầu tư bỏ cọc, "tháo chạy" khỏi lô đất trúng đấu giá.

Nguyên nhân của tình trạng này được cho là do thời điểm trúng đấu giá, đất đang sốt cao, đến khi nộp tiền thì giá đất đã hạ nhiệt. Nếu cứ nộp tiền vào thì người trúng đấu giá sẽ lỗ, do đó họ lựa chọn bỏ cọc, không nộp tiền để mua các lô đất trúng đấu giá.

#/dau-gia-dat-kieu-xa-hoi-den-ubnd-tinh-vao-cuoc-chan-chinh-20220313030729645.chn