Thống kê của Sở Xây dựng Bắc Giang, đến tháng 10/2022, toàn tỉnh có gần 10,6 nghìn lô đất đủ điều kiện chuyển nhượng thì hiện vẫn còn 2.360 lô chưa bán được.
Tại một số huyện như: Yên Dũng, Hiệp Hòa, Lạng Giang, Tân Yên, Yên Thế trong 9 tháng năm 2022 có khoảng 300 lô đất bị bỏ cọc, trong đó, nhiều nhất là Tân Yên hơn 130 lô.
Mới đây nhất là đợt đấu giá ngày 6/11, trong số 83 lô đất ở tại khu đô thị số 1, thị trấn Nham Biền (Yên Dũng) được đưa ra đấu giá thì chỉ 41 lô được bán, số tiền kênh lên sau đấu giá khoảng 4 tỷ đồng (khoảng 7%) so với giá khởi điểm.
Trước đó, phiên đấu giá đấu giá 118 lô đất thuộc khu dân cư ở các xã Quang Châu, Việt Tiến và thị trấn Bích Động (Bắc Giang) có tới 32 lô đất không có khách hàng trả giá, chiếm 27% so với tổng số lô đất đem ra đấu giá.
Tình trạng khách hàng sau khi trúng đấu giá không hoàn thành nghĩa vụ tài chính cũng ngày càng gia tăng. Trả lời trên truyền thông, Bà Đặng Thị Hưng - Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Lạng Giang - Lục Nam (Bắc Giang) cho biết, qua rà soát trong số các lô đất trúng đấu giá đến nay có 59 lô đất thuộc các xã Quang Thịnh, Đại Lâm, Mỹ Hà, An Hà và thị trấn Vôi đến hạn nhưng khách hàng không nộp tiền và bỏ cọc.
Tình cảnh đấu giá ế ẩm cũng diễn ra tại Hải Dương. Cuối tháng 3/2022, 31 lô đất ở xã Cổ Bì (huyện Bình Giang) được tổ chức đấu giá thì có tới hơn 300 hồ sơ tham gia đấu giá. Trong 31 lô đất đấu giá thành công trên, khi hết hạn nộp tiền trúng đấu giá đất cũng chỉ có 2 trường hợp nộp tiền, còn 29 người còn lại đã bỏ và chấp nhận mất tiền đặt cọc.
Theo môi giới ở Hải Dương, thời điểm cuối tháng 3, tình trạng “gãy cọc” đất đấu giá diễn ra rất phổ biên. Ngay sau đó, nhiều xã, huyện ở Hải Dương cũng ghi nhận tình trạng nhà đầu tư bỏ cọc hoặc lượng nhà đầu tư đến tham gia đấu giá cũng giảm mạnh.
Tính từ đầu năm đến khoảng đầu tháng 9, huyện Kim Thành đã hủy kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng 50 thửa đất với tổng diện tích trên 6.400m2 tại vị trí quy hoạch dân cư mới thuộc các xã Phúc Thành, Kim Tân và Ngũ Phúc với tổng số tiền hủy gần 135 tỉ đồng.
Một số đơn vị vừa tổ chức đấu giá đất ghi nhận tình trạng “ế” đất đấu giá như xã Quang Minh (Gia Lộc); Chí Minh, Tân Kỳ (Tứ Kỳ); Long Xuyên (Bình Giang); Hợp Tiến, An Lâm (Nam Sách)… với tỷ lệ đấu giá thành công chưa đến 60%.
Trước tình trạng nhà đầu tư đấu giá rồi bỏ cọc, cuối tháng 10/2022, tỉnh Hải Dương đã phải phê duyệt lại giá khởi điểm để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tại nhiều khu dân cư, điểm dân cư trên địa bàn huyện Bình Giang, trong đó có 17 lô đất ở xã Cổ Bì với mức giá khởi điểm là 8 triệu đồng/m2. Ngoài ra, các điểm đấu giá đất ở nhiều địa phương khác cũng được phê duyệt để đưa ra đấu giá lại lần 3, lần 4.
Tại Hà Nội, trước đó, tại nhiều phiên đấu giá, nhiều nhà đầu tư trả cao gấp 4-6 lần so với giá khởi điểm. Nhưng từ tháng 8 trở lại đây, các phiên đấu giá không còn ghi nhận mức giá trả quá cao. Một số phiên đấu giá xuất hiện lô đất ế không có khách trả.
Cuối tháng 8, tại huyện Mê Linh, Hà Nội phiên đấu giá quyền sử dụng đất 19 thửa đất (đợt 2) tại điểm X2, thôn Yên Vinh, xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh với giá khởi điểm được đưa ra dao động 27,1-39,2 triệu đồng/m2. Kết quả đấu giá, trong tổng số 15 hồ sơ đăng ký, 12 thửa đất được đưa ra đấu giá thành công.
Trước đó, ngày 8.8, 20 thửa đất tại điểm X2, thôn Yên Vinh, xã Thanh Lâm đợt 1 với giá khởi điểm từ 27,1 triệu đồng/m2 đến 39,27 triệu đồng/m2 được đưa ra đấu giá thành công, thu tổng số tiền trúng đấu giá là gần 76 tỉ đồng.